Công bố Quyết định nghỉ hưu với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
Tin hoạt động 01/06/2023 15:26
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu đoàn Việt Nam dự phiên họp lần thứ 6 Hội đồng CPTPP Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tiếp Thủ hiến Bang Tasmania, Úc |
Tham dự lễ trao Quyết định cho Thứ trưởng Trần Quốc Khánh có Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Tại hội nghị, lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương đã công bố Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 7/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/6/2023.
Phát biểu chúc mừng Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tại buổi lễ, thay mặt Ban cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến, đóng góp của đồng chí Trần Quốc Khánh cho Bộ Công Thương nói riêng và ngành Công Thương nói chung.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đồng chí Trần Quốc Khánh đã có 36 năm cống hiến trọn vẹn cho ngành Công Thương qua các thời kỳ, trong đó có 13 năm trên cương vị là Thứ trưởng Bộ Công Thương. Trong suốt quá trình công tác, đồng chí luôn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như hoàn thành chức trách người được lãnh đạo Bộ giao cho phụ trách các đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, đồng chí Trần Quốc Khánh cũng luôn thể hiện trách nhiệm, tình cảm với đồng nghiệp, gương mẫu trong công việc, trong cuộc sống. Đồng chí đã góp phần xây dựng ngành Công Thương đoàn kết, tạo sức mạnh để cùng toàn ngành vượt qua thách thức và hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Bộ trưởng trân trọng cảm ơn đóng góp của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh với sự nghiệp của Ngành và dìu dắt những lớp cán bộ trẻ viết tiếp trang sử phát triển ngành Công Thương. Đồng thời, Bộ trưởng mong muốn, thời gian tới Thứ trưởng Trần Quốc Khánh vẫn nhớ tới ngành Công Thương như là ngôi nhà của mình và tiếp tục quan tâm ủng hộ, giúp đỡ để các đồng chí đương nhiệm hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu |
Bày tỏ sự xúc động, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã ôn lại quá trình công tác tại Bộ Công Thương với nhiều kỷ niệm trong công việc và trong cuộc sống. Thứ trưởng chân thành cảm ơn lãnh đạo Bộ cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc Bộ đã phối hợp, giúp đỡ trong suốt quá trình công tác tại Bộ Công Thương.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, sẽ luôn giữ vững phẩm chất, tiếp tục đóng góp trong khả năng của mình với Bộ Công Thương, thực hiện tốt trách nhiệm của người Đảng viên khi về nghỉ hưu. Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới lãnh đạo Bộ, cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương.
Trong dịp này, Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng trao quyết định nghỉ hưu với ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hoá chất.
Trong quá trình công tác 36 năm tại Bộ Công Thương, đồng chí Trần Quốc Khánh đã có 13 năm giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Công Thương. Đó cũng là khoảng thời gian bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ được Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Công Thương phân công, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh còn đảm nhận vai trò Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế. Đây là chức vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Theo Quyết định số 182/2007/QĐ-TTg ngày ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế là cơ quan phát ngôn chính thức về tình hình thực hiện các cam kết về kinh tế và thương mại quốc tế của Việt Nam. Một trong các nhiệm vụ quan trọng của Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế là bên cạnh việc bảo vệ và tăng cường lợi ích kinh tế và thương mại quốc tế của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên trường quốc tế, Đoàn đàm phán được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng chiến lược và phương án đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ASEAN, APEC, ASEM, các hiệp định, thoả thuận song phương và đa phương liên quan đến mở cửa thị trường. Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã và đang chủ động tham gia vào các sân chơi lớn của kinh tế thế giới, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Nếu tính cả FTA với Israel dự kiến sẽ được ký trong tháng 6/2023 thì đến nay Việt Nam đã tham gia vào 18 FTA. Trong đó, có nhiều FTA thế hệ mới với những cam kết rất cao về mức độ đàm phán. Các FTA này đã đem lại những đóng góp rất lớn đối với xuất nhập khẩu cũng như nền kinh tế Việt Nam. Đáng chú ý nếu như giai đoạn từ 1993 đến năm 2010, Việt Nam mới tham gia vào 10 bản FTA thì giai đoạn từ 2014 đến nay đã có đến 11 bản FTA mà Việt Nam tham gia. Bản FTA duy nhất đang đàm phán là VN-EFT giữa Việt Nam và Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein. Có thời điểm cùng lúc Việt Nam tham gia đàm phán đến 7 FTA với các đối tác kinh tế thế giới. Một số FTA mà Việt Nam tham gia với tiến trình đàm phán kiên trì đã trở thành hình mẫu cho các đối tác khác. Là Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, qua mấy chục năm, Việt Nam đã và đang nắm bắt ngày càng tốt hơn các cơ hội từ hội nhập nói chung và tham gia vào các FTA nói riêng. Đơn cử như khi lần đầu hội nhập với ASEAN vào năm 1995, xuất khẩu của Việt Nam mới hơn 5 tỷ USD. Cuối năm 2006, khi kết thúc đàm phán gia nhập WTO, xuất khẩu đã là 40 tỷ USD, tăng hơn 7 lần so với năm 1995. Đến 2018, xuất khẩu đã lên tới 245 tỷ USD, gấp 45 lần năm 1995 và hơn 6 lần năm 2006. Năm 2022, Việt Nam đã đạt kim ngạch 372 tỷ USD. Từ một nước nhập siêu kinh niên, Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu từ năm 2012 và tới năm 2022 đã đạt mức xuất siêu lên tới 11,2 tỷ USD. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, cơ hội hay thách thức nhiều hơn trong quá trình hội nhập vẫn phụ thuộc vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của chính chúng ta. Hội nhập kinh tế quốc tế với phạm vi mức độ liên kết ngày càng sâu và đa dạng sẽ hỗ trợ tích cực cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam có được các lợi thế ở cả trong nước (cơ cấu kinh tế hợp lý hơn) và bên ngoài (tiếp cận thị trường tốt hơn) để thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. |