Nhiều kết quả tích cực
Đây là thông tin được Giám đốc Sở Công Thương Võ Văn Chiêu đưa ra tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố được tổ chức sáng ngày 3/11.
Ông Võ Văn Chiêu cho biết, giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh Sóc Trăng có nhiều định hướng phát triển thương mại dịch vụ, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân và nhu cầu xuất khẩu tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ký 216 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh và ký 54 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trong cả nước (như: Big C, Co.opmart, Lotte, Mega Market, Tứ Sơn,...).
Ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng phát biểu |
Hiện nay toàn tỉnh có 174 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 29 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 144 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh đã tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, như, bánh pía, bánh phồng tôm, bưởi năm roi, bưởi da xanh, vú sữa tím. Đặc biệt là Gạo ST25 của Sóc Trăng (Doanh nghiệp Hồ Quang tại huyện Mỹ Xuyên) đã được công nhận là "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019".
Trong thời gian qua, nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai thực hiện nhằm ổn định, phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; nhiều chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của tỉnh ra thị trường ngoài tỉnh đã được triển khai; các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa vào tiêu thụ tại các thị trường, kênh phân phối hiện đại trong nước và xuất khẩu.
Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ký kết được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. |
Cùng với việc xúc tiến thương mại, hiện nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh cũng được đưa lên sàn thương mại điện tử. Hiện nay đã có 104 sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh được bán trên các sàn gaio dịch điện tử như Lazada, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmar… và 226 sản phẩm, hàng hóa bán trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Sóc trăng.
Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song hoạt động xúc tiến thương mại của Sóc Trăng còn rất thấp so với nhu cầu. Các chương trình xúc tiến thương mại chưa phủ khắp thị trường các vùng miền, khu vực trong cả nước và định hướng xuất khẩu. Số lượng sản phẩm hàng hóa tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại chưa nhiều so với tiềm năng hiện có; chất lượng một số loại sản phẩm còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà phân phối lớn, nhất là về nhãn hiệu, bao bì, chứng nhận.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng cho biết, doanh nghiệp trong tỉnh, hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ, trình độ quản lý sản xuất chưa cao, sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, chưa quan tâm nhiều đến việc đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại, cũng như việc ứng dụng và khai thác thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo các Sở, ngành địa phương tham dự hội nghị |
Theo ông Võ Văn Chiêu, trong thời gian tới, để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm tại thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, thế mạnh, sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương tạo kênh thông tin chuyên nghiệp, ổn định để trao đổi, chia sẻ thông tin thị trường; kịp thời thông tin các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại của Trung ương và tỉnh; các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường trong và ngoài nước, nhằm giúp cho doanh nghiệp tỉnh tạo thế chủ động, nâng cao nâng lực cạnh tranh.
Tổ chức, tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, ưu tiên sản phẩm OCOP, hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap,... vào các thị trường trọng điểm trong nước và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại ra nước ngoài. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp, cơ sở sản xuất của tỉnh được gặp gỡ các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các nhà mua hàng trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thuộc các lĩnh vực đạt tiêu chuẩn chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… trên sàn thương mại điện tử. Qua đó giúp doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, kênh phân phối sản phẩm ổn định và bền vững.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, thương mại điện tử là xu thế hiện nay và đang tiếp tục phát triển trong tương lai. Do vậy, trong thời gian tới, Sở Công Thương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Sóc Trăng để cộng đồng doanh nghiệp tham gia, người dân biết và mua sắm dễ dàng, thuận tiện. Vận động, hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn, đồng thời liên kết với các sàn giao dịch thương mại điện tử của các tỉnh bạn để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…