Giải ngân vốn đầu tư công thấp và những "nỗi sợ” được gọi tên Cuối năm dồn dập giải ngân vốn đầu tư công Thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ |
Từ góc nhìn của cơ quan Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực, Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã trao đổi với Báo Công Thương một số quan điểm về vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách để khơi thông dòng vốn đầu tư công cũng như nâng cao chất lượng dự án đầu tư công.
Thời gian qua các cơ quan của Quốc hội đã đi sâu vào thẩm tra các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm nhằm hoàn thiện thể chế và kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, trong đó có các dự án đầu tư công. Từ thực tế các cơ quan báo cáo lên quốc hội, ông có thể cho biết những nguyên nhân chính để dẫn đến hiện trạng giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua không đạt kết quả như mong muốn?
Qua các báo cáo của Chính phủ, của Kiểm toán nhà nước và từ kinh nghiệm tôi tham gia một số đoàn giám sát của Ủy ban kinh tế của Quốc hội đối với tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia, tôi cho rằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị ảnh hưởng bởi một số khó khăn, có thể khái quát thành 3 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, là vấn đề chính sách. Hiện nay trong cơ chế chính sách thực hiện giải ngân vốn đầu tư công còn một số quy định chưa rõ ràng, chưa có định mức giải ngân, dẫn đến khó thực thi. Hoặc một số cơ chế chính sách ở mặt bằng chung không sai nhưng khi áp vào một số dự án cụ thể lại chưa phù hợp.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực, Ủy ban kinh tế của Quốc hội |
Thứ hai, là vấn đề tổ chức thực thi. Nếu khâu chuẩn bị dự án không được thực hiện thận trọng, việc các dự án phải điều chỉnh nội dung, tiến độ sẽ kéo theo sự thay đổi, phát sinh thủ tục, phân bổ vốn và nhiều yếu tố khác liên quan, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Do đó, theo tôi, mấu chốt của khâu thực thi là chất lượng của việc chuẩn bị dự án đầu tư.
Thứ ba, là vấn đề thị trường. Các dự án có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan, những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng lực nhà đầu tư… Ví dụ, một nhà đầu tư có thể có năng lực tốt với một dự án cụ thể, nhưng khi một lúc triển khai nhiều dự án, phải phân bổ thời gian, nguồn lực, rõ ràng nhà đầu tư đó sẽ có thể bị ảnh hưởng và không đảm bảo được hiệu quả tốt nhất và việc thay thế nhà đầu tư không phải phương án có thể triển khai dễ dàng và nhanh chóng.
Thưa ông, vừa qua một trong những cơ quan của Quốc hội là Kiểm toán nhà nước đã công bố các kết luận kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư công. Trong các kết luận kiểm toán, ngoài việc kiến nghị xử lý hành chính, Kiểm toán nhà nước còn có nhiều kiến nghị đối với các bộ ngành địa phương và các ban quản lý dự án để kịp thời khắc phục các thiếu sót còn tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý dự án; đồng thời kiến nghị xem xét, sửa đổi kịp thời các quy định chính sách không còn phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án để tăng tốc đầu tư công. Quan điểm của ông về vấn đề này và nội dung cần sớm sửa đổi để tháo gỡ điểm nghẽn hiện nay?
Trước hết, theo quan điểm của tôi, thể chế rất quan trọng và có tác động lan tỏa. Nếu quy định pháp luật rõ ràng, khả thi, mọi người, mọi cơ quan đọc đều hiểu thì chúng ta có thể thực hiện được ngay, đồng thời gạt bỏ được tâm lý lo lắng, né tránh trách nhiệm, vì chúng ta thực hiện một cách minh bạch, thống nhất.
Các báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và các nội dung rà soát của Quốc hội cũng chỉ ra trong thể chế, chính sách có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất do cách hiểu khác nhau. Quy định chưa rõ ràng, nhất là vấn đề về phân cấp, phân quyền và một số vấn đề phát sinh như dự án đi qua nhiều địa phương, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất… Những vấn đề đó đều đã được nhận diện.
Tuy nhiên, đến lúc này chúng ta phải nhìn nhận vấn đề và phân tách một cách cụ thể, rõ ràng. Phải xác định vấn đề nào là do luật, vấn đề nào là do tổ chức thực thi. Nếu chúng ta xác định sai vấn đề, chúng ta sửa luật thì không giải quyết được vấn đề.
Hoàn thiện thể chế, chính sách để khơi thông dòng vốn đầu tư công |
Vướng mắc của luật pháp thì phải xác định rõ vấn đề liên quan đến thẩm quyền, khả năng phản ứng chính sách. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của bộ thì bộ phải chủ động, tích cực giải quyết. Tương tự, vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội thì Chính phủ, Quốc hội sẽ quyết định. Chúng ta phải xác định rõ ràng điều đó thì mới có thể tháo gỡ một cách thấu đáo và hiệu quả.
Đồng thời, khi xác định sự vướng mắc, chồng chéo giữa các luật thì phải chỉ rõ luật nào phải sửa, luật nào không cần sửa, hay phải sửa đồng bộ.
Tại nghị quyết của kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội cũng đề cập đến nội dung gỡ khó trong thể chế, yêu cầu Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý hết các kết quả rà soát để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thành lập một tổ công tác, hai bên sẽ cùng phối hợp và phải chỉ rất rõ vướng mắc ở đâu, vướng mắc như thế nào…
Theo ông, khi nhận diện khái quát được những nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, chúng ta cần những giải pháp dài hạn gì để khơi thông dòng vốn đầu tư công, để lĩnh vực này thực sự là lực đẩy quan trọng tăng trưởng kinh tế?
Thứ nhất, về dài hạn, tôi cho rằng khâu chuẩn bị đầu tư là rất quan trọng. Tôi rất mong muốn trong tương lai, từ năm sau trở đi, tất cả các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nên tập trung nâng cao chất lượng của khâu chuẩn bị đầu tư. Nếu chúng ta làm chắc, làm chất lượng thì sẽ hạn chế được rất nhiều chi phí trung gian ảnh hưởng đến tiến độ dự án đầu tư.
Thứ hai, tôi vẫn nhấn mạnh rằng thể chế rất quan trọng. Thể chế ở đây không chỉ là Luật đầu tư công mà còn có Luật ngân sách nhà nước và các luật khác liên quan. Bởi việc triển khai dự án đầu tư liên quan đến rất nhiều quy định, luật lệ, bao gồm các luật chuyên ngành có liên quan.
Để cải thiện việc giải ngân vốn đầu tư công cũng như nâng cao chất lượng dự án đầu tư công, nên bám sát nghị quyết kỳ họp thứ 6 mà Quốc hội vừa thông qua: Chính phủ cũng như các cơ quan, bộ, ngành phải nhanh chóng rà soát, phát hiện vấn đề và nhanh chóng giải quyết trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng thể chế về đầu tư công cần có một số thay đổi về mặt tư duy. Đầu tiên là tư duy theo nguyên tắc phù hợp. Với những dự án khác nhau thì quy trình, thủ tục và sự phân cấp, phân quyền phải khác nhau, không nên đánh đồng những dự án có quy mô, tính chất khác nhau. Bởi đánh đồng là vô hình trung làm lãng phí chi phí giao dịch không đáng có.
Cùng với đó, phải thay đổi cách quản lý theo kết quả đầu ra, tức là quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, thay vì quản lý theo quy trình, thủ tục, theo định mức chi phí kỹ thuật.
Cuối cùng, cách đánh giá, nhìn nhận về đầu tư công phải mang tính dài hạn hơn. Có những nội dung chúng ta định hướng theo từng năm, nhưng có những dự án chúng ta cần tư duy dài hạn hơn để đưa ra những định hướng, giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!