Sàn thương mại điện tử: Hỗ trợ đầu ra cho nông sản Thái Nguyên “Lên sàn” Postmart, nhiều nông dân tăng gấp đôi doanh thu |
“Mùa vải ngọt”
Tháng 3 - mùa con ong đi lấy mật, cũng là mùa những bông vải thiều bắt đầu bung nở trắng xoá dọc con đường uốn lượn quanh co dẫn về Lục Ngạn. Dưới màn mưa bay phấp phới đặc trưng những ngày cuối xuân, trên nền đất đỏ đặc trưng của đất đồi, từng gốc vải lâu năm được cắt tỉa cành chu đáo đang trổ hoa trắng xoá như những mâm xôi khổng lồ, toả hương thơm dịu ngọt thu hút bướm ong.
Vui vẻ tiếp chúng tôi, anh Vũ Nguyên Bình – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Bình Nguyên (thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, bà con đầu tư tốt hơn cho cây vải nên dự kiến, năng suất và chất lượng vải sẽ tăng cao so với năm ngoái.
Hoa vải nở trắng cây, hứa hẹn một vụ mùa bội thu |
Nhớ lại những ngày tháng 5 rực lửa năm 2021, khi Bắc Giang trở thành tâm dịch trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại nước ta, anh Vũ Nguyên Bình cho biết, giai đoạn đầu, anh và các thành viên hợp tác xã không khỏi băn khoăn, lo lắng về đầu ra cho trái vải khi thời điểm dịch bệnh bùng phát chính là vào chính vụ thu hoạch vải thiều.
Bán vải thiều cho ai khi giãn cách xã hội kéo dài? Ngay cả khi có đơn hàng thì làm sao vận chuyển được vải ra khỏi hợp tác xã? Từng câu hỏi nối nhau kéo dài không có lời đáp khiến không ít người dân Lục Ngạn chọn cách cắt bớt đi một phần đầu tư cho trái vải để giảm chi phí bởi lo ngại sẽ không thể bán được hàng, lo ngại công sức chắt chiu cho trái vải sẽ “đổ sông đổ biển”.
Chính trong những ngày khó khăn đó, dưới sự chỉ đạo của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Bưu điện tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều thông qua sàn thương mại điện tử Postmart cũng như hệ thống bưu cục cả nước.
“Tổng diện tích vải thiều của HTX là 34 ha, tổng sản lượng hàng năm rơi vào 300-400 tấn. Năm 2021 là năm đầu tiên HTX đưa quả vải thiều lên sàn TMĐT Postmart và tiêu thụ qua hệ thống bưu cục của bưu điện trên khắp cả nước với sản lượng lên đến hơn 300 tấn và giá cả ổn định. Các thành viên HTX chúng tôi đều thở phào vì vải đã tìm được đầu ra ngay giữa mùa dịch” – anh Vũ Nguyên Bình vui mừng chia sẻ.
Nhân viên bưu điện hỗ trợ người nông dân thông tin về thị trường, từ đó sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng |
Không chỉ giải quyết bài toán đầu ra, nếu như trước đây việc tiêu thụ vải thiều khá bấp bênh khi cứ đến mùa thu hoạch, ngoài lượng vải đã có hợp đồng tiêu thụ trước, lượng vải còn lại được các thành viên hợp tác xã tự tìm thương lái hoặc chở ra chợ đầu mối để bán.
“Có ngày chúng tôi thu hoạch được 10 tấn nhưng bán không hết. Cuối ngày, quả vải xuống cấp, thương lái ép giá. Nhưng khi bán qua sàn Postmart, chúng tôi nắm được lượng hàng hoá và chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hoá đó, tự đóng bao bì theo đúng quy cách rồi bưu điện sẽ cho người đến vận chuyển. Chưa kể, chúng tôi còn được hỗ trợ thông tin về quy cách đóng gói sao cho bắt mắt, dễ bán. Giá cả vải thiều cũng rất ổn định và cao hơn khoảng 30% nếu kinh doanh theo phương thức cũ” – anh Bình vui vẻ cho biết.
Cùng với HTX nông sản sạch Bình Nguyên, đã có nhiều hộ gia đình, HTX trên địa bàn huyện Lục Ngạn được bưu điện hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trong mùa vụ 2021. Bà Nguyễn Thị Giang – Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh bùng phát mạnh ở Bắc Giang, dưới sự chỉ đạo và định hướng của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Bắc Giang đã làm tốt vai trò tiêu thụ vải và hỗ trợ người nông dân cung ứng vải đến tận tay người tiêu dùng.
Năm 2021, Bưu điện Bắc Giang đã vận chuyển, tiêu thụ hơn 4.000 tấn vải thiều qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn và hệ thống bưu cục, kịp thời hỗ trợ cho nông dân trong bối cảnh dịch bệnh. Từ Lục Ngạn, vải thiều đã đến với những bưu cục xa xôi khắp đất nước, đưa thứ quả đặc trưng của mùa hè xứ Bắc đến người tiêu dùng ở những địa phương xa xôi của miền Trung, miền Nam, nối dài kênh tiêu thụ.
Chưa kể, thông qua việc kinh doanh qua sàn thương mại điện tử, qua hệ thống bưu cục, nhân viên bưu điện còn hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh nắm bắt thông tin từ người tiêu dùng như chất lượng vải như thế nào, quy cách đóng gói sao cho phù hợp… Từ đó phản ánh lại cho bà con để người trồng nắm được thông tin, đáp ứng được tốt nhất nhu cầu cho người tiêu dùng.
Mục tiêu tiêu thụ vượt 4.000 tấn trong mùa vụ 2022
Từ tiền đề của thành công năm 2021, năm 2022, dưới hướng dẫn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Bắc Giang đã đặt ra kế hoạch, mục tiêu hỗ trợ nông dân tiêu thụ và vận chuyển vải, đồng thời hỗ trợ người nông dân đưa sản phẩm lên tiêu thụ tại sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Mục tiêu năm nay là đưa 96.000 hộ dân lên sàn thông qua công tác mở tài khoản trên sàn; hỗ trợ, đào tạo quy cách đóng gói sản phẩm, đào tạo cho bà con nông dân tiếp cận việc kinh doanh trên sàn để đa dạng đầu ra cho sản phẩm.
Nhân viên bưu điện dhướng dẫn quảng bá và bán trái vải trên sàn thương mại điện tử Postmart |
Bà Giang cho biết, để đạt mục tiêu này, cùng với hệ thống bưu cục và sàn thương mại điện tử Postmart, Bưu điện tỉnh Bắc Giang cũng xác định phát huy ngoại lực từ các mối quan hệ với các sở ban ngành để đảm bảo kế hoạch tiêu thụ vải thiều năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch năm 2021.
“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chi tiết là sẽ bố trí mạng lưới nhân lực, xe cộ sao cho đáp ứng được kịp thời kế hoạch tiêu thụ vải trong bối cảnh vải chỉ chín rộ trong khoảng nửa tháng. Chúng tôi cũng đã bố trí xe phương tiện với các container bảo quản lạnh để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng tốt nhất” – bà Giang nhấn mạnh.
Song song với sự hỗ trợ từ bưu điện, người dân Bắc Giang cũng xác định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng vải thiều thông qua việc sản xuất theo tiêu chuẩn. Anh Vũ Nguyên Bình cho hay, từ 4 năm nay, HTX đã dần chuyển sang sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP và một phần sang sản xuất vải theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo quả vải an toàn và chất lượng nhất. Đến nay, toàn bộ 40ha vải của HTX đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và dự kiến sẽ dần chuyển đổi 10ha sang sản xuất vải hữu cơ.
Hướng dẫn người dân livestream bán hàng |
“Năm 2022, dự kiến sản lượng vải của HTX là 450 tấn. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được kết nối qua kênh bưu điện để tiêu thụ hết sản lượng vải này” – anh Bình chia sẻ.
Khi hoa vải rực trắng trên sườn đồi, những con đường đất đồi quanh co dẫn vào vườn vải đã được đổ đá tinh tươm và san bằng phẳng, sẵn sàng chờ đón những chuyến xe mang thứ quả đặc sản ngọt ngào thơm tho của Bắc Giang đến với mọi miền Tổ quốc. Bằng sự góp sức “cánh tay nối dài” của bưu điện, trái vải đã vượt qua được mối lo "được mùa mất giá", nâng cao giá trị và định vị thương hiệu tốt hơn trên thị trường.