Hợp tác với tập đoàn lớn về phát triển năng lượng
Ảnh lãnh đạo Bộ 30/03/2022 23:39
Doanh nghiệp Đức quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam Hợp tác nâng cao hiệu quả thương mại, đầu tư, năng lượng Việt Nam – CHLB Đức: Tăng cường hợp tác phát triển năng lượng |
Siemens Energy là tập đoàn năng lượng lớn của Đức, hiện đã sản xuất được loại turbin khí lớn nhất lên đến 600MW/tổ máy và có các nhà máy nhiệt điện than có công suất lên đến 1000MW/tổ máy.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Carsten Hasbach - Giám đốc quan hệ đối ngoại với các Chính phủ của Siemens Energy - cho biết, Siemens Energy là công ty đã có lịch sử 150 năm, 2 năm trước, Siemens Energy đã tách ra khỏi tập đoàn Siemens và hiện là công ty độc lập.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An và đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Siemens Energy về các vấn đề liên quan đến năng lượng |
Siemens Energy hiện đã có mặt trên 90 nước, bao gồm cả Việt Nam, sản xuất khoảng 1/6 sản lượng điện của toàn cầu và hơn 50% giàn sản phẩm của Siemens đã định hướng khử phát thải cacbon. Nhà máy sản xuất turbin là nơi nằm trong phần nguồn của Siemens và sản xuất nguồn năng lượng mới là hydro.
Ngoài ra, Siemens Energy cũng làm nhiều mảng thiết bị trong lĩnh vực truyền tải. Trong mảng năng lượng tái tạo, Siemens Energy có nhiều sản phẩm của mình, không chỉ là những sản phẩm riêng lẻ mà Siemens Energy còn cung cấp các kinh nghiệm và khả năng tích hợp hệ thống, công nghệ lưu trữ năng lượng cũng như nghiên cứu về độ phức tạp của hệ thống điện. “Với tổng nhân viên toàn công ty là 90.000 trên khắp thế giới, chúng tôi sẵn sàng cung cấp các giải pháp chuyển đổi năng lượng cho khách hàng” – ông Carsten Hasbach chia sẻ.
Ông cũng cho biết thêm, chiến lược của công ty hiện dựa trên 3 trụ cột lớn: Thứ nhất, phần nguồn phát thải phải thấp, thậm chí là zero; Thứ hai, truyền tải năng lượng điện ổn định và lưu trữ năng lượng; Thứ ba, giảm CO2 và tiêu thụ năng lượng trong quy trình công nghiệp để giúp việc biến đổi năng lượng được giảm thiểu. Được biết ở Việt Nam đã có khoảng 5.000 MW thiết bị của Siemens được lắp đặt.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, điều chỉnh dự thảo Quy hoạch điện 8, trong đó chú trọng chương trình phát triển nguồn điện theo hướng đánh giá lại tính khả thi các nguồn nhiệt điện than để tiếp tục giảm điện than. Phát triển hợp lý điện khí, nhất là điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng khả năng hấp thụ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) quy mô lớn. Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ nguồn điện sử dụng NLTT, nhất là điện gió và điện mặt trời. Bố trí nguồn điện đảm bảo cân đối vùng miền, tránh truyền tải xa. Đảm bảo dự phòng từng miền ở mức độ hợp lý, đặc biệt ở khu vực miền Bắc.
Riêng đối với định hướng phát triển điện khí, Việt Nam dự kiến sẽ phát triển hợp lý nguồn điện này (bao gồm cả nhiệt điện sử dụng khí nội địa và LNG nhập khẩu) từ quy mô công suất 7000MW năm 2020 lên và 38.080 MW vào năm 2030. Tỷ trọng nguồn điện khí tăng từ 10% năm 2020 lên 26,1% năm 2030.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An lưu bút tại sổ vàng của Siemens Energy |
Đối với việc vận hành hệ thống điện có số lượng lớn các nguồn điện phân tán và ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh trong vận hành các nguồn điện phân tán, hiện nay, phía Đức đang hỗ trợ Việt Nam qua dự án SGREE (Lưới điện thông minh hỗ trợ tích hợp NLTT và hiệu quả năng lượng).
Ngoài ra, lưu trữ năng lượng là một giải pháp quan trọng đối với hệ thống điện có tỷ lệ NLTT cao. Tuy nhiên, việc lựa chọn các giải pháp lưu trữ phù hợp với Việt Nam là không dễ dàng. Do đó, Việt Nam mong muốn được chia sẻ thêm các kinh nghiệm trong phát triển hệ thống pin tích trữ, vận hành thủy điện và thuỷ điện tích năng…
Thứ trưởng Đặng Hoàng An tặng quà lưu niệm của Bộ Công Thương cho Siemens Energ |
Thông tin tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về Chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Vì vậy, để đối phó với tính bất định của các nguồn năng lượng tái tạo, hệ thống điện cần có khả năng điều chỉnh linh hoạt. Do đó, Việt Nam có mong muốn được tìm hiểu và học hỏi các kinh nghiệm và kiến thức để tăng cường tính linh hoạt của hệ thống điện (bao gồm nguồn điện – lưới điện - phụ tải điện). Đồng thời, Việt Nam mong muốn học hỏi các kiến thức cập nhật để tăng cường khả năng thực hiện đánh giá ổn định hệ thống điện.
Đoàn công tác tham quan Nhà máy sản xuất turbin của Siemens Energy |