Nguồn lực đầu tư công có vai trò như thế nào đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đối mặt với nguy cơ suy giảm? Vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công tác động ra sao đến nền kinh tế? PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về những vấn đề này.
Xin ông cho biết một số đánh giá về vai trò của vốn đầu tư công và việc giải ngân đối với nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay?
Đầu tư công là một tuyến rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Đầu tư công thường liên quan đến những công trình lớn, công trình trọng điểm quốc gia. Nếu đầu tư công cho những công trình này được giải quyết tốt sẽ tạo ra sức đẩy rất mạnh cho quá trình phát triển kinh tế, ngược lại, nếu đầu tư công bị ách tắc sẽ dẫn đến quá trình này cũng bị chậm trễ.
PGS.TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Hiện nay nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, một trong những thách thức lớn nhất là khát nguồn vốn thị trường. Nguồn tín dụng ngân hàng tắc đầu ra, các kênh khác như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đều có sự lên xuống… Lúc này sự trông đợi đặt vào đầu tư công.
Đầu tư công là một điểm mà Chính phủ có thể tác động trên quy mô lớn để khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Điều này đang theo đúng nguyên lý cơ bản của kinh tế học về đầu tư nghịch chu kỳ: Khi nền kinh tế gặp khó, khu vực thị trường khó khăn thì cần tận dụng tuyến đầu tư công, tuyến vốn các dự án nhà nước để “bơm máu” cho nền kinh tế, tạo ra cú hích giúp nền kinh tế thoát khỏi điểm tắc nghẽn và tình trạng trì trệ.
Có thể nói, đầu tư công có tác dụng ngắn hạn nhưng cũng mang tính quyết định. Đó là lý do vì sao Chính phủ, Quốc hội nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công trong những năm vừa qua.
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên với nhiều lĩnh vực và ở nhiều địa phương, mức độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, thậm chí có những địa phương xin hoàn trả lại vốn. Những điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đối với nhiệm vụ hồi phục và phát triển kinh tế, thưa ông?
Mặc dù Chính phủ đốc thúc ráo riết nhưng không phải bộ, ngành, địa phương nào tiến độ giải ngân cũng như nhau. Đối với những bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm không phải do yếu kém mà có nhiều yếu tố ràng buộc, có thể liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí, hệ thống định mức triển khai chưa rõ ràng,… do đó khi phân tích phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng nơi, từng đơn vị.
Nói về hệ quả chung, một dự án chậm trước hết gây lãng phí và ảnh hưởng đến hiệu quả của chính dự án đó; đồng thời cũng tác động mạnh đến nền kinh tế, không chỉ là tác động ngắn hạn mà tác động đến mặt chiến lược dài hạn.
Chẳng hạn một dự án về hạ tầng triển khai chậm sẽ kéo theo hàng loạt ý đồ chiến lược khác bị chậm, thậm chí có thể kéo lùi nhịp của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi sự chậm trễ không chỉ 1 - 2 ngày, 1 - 2 tháng mà có dự án chậm trễ rất nhiều năm. Việc này có thể gây ra hậu quả trực diện là nền kinh tế bỏ lỡ mất nhiều yếu tố thuộc về thời cơ để phục hồi và bứt phá. Đó là điều chúng ta phải đặc biệt chú ý.
Chính phủ đã và đang thực hiện quyết liệt công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công |
Hiện nay vẫn còn có những vấn đề chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách cũng như các luật chuyên ngành, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả, hiệu lực đầu tư công. Ở góc độ chuyên gia kinh tế, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Khi các yếu tố cơ chế quyết định để tổ chức điều hành có xung đột với nhau thì hiệu quả thực thi bị giảm đi. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là không chỉ dự án bị ảnh hưởng mà sự “vênh” trong thể chế, chính sách có khả năng gây ra rủi ro cho bộ máy, cho những người thực thi, vì không biết cái đúng nằm ở đâu. Hệ quả của việc này rất lớn, bao trùm lên tâm lý hành động của bộ máy, không ai muốn làm, không ai dám làm vì sợ sai. Đây mới thực sự là điều đáng lo ngại.
Phải nhận thức rằng, nền kinh tế của chúng ta hiện nay là nền kinh tế chuyển đổi, đang thoát khỏi cái cũ và tạo lập cái mới, có sự chuyển dịch thường xuyên, do đó các quy định, chính sách có độ vênh là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta sửa luật phải đảm bảo theo đúng định hướng đã đặt ra, đó là phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập.
Cần lưu ý là các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy định chuẩn hóa phải rõ ràng. Nếu tiêu chuẩn, tiêu chí không rõ ràng thì luật lệ rất khó thực thi được. Vì vậy, khi làm luật, đôi khi các điều khoản, quy định có thể chưa đủ tường minh nhưng các tiêu chuẩn, tiêu chí phải mạch lạc, như thế sẽ giảm được rủi ro để bảo đảm được tính nhất quán trong hệ thống luật pháp.
Thủ tướng đã ra hàng loạt văn bản chỉ đạo, Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác để thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công; tại các địa phương trên cả nước cũng đang đốc thúc mạnh mẽ công tác này. Theo ông, những giải pháp quyết liệt này của Chính phủ và các địa phương sẽ có tác động như thế nào đến kết quả?
Chính phủ đã và đang thực hiện rất quyết liệt công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Sự quyết liệt này đã mang lại kết quả thực tế trong thời gian qua. Mỗi quý tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đều tăng lên, năm nay giải ngân tăng hơn năm trước với khối lượng, quy mô rất lớn. Như vậy, có thể thấy, vẫn cơ chế đó, vẫn chính sách đó nhưng những giải pháp thúc đẩy, biện pháp tổ chức thực hiện của Chính phủ đã có hiệu quả. Đúng như Thủ tướng nói, không có vấn đề gì mà không có lối thoát, không có giải pháp. Cách hành động như vậy tôi cho là rất tích cực.
Tuy nhiên, ở đây cũng phải nhấn mạnh, chúng ta triển khai phải mang lại hiệu quả thực chất chứ không dốc sức theo kiểu thi đua lập thành tích. Thành tích ảo vừa gây tốn chi phí vừa gây hậu quả về rủi ro bộ máy, sai lầm về lâu dài.
Do đó, khi không quan tâm đến thành tích ảo thì chúng ta nên sẵn sàng chấp nhận việc năm nay có thể giải ngân chậm, tuy nhiên có sự chuẩn bị để sang năm giải ngân mạnh hơn. Tôi nghĩ rằng Chính phủ và Quốc hội nên có tiêu chuẩn đánh giá theo hướng này, không chỉ đánh giá kết quả giải ngân mà cần xem xét sự chuẩn bị những điều kiện để thúc đẩy quá trình giải ngân một cách có chất lượng, trong đó bao gồm cả khối lượng, quy mô, cơ cấu giải ngân, như thế chúng ta mới đạt được thành tích thực chất. Đặc biệt, công tác giám sát, phân quyền, phân cấp chịu trách nhiệm phải được chú trọng, đi liền với khâu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Xin cảm ơn ông!
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2023 (Thủ tướng giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là hơn 831.092 tỷ đồng. Uớc thanh toán từ đầu năm đến 30/11 là 460.980 tỷ đồng, đạt 59,39% kế hoạch (đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng giao). Cùng kỳ năm 2022 đạt 52,43% kế hoạch và đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng giao. |