Năm 2019, các tiêu chí được dùng để xác định Làng thông minh tại Cộng hòa Litva được đưa ra sau khi tiến hành thử nghiệm tại 5 làng trong giai đoạn 2011-2018. 10 tiêu chí chính bao gồm: Tham quan làng ảo; yếu tố văn hóa bản địa; hỗ trợ/sản xuất lương thực địa phương; cận toàn diện; đổi mới xã hội, công nghệ kỹ thuật và năng lượng sinh học; phục hồi các dịch vụ nông thôn; có áp dụng các sáng kiến kinh tế và hoạt động kinh doanh mới; đảm bảo môi trường bền vững; có sự hợp tác/đối tác giữa người dân với các tổ chức địa phương; có không gian tự nhiên riêng biệt, yếu tố văn hóa và giải trí độc đáo.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới |
Các định hướng phát triển Làng thông minh của Liên minh châu Âu qua Mạng lưới Phát triển nông thôn châu Âu (ENRD), đề cập đến sự tham gia của cộng đồng địa phương và việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số được coi là yếu tố cốt lõi, tập trung vào một số tính năng chính: Một chiến lược Làng thông minh xác định những thách thức, nhu cầu, tài sản và cơ hội; Hợp tác, liên kết đối tác và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương; Làng thông minh tìm kiếm các giải pháp bắt nguồn từ lãnh thổ địa phương có thể tạo ra giá trị và lợi ích cho cộng đồng; Đổi mới xã hội và kỹ thuật số là đặc trưng của Làng thông minh.
Mô hình Làng thông minh đã được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng thí điểm. Trong mô hình Làng thông minh, việc xây dựng bộ tiêu chí, các chỉ số để đánh giá, đo lường mức độ thông minh của mỗi ngôi làng có thể có sự khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn gắn với phát triển sinh kế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tại Việt Nam, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều tác động tích cực tới đời sống người dân khu vực nông thôn. Phát huy thành quả đó, trong giai đoạn mới, Chính phủ đã ban hành Quyết định 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, đã đưa những định hướng điều chỉnh, nâng cấp bộ tiêu chí Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới phù hợp đặc thù của vùng miền, nâng cao các chỉ tiêu, chỉ số kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, đặc biệt là đưa ra một số tiêu chí về ứng dụng các giải pháp công nghệ số gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, trong tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu có đặt ra yêu cầu mỗi xã nông thôn mới kiểu mẫu phải có ít nhất một mô hình thôn thông minh.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có cơ chế chính sách phát triển Làng thông minh. Mặc dù khung pháp lý và cơ chế chính sách phát triển nông thôn thời gian qua đã có đề cập, can thiệp thúc đẩy các trụ cột làng, xã theo hướng thông minh, nhưng hiện nay vai trò của công nghệ số kết hợp với tri thức truyền thống của làng chưa thực sự có cơ chế thúc đẩy để phát huy các lợi thế phát triển nhằm thỏa mãn các tiêu chí Làng thông minh.
Để mở rộng áp dụng Làng thông minh trong nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn 2030 tại Việt Nam, PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, khung pháp lý, thể chế chính sách, tiêu chí Làng thông minh - Xã kết nối cần được qui định và lồng ghép vào các chiến lược phát triển nông thôn bền vững.
Lộ trình thực hiện xây dựng Làng thông minh - Xã kết nối không thể tách rời chính sách xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh trong khung chính sách quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới.
Với đặc thù rất đa dạng về địa lý, không gian văn hóa, tri thức truyền thông, mô hình này đòi hỏi cần có một lộ trình bài bản từ xây dựng tiêu chí Làng thông minh đến thí điểm mô hình phát triển Làng thông minh và nhân rộng Làng thông minh trong bối cảnh thực hiện khung chính sách về phát triển nông thôn bền vững nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030 nói riêng.
Các giải pháp can thiệp kết hợp giải pháp công trình và phi công trình nhằm thúc đẩy lộ trình xây dựng Làng thông minh - Xã kết nối phải tuân thủ các bước thực hiện trước khi được lồng ghép vào triển khai trên diện rộng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Việc phát triển các hạ tầng nông thôn cần gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng số cho nông thôn nhằm phát triển các mô hình chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn, vốn cơ bản dựa vào hạ tầng viễn thông số nhanh, mạnh, cũng như các hệ thống dữ liệu cho các sáng kiến sáng tạo địa phương.
Phát triển mô hình Làng thông minh - Xã kết nối sẽ thúc đẩy quá trình phát triển nông thôn nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là giúp người dân nông thôn tiếp cận nhanh và hiệu quả các dịch vụ công cơ bản cũng như các cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đưa mô hình thử nghiệm xây dựng Làng thông minh - Xã kết nối đại diện cho các vùng kinh tế - sinh thái - văn hóa trong quy hoạch khung chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, bên cạnh phát triển các giải pháp công trình, cần sớm ban hành bộ tiêu chí Làng thông minh - Xã kết nối để các địa phương có cơ sở ban hành các kế hoạch triển khai theo các chỉ số có định hướng chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn.
Tổ chức thí điểm xây dựng làng thông minh tại một số tỉnh đại diện cho các vùng sinh thái nông nghiệp trên cả nước. Từ đó, tổng kết đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm và xây dựng cơ chế chính sách nhân rộng mô hình làng thông minh trên cả nước trong giai đoạn 2026 - 2030.