Đây là thông tin được các chuyên gia cho biết tại Hội thảo Đào tạo Thương mại điện tử năm 2022 với chủ đề “Những bước tiến mới” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và trường Đại học Thủy lợi tổ chức, ngày 7/9.
Đây hội thảo đầu tiên nhằm nhìn nhận lại những nhu cầu nhân lực và tuyển dụng năm 2022, để có định hướng đào tạo trong những năm tới, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Báo cáo Đào tạo thương mại điện tử 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử, tới nay đã có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo học phần thương mại điện tử. Nhu cầu tuyển sinh ngành thương mại điện tử và các ngành liên quan như logistics, tiếp thị số tăng nhanh.
Tuy nhiên, hoạt động đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học còn gặp nhiều trở ngại, bao gồm những trở ngại về giảng viên, học liệu, chương trình đào tạo, hợp tác giữa các trường, gắn đào tạo với thực tiễn…
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM cho biết, cùng với sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử trong những năm gần đây, sự thiếu hụt về nhân lực đã qua đào tạo trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam của Cục thương mại điện và Kinh tế số, tăng trưởng quy mô thương mại điện tử của Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây đều ở mức cao, có những năm lên tới 25 - 30%. Hai năm diễn ra dịch bệnh, dù tốc độ tăng trưởng chậm lại do quy mô thị trường đã lớn, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, đạt 18% năm 2020 và 16% năm 2021.
Trong khảo sát về thương mại điện tử hàng năm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho thấy, nhu cầu mua sắm trực tuyến đang ngày một tăng cao, tới 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương): Chính điều này đã thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, từ đó khiến nhu cầu về nhân lực thương mại điện tử tăng mạnh. Theo đó 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử.
Đặc biệt, hiện nay, quy mô thị trường thương mại điện từ của Việt Nam đang đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Thái Lan và Indonesia, ngang bằng với Singapore và Phillipine.
Các diễn giả tham gia hội thảo |
"Nhiều chuyên gia đánh giá sức bật và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam rất cao, có phần nhỉnh hơn Indonesia. Trong đó, Việt Nam có nhân lực trẻ tuổi, năng động, khả năng ứng dụng công nghệ số cao, điều này tạo thuận lợi cho việc đào tạo nhân lực trong thương mại điện tử" - bà Việt Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Việt Anh, hiện nay mới chỉ có 30% nhân lực trong ngành thương mại điện tử được trải qua đào tạo chính quy, 55% đến từ các ngành đào tạo gần như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, còn 15% đến từ các ngành nghề khác. Như vậy, dư địa cho đào tạo đại học chính quy ngành thương mại điện tử còn rất lớn.
Trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Công Thương, phát triển nguồn nhân lực là một trong 5 nhóm chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển của thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đặt ra 2 mục tiêu gồm 50% cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp trển khai đào tạo thương mại điện tử; có 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên… được đào tạo kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.
Mặc dù vậy, đây mới chỉ là các mục tiêu về số lượng, nhưng đào tạo, còn cần chú trọng vào chất lượng, làm thế nào để nâng cao chất lượng ngành đào tạo thương mại điện tử, song song với việc gia tăng số lượng để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp trên thị trường?
Đối với mục tiêu này, bà Việt Anh kiến nghị: "Cần áp dụng mô hình kết nối 3 bên gồm cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, tổ chức để cùng nhau nâng cao chất lượng đào tạo, với tính ứng dụng cao, phù hợp với các nhu cầu thực tế của doanh nghiệp".
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) |
Đánh giá thêm về tiềm năng của ngành này, bà Việt Anh cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế, trong đó, có thể kể đến thế hệ đào tạo chính hiện tại là thế hệ GenZ trẻ trung, năng động, có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin, tư duy mới, sáng tạo, phù hợp cho việc đào tạo thương mại điện tử, vốn là ngành nghề có sự vận động nhanh, mạnh và liên tục.
Đồng thời, Việt Nam có thị trường thương mại điện tử lớn, sức tăng trưởng cao, khả năng bùng phát mạnh, tạo nên nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao. Đây là một trong những lý do thu hút các sinh viên lựa chọn học ngành này.
Bên cạnh những thuận lợi, theo các chuyên gia, việc đào tạo thương mại điện tử hiện còn nhiều khó khăn, trong đó có thể kế đến sự thiếu hụt của lực lượng giảng viên tại các trường đại học, đặc biệt là các trường mới mở ngành đào tạo về thương mại điện tử.
Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban hợp tác của VECOM cho biết, nhiều trường đại học mới tiếp cận chuyên ngành này mong muốn nhận được sự trao đổi, giúp đỡ về giảng viên, đào tạo giảng viên và các học liệu từ các trường đại học lớn, đi đầu trong công cuộc tiếp cận và đào tạo thương mại điện tử.
Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban hợp tác của VECOM trình bày tham luận tại hội thảo |
Ngoài ra, một khó khăn khác là về vấn đề hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo dù đã có những còn chưa sâu. Các doanh nghiệp dù đã tham gia vào công việc giảng dạy nhưng chưa có sự hợp tác lâu dài, đi sâu vào sự phát triển học liệu về thương mại điện tử tại các trường đại học.
Đồng thời, Thạc sĩ Tạ Trần Phương Nhung, Giảng viên ngành Thương mại điện tử của Đại học Đông Đô, cũng đồng thời là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử, cho biết, ngành thương mại điện tử là ngành rất rộng, có sự ứng dụng khác nhau giữa các công ty khác nhau. Mỗi công ty sẽ cần nguồn nhân lực được đào tạo theo hướng khác nhau.
Tình trạng này dễ dẫn tới sự chênh lệch giữa đào tạo và nhu cầu ứng dụng thực tiễn tại doanh nghiệp. Khiến cả người được tuyển dụng và doanh nghiệp tốn thêm thời gian, công sức, tiền bạc để đào tạo lại. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp và trường đại học để có hướng tiếp cận gần thực tế công việc cho sinh viên.
Theo đó, để hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trong thương mại điện tử hiệu quả, chất lượng, Hiệp hội Thương mại điện tử đã đưa ra một số đề xuất như: Cần khảo sát định kỳ tình hình đào tạo thương mại điện tử tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử; bồi dưỡng giảng viên thương mại điện tử.
Đồng thời, tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học về đào tạo thương mại điện tử; đào tạo và cấp chứng nhận một số học phần thương mại điện tử; tiếp tục thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bọ sinh viên thương mại điện tử; tổ chức cuộc thi toàn quốc về thương mại điện tử; nhanh chóng nâng cao chất lượng học liệu thương mại điện tử; đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến tuyên truyền về ngành thương mại điện tử...