Bình Dương có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao Bộ Công Thương đồng hành cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao |
Tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ
Sau hơn 10 năm, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn Bình Dương đã có sự thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, Bình Dương có 22/46 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) hiện đang được Bình Dương chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện nhằm nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn |
Theo đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang và hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Trong đó, các địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư sản xuất, khuyến khích phát triển các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ trong nông thôn.
Đặc biệt, với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh Bình Dương từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Hiện nay, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm 89,23% trong cơ cấu kinh tế, trong khi đó nông nghiệp chiếm 3,1%. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với “làng thông minh”
Trên nền tảng thành tựu đạt được, năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Bình Dương xác định xây dựng nông thôn toàn diện, đáp ứng các mục tiêu của phát triển bền vững ở tất cả các cấp.
Đặc biệt, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2020 UBND tỉnh Bình Dương, phê duyệt kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên giai đoạn 2020 - 2025, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu sẽ hoàn thành việc thực hiện thí điểm xây dựng “làng thông minh” và cùng với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh Bình Dương sẽ có “làng thông minh” đầu tiên.
“Làng thông minh Bạch Đằng” - biểu tượng xanh của tỉnh Bình Dương |
Trước đó, vào năm 2010, xã Bạch Đằng được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2013, xã đạt 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và trở thành điểm sáng điển hình trong xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2021 - 2025, xã Bạch Đằng tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện nhiệm vụ xây dựng thí điểm “Làng thông minh” theo kế hoạch đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt.
“Làng thông minh” theo mô hình được xây dựng tại xã Bạch Đằng là nơi tập trung nhiều sáng kiến liên quan đến những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng, như công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục…
Đáng chú ý, những ứng dụng trong công nghệ thông tin sẽ được ứng dụng quá trình quản lý sản xuất, bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị xanh. Dự kiến đến năm 2025, có trên 80% đường giao thông do xã quản lý được lắp đặt hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, có hệ thống cây xanh hai bên đường, 100% nút giao thông quan trọng đều được lắp đặt camera an ninh.
Cùng với đó, địa phương sẽ lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí tại các điểm dân cư tập trung, khu vực công cộng trên toàn xã, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận thông tin. Thiết lập và hoàn thiện mô hình liên kết 3 nhà (Nhà nước - doanh nghiệp - trường đại học, viện nghiên cứu), tăng cường sự tham gia hợp tác trong quá trình giải quyết các vấn đề cấp thiết của cộng đồng. Đồng thời, tích hợp các dự án có liên quan đến kế hoạch phát triển “Làng thông minh” để tạo sự kết nối đồng bộ với kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương.
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương - cho biết: Mục tiêu trọng tâm của việc thực hiện Đề án xây dựng “Làng thông minh Bạch Đằng” là nâng cao chất lượng cuộc sống, trở thành một nơi đáng sống cho người dân. Trong tương lai, xã Bạch Đằng là nơi đạt các chỉ tiêu như thân thiện với thiên nhiên, môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, vừa phát triển du lịch sinh thái, trở thành một “biểu tượng xanh” cho tỉnh Bình Dương.
Việc xây dựng “Làng thông minh” của xã Bạch Đằng được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh trong tương lai ở tỉnh Bình Dương, bảo đảm xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, có ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, hoàn thành xây dựng thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Nhìn chung, sau hơn 10 năm, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn Bình Dương đã có sự thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, Bình Dương có 22/46 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, tỉnh Bình Dương tiếp tục tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn kiểu mẫu và chương trình mỗi xã một sản phẩm cho những xã còn lại.