Du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP Bình Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới |
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay các tiêu chí về tỉnh nông thôn mới của Hà Tĩnh đang từng bước được hoàn thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 177/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 98%); có 50/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 27,6%); có 7/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 3,87%).
Dự kiến đến cuối năm 2023 có 181/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%); kế hoạch năm 2024 có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 50% tổng số xã), 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 10% số xã).
Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh nông thôn mới. Ảnh: Trà Giang |
Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, hệ thống các cơ chế, chính sách, kế hoạch tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, ban hành kế hoạch thực hiện 6/6 chương trình chuyên đề; phân bổ chi tiết nguồn vốn thực hiện các chương trình.
Hà Tĩnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt các mô hình thuộc các Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Chương trình du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Về Chương trình OCOP, hiện Hà Tĩnh có 239 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Đáng chú ý, ngày càng nhiều mô hình khởi nghiệp của người trẻ ở Hà Tĩnh cùng tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh. Đây là tín hiệu vui để thấy OCOP đã thật sự lan tỏa và định danh được ý nghĩa của chương trình.
Ông Lê Xuân Tùng - Trưởng bộ phận OCOP, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh - cho biết, thế hệ trẻ là những người nhanh nhạy trong tiếp cận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp; nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng để cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và sáng tạo, nhanh nhạy trong thực hiện chuyển đổi số, phát huy thế mạnh của nền tảng số, thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đó là những lợi thế lớn trong xây dựng và phát triển sản phẩm của địa phương cũng như tham gia Chương trình OCOP.
Cũng theo ông Tùng, hướng phát triển của Chương trình OCOP trong thời gian tới là: Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và phát triển thị trường; xây dựng đội ngũ chủ thể OCOP đủ năng lực dẫn dắt người nông dân phát triển kinh tế, thay đổi tư duy phát triển; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để người dân có cơ hội tìm kiếm bạn hàng, mở rộng quy mô sản xuất… Do vậy, vai trò của những chủ thể trẻ là rất quan trọng trong tạo động lực kết nối, phát triển sản phẩm mang bản sắc địa phương.
Liên quan đến chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hiện Hà Tĩnh đang triển khai thí điểm một số mô hình. Kết quả ban đầu cho thấy các mô hình số đã giúp người dân quản lý quy trình sản xuất sản phẩm; kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm; tiếp cận, tìm hiểu kiến thức trong phát triển kinh tế vườn, giáo dục, y tế...
Với việc chủ động triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình số hóa nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp... đang góp phần đưa chất lượng xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới nông thôn mới thông minh...
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa ký ban hành Quyết định số 2476/QĐ-UBND ngày 26/9/2023 về việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh năm 2023.
Theo đó, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình chuyển đối số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh năm 2023 với số tiền 6,3 tỷ đồng, trong đó: phân bổ cho các đơn vị cấp tỉnh: 278,4 triệu đồng; phân bổ cho cấp huyện: 6,021 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị được giao kế hoạch vốn tại quyết định này khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo quy định để tổ chức triển khai thực hiện và quản lý, sử dụng kinh phí đúng quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình ở cấp Trung ương chậm ban hành; một số nội dung, tiêu chí của Bộ tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn giai đoạn 2022 - 2025 ở mức cao hơn nên trong quá trình thực hiện một số địa phương gặp khó khăn, cần thời gian và nguồn lực, như: Xã nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới;…
Đại diện các sở, ngành cũng đề nghị Trung ương xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh nguồn kinh phí để thực hiện Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị sửa đổi các nội dung chỉ tiêu, tiêu chí phù hợp với thực tiễn như: Mô hình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đa giá trị; ứng dụng chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực...
Bên cạnh đó, một số văn bản của Trung ương về xây dựng nông thôn mới cũng cần sửa đổi, hướng dẫn cụ thể, sát thực tiễn để tổ chức thực hiện thuận lợi.