Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ: Còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ
Tin hoạt động 09/06/2023 15:49
Bộ Công Thương nỗ lực tối đa cho công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Vật liệu nổ công nghiệp là loại vật tư hàng hóa đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đã trở nên phổ biến và không thể thiếu trong các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng, thủy lợi và giao thông, tuy nhiên về mặt trái của nó cũng có thể gây mất an toàn, an ninh, trật tự xã hội nếu bị thất thoát. Từ năm 1991 trở về trước Việt Nam từ một nước nhập khẩu hoàn toàn vật liệu nổ công nghiệp, đến nay chúng ta đã trở thành một nước có trình độ sản xuất vật liệu nổ công nghiệp vào hạng trung bình trên thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị |
Sản lượng tiêu thụ vật liệu nổ công nghiệp cũng liên tục tăng: Năm 1991 mới chỉ có vài trăm tổ chức sử dụng và sản lượng tiêu thụ vật liệu nổ công nghiệp đạt trên chục ngàn tấn thuốc nổ. Đến năm 2022 sản lượng tiêu thụ là hơn 162.000 tấn thuốc nổ với hơn 1.400 tổ chức sử dụng đủ các loại hình kinh tế, đa dạng loại hình, quy mô và có mặt hầu hết trên các địa bàn toàn quốc.
Năm 2017, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 thay thế Pháp lệnh số 16/2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm khắc phục những điểm hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Sau khi Luật số 14/2017/QH14 ra đời, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật. Bộ Công Thương cũng ban hành Thông tư số 13/2018/TT-BCT về quản lý, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ. Bên cạnh đó Bộ cũng ban hành rất nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp đã góp phần vào việc hình thành một hệ thống văn bản pháp luật và các quy định kỹ thuật về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ tương đối đồng bộ, thống nhất.
Theo báo cáo của các các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh có hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, từ ngày 1/7/2018 đến nay, các đơn vị đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 1.876 đơn vị hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện vi phạm hành chính tại 210 đơn vị và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 6.586.300.000 đồng. Qua kiểm tra, thanh tra đã rút kinh nghiệm, thống nhất phương thức quản lý giữa các cơ quan Trung ương và địa phương; có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời những bất bình thường trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, phòng ngừa, ngăn chặn thất thoát trong quá trình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Cũng theo báo cáo của các đơn vị và Sở Công Thương, từ ngày 1/72018 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 5 vụ thất thoát vật liệu nổ công nghiệp (5.530 kíp nổ các loại); 7 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp làm chết 9 người và bị thương 10 người.
Còn nhiều khó khăn vướng mắc về Luật
Tại hội nghị, nhiều khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và tiền chất thuốc nổ được đưa ra để tìm cách gỡ vướng, nhất là trong Luật số 14/2017/QH14.
Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về VLNCN và tiền chất thuốc nổ |
Thứ nhất, về thẩm quyền quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp: Tại Điểm a khoản 1 Điều 37 Luật số 14/2017/QH14 quy định “Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp do các tổ chức khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thực hiện trên cơ sở đề án nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Tuy nhiên Luật không quy định cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án nghiên cứu để bảo đảm không vi phạm khoản 2 Điều 5 Luật số 14/2017/QH14 “Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ” và Điều 305 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vật liệu nổ trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ”.
Nhiều vướng mắc tại Luật số 14/2017/QH14 được các đại biểu cùng thảo luận và kiến nghị nhằm tháo gỡ trong thời gian tới |
Thứ hai, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tại Điểm đ khoản 3 Điều 37 Luật số 14/2017/QH14 quy định việc kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định: Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp được mua lại vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức được phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không sử dụng hết.
Tại Điểm b Khoản 2 Điều 41 Luật số 14/2017/QH14 quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải tuân theo quy định: vật liệu nổ công nghiệp không sử dụng hết phải bán lại cho doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. .
Như vậy, theo các quy định nêu trên, các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không sử dụng hết phải bán lại cho doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Tuy nhiên, theo pháp luật về thương mại, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Như vậy, việc bán lại cho các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệplà hoạt động kinh doanh, hoạt động thương mại. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (trừ MICCO và GAET) không có giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.
Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ có 02 tổ chức được phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là Tổng công ty MICCO trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty GAET thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, 02 tổng công ty này có các đơn vị là chi nhánh hoặc các đơn vị trực thuộc hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con để cung ứng vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại 47 tỉnh, thành phố trên cả nước. Như vậy nếu không có ủy quyền kinh doanh sẽ vướng với quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Ngoài ra còn rất nhiều vướng mắc về khai thác vật liệu nổ công nghiệp, quản lý tiền chất thuốc nổ... cũng được các đại biểu đưa ra để bàn thảo và thống nhất tại hội nghị.
Xem xét điều chỉnh và gỡ vướng để hoàn thiện
Chính từ những vướng mắc trên, các đại biểu đã kiến nghị, đề xuất nhiều điều khoản tại Luật số 14/2017/QH14.
Thứ nhất, về nghiên cứu vật liệu nổ công nghiệp. Đề nghị chỉnh sửa điểm a khoản 1 Điều 37 Luật số 14/2017/QH14 để bảo đảm đa dạng hóa nhiệm vụ nghiên cứu theo mục đích và quy mô thực hiện, khả thi trong việc áp dụng vào thực tiễn sản xuất; phù hợp, thống nhất với Luật Khoa học và Công nghệ (hiện nội dung này đã được đưa vào dự thảo dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14).
Đề nghị bổ sung quy định giao Bộ Công Thương hướng dẫn việc đăng ký sản phẩm mới tại khoản 1 Điều 37 Luật số 14/2017/QH14 (Nội dung này đã được đưa vào dự thảo dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14).
Thứ hai, về sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, đề nghị bãi bỏ quy định chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp tại điểm b khoản 2 Điều 37 Luật số 14/2017/QH14 để phù hợp với quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch (nội dung này đã được đưa vào dự thảo dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14).
Đề nghị chỉnh sửa quy định về thành phần hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đối với các tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất nghiên cứu, đầu tư dây chuyền sản xuất các sản phẩm mới.
Thứ ba, về kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp: Đề nghị nghiên cứu, lưu ý nội dung quy định việc bán lại vật liệu nổ công nghiệp không sử dụng hết này để đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật liên quan và phù hợp với thực tiễn triển khai, thực hiện.
Đề nghị bổ sung quy định cho phép công ty mẹ ủy quyền cho công ty con vào khoản 3 Điều 37 để việc kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp của các đơn vị trực thuộc công ty mẹ không trái với quy định tại Luật Doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi khi mua vật liệu nổ công nghiệp của các tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp...
Phát biểu kết kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định, qua thực tiễn của 5 năm triển khai thực hiện Luật số 14/2017/QH14 cho thấy còn tồn tại một số vướng mắc trong quản lý, sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ. Những tồn tại này có thể gây khó khăn, cản trở cho việc áp dụng làm ảnh hưởng đến các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị và tình hình thực tiễn theo dõi, thi hành Luật, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tổng kết đánh giá và đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh các quy định pháp luật nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý, các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ dễ dàng tiếp thu, thực thi, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội và đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của mình.