Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta luôn xác định khoa học, công nghệ là một trong những động lực, đột phá chiến lược góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh, bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Hiện thực hoá chủ trương này, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 tại Quyết định số 569/QÐ-TTg. Trên cơ sở này, tháng 10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2795/QĐ-BCT phê duyệt Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030. Trong đó, nêu nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới.
Để hiểu rõ hơn, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đào Duy Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, được biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đã đạt được một số kết quả nhất định. Ông có thể chia sẻ ngắn gọn về những lĩnh vực chính mà Bộ đã triển khai và kết quả đến thời điểm này?
Ông Đào Duy Anh: Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đã ban hành các chiến lược khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cũng như của ngành. Căn cứ trên những định hướng của Đảng và Chính phủ, ngành Công Thương đã triển khai xây dựng, thực hiện nhiều chương trình khoa học, công nghệ để phục vụ lĩnh vực phát triển của ngành, trong đó, tập trung vào một số các lĩnh vực ưu tiên theo chiến lược phát triển của ngành như: Lĩnh vực điện tử, tự động hóa, cơ khí chế tạo, năng lượng mới, khoáng sản, luyện kim, công nghệ sinh học, dệt may, da giày… Trong những năm qua, những lĩnh vực được triển khai đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ.
![]() |
Ông Đào Duy Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Quốc Chuyển |
Đối với ngành điện, năng lượng tái tạo hay điện tử, tự động hóa, cơ khí chế tạo, chúng ta cũng đã tiếp thu, nghiên cứu và làm chủ công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để có thể chủ động trong công tác quản lý xây dựng, vận hành nhà máy cũng như công trình điện.
Đối với lĩnh vực khoáng sản, đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công nghệ, thiết bị, đồng thời cũng phát triển nhiều nhà máy sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại với mức độ tự động hóa cao.
Đối với lĩnh vực cơ khí, cũng đã nghiên cứu, làm chủ và tự chế tạo được những thiết bị phụ trợ cho các nhà máy nhiệt điện, thủy điện cũng như phục vụ cho ngành dầu khí, trong đó, có các nhà máy lọc dầu, giàn khoan dầu cũng như từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các lĩnh vực cơ khí.
Đối với lĩnh vực điện, đã nghiên cứu, chủ động chế tạo được nhiều thiết bị, trong đó, có những thiết bị cần trình độ khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao.
Đối với lĩnh vực dầu khí, đã nghiên cứu làm chủ công nghệ vận hành nhà máy lọc dầu an toàn. Đến nay, ngành lọc dầu đã đáp ứng được trên 70% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực chế biến sâu từ sản phẩm dầu khí để lấy nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp khác như hóa chất hay, hóa mỹ phẩm.
Đối với lĩnh vực khoáng sản hóa chất, cũng đã làm chủ công nghệ để đưa ra những sản phẩm hóa chất cơ bản và các nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp trong nước.
Như vậy, chương trình khoa học, công nghệ ngành Công Thương triển khai trong giai đoạn vừa qua đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành ở mức độ nhất định. Đồng thời, thực hiện được mục tiêu từng bước nâng cao năng lực tự chủ trong các vấn đề nghiên cứu, làm chủ công nghệ, thiết bị để tự chủ sản xuất.
- Trong quá trình triển khai thực tế các chương trình khoa học, công nghệ của ngành, ông thấy đâu là những khó khăn thách thức?
Ông Đào Duy Anh: Thứ nhất, sự quan tâm và đầu tư nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa xứng với vai trò cũng như yêu cầu. Theo đó, việc đầu tư cho nâng cao tiềm lực của các tổ chức khoa học, công nghệ nói chung và các tổ chức khoa học, công nghệ ngành Công Thương nói riêng là rất hạn chế. Kinh phí dành cho công tác nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo cũng gặp khó khăn.
Thứ hai, các quy định của luật và các văn bản quy phạm pháp luật đối với khoa học, công nghệ rất chồng chéo và bị chi phối bởi nhiều luật, quy định khác nhau.
![]() |
Khoa học, công nghệ là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: VGP |
Thứ ba, năng lực của các đơn vị nghiên cứu phát triển trong ngành Công Thương phần lớn còn nhỏ về quy mô và hạn chế tiềm lực về con người, trang thiết bị.
Thứ tư, về khả năng tiếp thu các công nghệ mới, hiện chúng ta đang bước vào kỷ nguyên công nghệ số, nếu không có đủ tiềm lực tương ứng với yêu cầu thời đại, khó tiếp thu, làm chủ và hấp thụ được công nghệ mới trên thế giới.
Thứ năm, về sử dụng các quỹ khoa học, công nghệ. Luật khoa học, công nghệ quy định các tập đoàn, doanh nghiệp phải dành tỷ lệ khoảng 2% doanh thu cho quỹ khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, đến nay, chính sách để hướng dẫn sử dụng quỹ đó đôi khi vẫn chưa rõ ràng. Cho nên nhiều doanh nghiệp khó sử dụng quỹ cho hoạt động nghiên cứu phát triển cũng như đổi mới sáng tạo phục vụ cho phát triển doanh nghiệp.
- Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với tư duy mới. Ông có thể chia sẻ trong năm tới và cả giai đoạn từ nay đến năm 2030, lĩnh vực khoa học, công nghệ của Bộ sẽ triển khai những chương trình gì và giải pháp ra sao để đạt được mục tiêu đề ra?
Ông Đào Duy Anh: Trong giai đoạn sắp tới, ngành Công Thương triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, như: Các chương trình điện khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phục vụ quá trình chuyển đổi xanh nền kinh tế. Ngoài ra, chúng ta đang chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao và tái khởi động nghiên cứu phát triển năng lượng điện hạt nhân. Đây là những lĩnh vực lớn trong ngành Công Thương và để thực hiện được những nhiệm vụ như vậy thì hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành cũng phải hết sức nỗ lực. Các lĩnh vực trên đều đòi hỏi công nghệ, thiết bị cũng trình độ quản lý ở mức độ cao và chỉ có thể đạt được thông qua phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ của thế giới. Do đó, cần triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, bám vào các chủ trương, đường lối phát triển khoa học, công nghệ của quốc gia, ngành, để từ đó xây dựng những định hướng phát triển cũng như triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ.
Thứ hai, không nên trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước hay ngân sách của các đơn vị, mà cần coi hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhu cầu tự thân của các tổ chức, doanh nghiệp trong tất cả các thành phần nền kinh tế. Từ đó, sẽ huy động được sức mạnh từ nhiều nguồn khác nhau, qua đó thúc đẩy được nhu cầu về nghiên cứu phát triển, để đổi mới công nghệ, thiết bị cũng như tiếp thu các thành tựu khoa học, công nghệ thế giới.
Ngoài ra, cần tập trung nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau để nâng cao tiềm lực của các tổ chức khoa học, công nghệ. Đây là tiềm lực về con người, trang thiết bị và các nguồn kinh phí để nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần rà soát để loại bỏ những chính sách, thủ tục hành chính đang là rào cản của quá trình phát triển cái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, vừa xây dựng chính sách, vừa giám sát thực thi, ông có khuyến nghị gì với các bộ/ngành/địa phương/doanh nghiệp để khoa học, công nghệ đóng góp hiệu quả hơn nữa cho ngành cũng như đất nước?
Ông Đào Duy Anh: Với tất cả các văn bản Đảng và Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua và hiện nay đều xác định khoa học, công nghệ là quốc sách, yếu tố then chốt, động lực để phát triển và đổi mới đất nước. Để quan điểm đó thực chất đi vào cuộc sống và đóng góp xứng đáng với vai trò của khoa học cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước các cấp quản lý phải đánh giá đúng tầm quan trọng của khoa học, công nghệ với sự phát triển của bộ, ngành, địa phương. Khi đã đánh giá đúng vai trò cần phải có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần tập trung vào một số điểm sau:
Thứ nhất, xây dựng cơ chế, chính sách, tạo ra môi trường thông thoáng và thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, tạo dựng được các tổ chức, nhóm nghiên cứu mạnh, có đủ tiềm lực và trang thiết bị để có thể thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu triển khai khoa học.
Thứ ba, căn cứ ở trên đặc điểm của từng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung nguồn lực vào những vấn đề trọng tâm.
Thứ tư, đối với các đơn vị nghiên cứu, ngoài việc trông chờ vào những chính sách của Nhà nước, của bộ, ngành các đơn vị cũng phải tự chủ trong việc tăng cường năng lực và nâng cao tiềm lực.
Thứ năm, chính sách của các bộ, ngành cũng cần phải đẩy mạnh hơn thị trường khoa học, công nghệ. Khi đẩy mạnh được thị trường tiêu thụ các sản phẩm sẽ tạo ra thêm nguồn lực để quay trở lại phục vụ cho phát triển các tổ chức khoa học, công nghệ.
Ngoài ra, vai trò trong định hướng của Nhà nước, bộ, ban, ngành trong các chương trình, nhiệm vụ khoa học, công nghệ cũng cần đẩy mạnh làm tốt hơn để tạo ra vai trò dẫn dắt của Nhà nước, bộ, ban, ngành trong hoạt động khoa học, công nghệ.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 13/1/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 116/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu của Kế hoạch hành động nhằm tổ chức cụ thể hoá và thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. |