Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Tập đoàn SK (Hàn Quốc)
Chiều ngày 18/4, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với đại diện Tập đoàn SK (Hàn Quốc) nhằm trao đổi về các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ gồm: Cục Điện lực; Vụ Phát triển thị trường nước ngoài; Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp; Văn phòng Bộ.
![]() |
Chiều ngày 18/4, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với đại diện Tập đoàn SK (Hàn Quốc). Ảnh: Thế Duy |
Tại buổi làm việc, Tập đoàn SK (SK) đã thông tin về kết quả hoạt động của Tổ công tác SK – đơn vị phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) trong việc hỗ trợ triển khai các dự án LNG quy mô lớn. Tập đoàn SK đề xuất xây dựng các trung tâm phát triển công nghiệp tích hợp tại Việt Nam, gồm: Trung tâm trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo tại Bắc Trung Bộ, dựa trên các dự án LNG Nghi Sơn – Quỳnh Lập; Trung tâm hydrogen, logistics và đổi mới sáng tạo tại Nam Trung Bộ gắn với Dự án LNG Cà Ná; Trung tâm nông nghiệp thân thiện môi trường tại Đồng bằng Sông Cửu Long, gắn với Dự án LNG Cà Mau.
Bên cạnh đó, SK bày tỏ mong muốn được hợp tác phát triển các nhà máy điện LNG tại Việt Nam, đặc biệt tại các địa phương như Nghệ An và Thanh Hóa. Tập đoàn khẳng định cam kết đầu tư lâu dài vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và thân thiện môi trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao đóng góp của SK tại Việt Nam và khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có SK. Bộ Công Thương sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho SK tham gia các dự án điện khí LNG chưa có nhà đầu tư, đồng thời khuyến khích tập đoàn đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vào ngày 15/4/2025, việc phát triển nguồn điện LNG và năng lượng tái tạo đang là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Video khác

Bộ Công Thương và EREX thúc đẩy hợp tác điện sinh khối
Chiều 18/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với ông Honna Hitoshi - Chủ tịch Tập đoàn EREX (Nhật Bản) cùng đoàn công tác. Hai bên trao đổi về định hướng hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và triển khai các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, EREX báo cáo về tiến độ hợp tác với Vinacomin Power trong dự án đồng đốt than - sinh khối, đồng thời đề xuất hỗ trợ triển khai các dự án điện sinh khối tại Yên Bái, Tuyên Quang và Hậu Giang, nhân dịp sắp có chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao nỗ lực đưa công nghệ sinh khối vào Việt Nam. Đặc biệt, Dự án Nhà máy Điện sinh khối Hậu Giang - dự kiến khánh thành ngày 25/4 - được kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển mới, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, giảm phát thải và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp như EREX đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.

Đảng bộ Tổng công ty Giấy Việt Nam về Đảng bộ Bộ Công Thương
Lễ bàn giao Đảng bộ Tổng công ty Giấy Việt Nam về Đảng bộ Bộ Công Thương vừa diễn ra chiều 31/3 trong không khí trang trọng tại Hà Nội, đánh dấu một bước chuyển giao quan trọng trong công tác tổ chức Đảng. Tham dự sự kiện có các lãnh đạo cấp cao từ hai Đảng bộ, bao gồm đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương; cùng các đồng chí Phan Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Công Thương và đồng chí Trần Quang Huy, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Bộ Công Thương. Về phía Tổng công ty Giấy Việt Nam, đồng chí Cao Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên, dẫn đầu đoàn tham dự.
![]() |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ. |
Tại buổi lễ, đồng chí Cao Văn Sơn khẳng định rằng trong những năm qua, Đảng bộ Tổng công ty Giấy Việt Nam đã nhận được sự lãnh đạo trực tiếp từ Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và sự hỗ trợ tận tình từ Bộ Công Thương. Dù đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Tổng công ty vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh. Ông nhấn mạnh rằng việc chuyển giao này không chỉ là sự thay đổi về mặt tổ chức mà còn mở ra cơ hội để đơn vị tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.
Quyết định tiếp nhận Đảng bộ Tổng công ty Giấy Việt Nam, gồm 28 tổ chức Đảng trực thuộc và 750 đảng viên, được đồng chí Trần Quang Huy công bố tại buổi lễ. Đồng chí Nguyễn Đức Phong cho biết, việc chuyển giao thực hiện theo Kết luận số 121 ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương, nhằm tổng kết Nghị quyết số 18 của Trung ương. Ông đánh giá cao những đóng góp của Tổng công ty cho kinh tế - xã hội đất nước qua các giai đoạn, đồng thời bày tỏ kỳ vọng Đảng bộ Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ đơn vị phát huy thế mạnh, vượt qua khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh sự kịp thời của buổi bàn giao và ghi nhận nỗ lực từ Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Thứ trưởng cam kết Đảng ủy Bộ Công Thương sẽ lãnh đạo sát sao Đảng bộ Tổng công ty Giấy Việt Nam, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và chuẩn bị chu đáo cho Đại hội Đảng.
Kết thúc buổi lễ, đồng chí Cao Văn Sơn cam kết phát huy truyền thống và thành tựu của Đảng bộ Tổng công ty, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Ông cho biết đơn vị sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống cho cán bộ, đảng viên và người lao động.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu giải pháp thúc đẩy công nghiệp, thương mại, xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ
Để tạo động lực mới thúc đẩy Công nghiệp, thương mại, trong đó có xuất khẩu của Vùng, ngoài việc tập trung khắc phục các hạn chế như nêu ở trên, cần quan tâm theo dõi sát tình hình thị trường XK năm 2025, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, được dự báo là gặp nhiều khó khăn do sức cầu phục hồi chậm và các chính sách mang tính bảo hộ cao. Trong bối cảnh đó, dưới góc độ ngành Công Thương, tôi xin đề xuất một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:
Một là nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐNB đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 1325 ngày 04/11/2024 để xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, cơ chế, chính sách cụ thể, đủ mạnh và khả thi. Đồng thời, mỗi địa phương trong Vùng cần chủ động rà soát, cập nhật và nếu cần thiết, đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung QH tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm phù hợp, liên thông với QH tổng thể quốc gia, QH vùng và các QH ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung QH, KH sử dụng đất của địa phương, phù hợp với QH cấp tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới.
Làm tốt công tác quán triệt và triển khai sớm, hiệu quả các chủ trương, chính sách mới, có tính đột phá của Đảng, Nhà nước về phát triển KTXH (có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025), nhất là các cơ chế đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh và các Luật, cơ chế, chính sách mới được ban hành, như: (i) Các luật về đầu tư, tài chính ngân sách, đất đai, Luật điện lực; (ii) Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; (iii) Đặc biệt là các chính sách đột phá mới ban hành trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu... tạo dư địa phát triển kinh tế Vùng và mỗi địa phương.
Thứ hai là nhóm giải pháp về hạ tầng, sớm hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp và khu công nghiệp chuyên biệt, phát huy thế mạnh công nghiệp khai thác, lọc hóa dầu; phát triển năng lượng tái tạo để đảm bảo ANNL và hỗ trợ XK xanh; công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp bán dẫn, tự động hóa, công nghiệp môi trường, chế biến sâu nông-thủy sản; phát triển mạng lưới logistics, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, trung tâm trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM nhằm khai thác triệt để lợi thế về vận tải đa phương thức đồng bộ gồm cả đường biển - hàng không - đường sắt - đường thủy nội địa - đường bộ thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.
Thứ ba là nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm, có thế mạnh của Vùng; ưu tiên phát triển một số trường đại học lớn, đa ngành và trường cao đẳng nghề trọng điểm cấp Vùng và cả nước để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, phát triển KHCN (nhất là các công nghệ cơ bản) và xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế; gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động để hình thành đội ngũ người lao động tinh thông nghiệp vụ, có tay nghề, kỹ năng và tính chuyên nghiệp cao.
Thứ bốn là nhóm giải pháp về thu hút đầu tư, gắn với lợi thế nổi trội của vùng, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và QH vùng, QH các địa phương và các QH ngành quốc gia đã được TTCP phê duyệt. Trong đó, tập trung phát triển mạnh các ngành CN hiện đại, có lợi thế cạnh tranh (như: CN chế biến, chế tạo, điện tử, CN công nghệ số) và ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, có tính “dẫn đường” (như: Sản xuất chíp, bán dẫn, rô bốt, công nghiệp NLTT, vật liệu mới); phát triển thị trường nguyên phụ liệu, CN hỗ trợ. Chú trọng thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, đa quốc gia có năng lực công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần tạo lập cơ chế khuyến khích và ràng buộc để các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, hỗ trợ DN trong nước cùng phát triển một cách thực chất; đồng thời, tạo điều kiện cho các DN trong nước vươn lên, đủ khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ hiện đại và kỹ năng quản trị tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tự chủ, thích ứng, sức chống chịu cao trước biến động của thị trường.
Thứ năm là nhóm giải pháp về phát triển thương mại, thúc đẩy XK, gắn với xây dựng thương hiệu bền vững, tập trung hoàn thiện hạ tầng thương mại (gồm cả thương mại truyền thống và thương mại hiện đại); tận dụng tối đa cơ hội của các FTA mà nước ta là thành viên (điển hình như Hiệp định thương mại tự do VN-UAE, ngay sau khi TTgCP chứng kiến lễ ký Hiệp định ngày 28/10 vừa qua, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để Hiệp định có hiệu lực giúp các DN sớm khai thác ưu đãi, thâm nhập thị trường nhiều tiềm năng ở Trung Đông-Châu Phi và khối thị trường Halal. Nhiều sản phẩm chủ lực của Vùng đều được UAE ưu đãi lớn, cần tập trung khai thác như nông sản (hạt điều, hạt tiêu, mật ong), thủy sản, dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...). Các địa phương trong Vùng cần tập trung khai thác chú trọng thực hiện Đề án XK chính ngạch, gắn với quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết hợp với việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế, chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, kết hợp thương mại-du lịch để thúc đẩy XK tại chỗ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Khu thương mại tự do đóng góp quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, khu thương mại tự do sẽ đóng góp quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sáng ngày 2/12, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 đã được khai mạc. Sự kiện do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức.
Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh; Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh. Cùng với đó là hơn 500 đại biểu gồm lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đông Tây Nam Bộ; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, sản xuất và xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, các chuyên gia và các cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu”của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng hoá tập trung giao lưu mạnh và nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), cùng 17 Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, thực thi với gần 70 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, chiếm 90% GDP toàn cầu); kim ngạch xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển dịch vụ logistics.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các ban, bộ, ngành và các địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics nước ta đã có những bước phát triển khá mạnh (tăng bình quân 14-16%/năm), từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế của Ngành trong khu vực và thế giới. Năm 2024, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng thuộc Top 10 thị trường logistics mới nổi; Top 4 thế giới về Chỉ số cơ hội logistics và Top 43 về Chỉ số hiệu quả logistics.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua. Bên cạnh đó, những biến đổi về địa chính trị và các xu hướng kinh doanh mới (như dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử xuyên biên giới, tiêu chuẩn phát triển xanh và bền vững) cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng.
Tiếp nối thành công của các năm trước, Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề "Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về việc thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển các Khu thương mại tự do với những chính sách đủ mạnh, khả thi và cơ chế thông thoáng, hấp dẫn để tạo động lực đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và ngành dịch vụ logistics nói riêng. Bởi, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Khu thương mại tự do là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng và là công cụ hữu hiệu để các quốc gia tận dụng tối đa lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại. Thực tế những năm qua, mô hình Khu thương mại tự do đã được nhiều quốc gia (như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE…) áp dụng rất thành công, giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, nâng cao năng lực logistics, thu hút đầu tư nước ngoài.
Với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng, thế mạnh về phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam hội đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các khu thương mại tự do quy mô lớn và hiện đại. Bộ Công Thương, với vai trò đầu mối quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050 ; theo đó, dự thảo Chiến lược đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt (trong đó có giải pháp về xây dựng Khu thương mại tự do) nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về logistics, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là những nội dung rất quan trọng, có tính thời sự thiết thực không chỉ đối với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam, mà còn quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đại biểu từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương, hãy tập trung trao đổi, thảo luận để làm rõ những kết quả đạt được; những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (nhất là nguyên nhân chủ quan); rút ra các bài học kinh nghiệm trong phát triển dịch vụ logistics ở nước ta thời gian qua, cũng như nhận diện những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; từ đó, hiến kế, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics phát huy nội lực, tận dụng cơ hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, đón đầu các xu hướng, chính sách thành lập các Khu thương mại tự do tại Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời đề xuất các cơ chế chính sách đủ mạnh, khả thi để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các Khu thương mại tự do, tạo động lực đột phá mới thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.