Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bình Minh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam về vấn đề này.
Thương mại điện tử đang phát huy những lợi thế nhất định song cũng đặt ra không ít những thách thức. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Trong những năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi rất nhiều dẫn đến hoạt động mua bán online có sự bùng nổ nhanh chóng. Đi kèm với mặt tích cực giúp người dân thích ứng được trạng thái bình thường mới thì cũng có những mặt trái, đó là tình trạng vi phạm các quy định hoặc bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử diễn ra ngày càng nhiều. Đây là một trong những thách thức của hoạt động thương mại điện tử trong thời gian tới cần phải khắc phục.
Ông Nguyễn Bình Minh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam |
Về nguyên nhân, trước hết, do hoạt động bùng nổ về thương mại điện tử, hầu hết những người mua và người bán đều là những người mới tham gia lĩnh vực này, vì vậy các kỹ năng và kinh nghiệm còn ít. Điều này dẫn đến cái những lỗ hổng mà một số các đối tượng họ lợi dụng để trục lợi.
Ngoài ra, cũng phải thừa nhận, các quy định hiện hành trong giai đoạn vừa qua chưa thể bắt kịp được với sự phát triển của thương mại điện tử. Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay đó là vấn đề về kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Việc truy xuất nguồn gốc hàng hoá trên không gian mạng hiện nay gần như đang bỏ ngỏ, dẫn đến việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan.
Do đó, nếu các quy định về truy xuất nguồn gốc được thực hiện một cách đầy đủ, đặc biệt là các quy quy định về truy xuất nguồn gốc dựa trên các nền tảng công nghệ mới thì có thể khắc phục được tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Làm tốt việc này sẽ truy xuất được đến từng sản phẩm và từng người bán.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc định danh người bán và định danh người mua còn rất sơ sài, dẫn tới khi có các tranh chấp thì không có cơ sở để xử lý. Thực tế hiện tượng sai phạm tuy không phải nhiều nhưng với quy mô bùng nổ thương mại điện tử như hiện nay, nếu không kịp thời có giải pháp sẽ gây ra bức xúc cho người tiêu dùng.
Trước những thách thức trên, ông đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hoá hiện nay?
Trước hết về các quy định của cơ quan quản lý nhà nước hiện nay trong hoạt động thương mại điện tử đã tương đối đầy đủ, với hệ thống pháp luật về thương mại điện tử Việt Nam liên tục được sửa đổi và nâng cấp. Ví dụ, trước đây có Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử và sau này có Nghị định 85/2021/NĐ-CP bổ sung một số điều cho Nghị định 52 thì các hoạt động thương mại điện tử được quản lý tương đối bài bản.
Tuy nhiên, với quy mô bùng nổ của thương mại điện tử ngày càng phát triển nhanh, trong khi lực lượng quản lý hành chính về thương mại điện tử vẫn còn mỏng dẫn tới khó khăn trong việc rà soát, kiểm soát các hành vi gian lận, vi phạm.
Theo đó, cần phải có các hoạt động chuyển đổi số trong chính các cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường năng lực về rà soát, quản lý của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bởi quy mô của hoạt động thương mại điện tử ngày càng mở rộng, nếu lực lượng hiện hữu không được tăng cường về công cụ, kỹ năng thì rõ ràng sẽ gặp những bất cập như không theo kịp với sự phát triển của thương mại điện tử.
Cùng với mặt tích cực giúp người dân thích ứng được trạng thái bình thường mới, thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức trong kiểm soát hàng hoá gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. |
Thứ hai, về mặt công nghệ, với năng lực công nghệ của Việt Nam hiện nay chắc chắn có đủ khả năng để có thể rà soát, kiểm soát truy xuất nguồn gốc hàng hoá, song cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan trong việc triển khai đồng bộ các công nghệ mới.
Tuy nhiên, cần lưu ý, các quy định về truy xuất nguồn gốc phải rõ ràng, đặc biệt là các quy định về truy xuất nguồn gốc theo công nghệ mới. Có như vậy thì mới có thể giúp giải quyết được gốc rễ của vấn đề về hiện tượng buôn bán hàng kém chất lượng. Ở đây tôi nhấn mạnh là công nghệ mới, vì hiện nay các quy định về truy xuất nguồn gốc cũ không có khả năng để chống được hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.
Để đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động thương mại điện tử và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp chân chính, với vai trò đại điện Hiệp hội, ông có kiến nghị gì?
Thực tế, các quy định của pháp luật bao giờ cũng sẽ có độ trễ nhất định, điều này đương nhiên xảy ra khi thương mại điện tử phát triển quá nhanh. Ở trên toàn thế giới cũng đã có tiền lệ và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với thị trường đang chuyển đổi số mạnh mẽ như Việt Nam thì việc đầu tiên là các doanh nghiệp phải chủ động ứng dụng các công nghệ mới để đảm bảo thương hiệu và uy tín của mình, tránh bị những đối tượng làm giả, làm hàng kém chất lượng lợi dụng.
Thứ hai, cần quan tâm định hướng cho người dân, để người dân tích cực tham gia vào các hoạt động giao dịch một cách minh bạch. Bên cạnh đó, cần định danh người bán và định danh người mua để đảm bảo việc xử lý tranh chấp được thuận lợi. Và trong tương lai chính việc định danh này sẽ đảm bảo cho việc giao dịch mua bán trên thương mại điện tử được đảm bảo an toàn hơn.
Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước cần phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, ứng dụng các công cụ mới để theo dõi và phát hiện từ sớm các mầm mống của hoạt động vi phạm để xử lý kịp thời. Bởi hoạt động trong thương mại điện tử có thể diễn ra trong thời gian rất ngắn, đôi khi trường hợp các đối tượng họ kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sau khi họ bán xong trong một thời gian là họ biến mất thì việc truy cứu sẽ gặp khó khăn và chờ đến khi có phản hồi của người dân thì đã muộn.