Phát biểu khai mạc Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay: 10 tháng vừa qua, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế, thương mại nước ta đã tiếp đà phục hồi với nhiều điểm sáng.
Nổi bật là kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD.
Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022 |
An ninh lương thực được đảm bảo, xuất khẩu lương thực đạt 45 tỷ USD, trong đó có trên 6 triệu tấn gạo. Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức từ 7,5-8,2%.
Những kết quả đạt được cho tới tháng 10 này, ngoài sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, tổ chức, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp còn có sự nỗ lực cao độ của hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Mặc dù nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ nhưng theo nhận định của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam những bất định gia tăng liên quan đến nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt.
Trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, chúng ta cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.
Hội nghị có sự tham gia của gần 300 đại biểu |
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, thời gian tới để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu và vượt lên những biến động trên thị trường thế giới thì hoạt động xúc tiến thương mại cần tăng cường, nhất là với các thị trường mới, thị trường ngách với những mặt hàng mới, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng thông tin, Hội nghị giao ban tháng 9/2022 đã nhận được 14 kiến nghị/yêu cầu của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, gồm: Áo, Anh, Ấn Độ, Bulgaria, Houston (Hoa Kỳ), Pakistan, Pháp, Trùng Khánh (Trung Quốc) tới các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Đến ngày 30/10/2022, Cục Xúc tiến thương mại đã phản hồi 5 đề xuất.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: Hội nghị tháng 10/2022, Ban tổ chức cũng đã nhận được gần 30 nhóm đề xuất của các cơ quan Thương vụ tại nước ngoài |
Hội nghị giao ban tháng 9/2022 cũng nhận được 27 đề xuất của các địa phương tới các đơn vị thuộc Bộ, một số Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và đã được giải đáp ngay tại hội nghị, số còn lại đang được các cơ quan liên quan phối hợp xem xét, thực hiện.
“Với hội nghị tháng 10/2022, Ban tổ chức cũng đã nhận được gần 30 nhóm đề xuất của các cơ quan Thương vụ tại nước ngoài thông qua 45 báo cáo của Thương vụ phục vụ Hội nghị và một số đề xuất từ các địa phương, hiệp hội. Chúng tôi đã tổng hợp các đề xuất này trong tài liệu trực tuyến của chương trình để quý vị tiện theo dõi, nắm bắt thông tin”, ông Vũ Bá Phú thông tin.