Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu giải pháp thúc đẩy công nghiệp, thương mại, xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ
Để tạo động lực mới thúc đẩy Công nghiệp, thương mại, trong đó có xuất khẩu của Vùng, ngoài việc tập trung khắc phục các hạn chế như nêu ở trên, cần quan tâm theo dõi sát tình hình thị trường XK năm 2025, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, được dự báo là gặp nhiều khó khăn do sức cầu phục hồi chậm và các chính sách mang tính bảo hộ cao. Trong bối cảnh đó, dưới góc độ ngành Công Thương, tôi xin đề xuất một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:
Một là nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐNB đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 1325 ngày 04/11/2024 để xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, cơ chế, chính sách cụ thể, đủ mạnh và khả thi. Đồng thời, mỗi địa phương trong Vùng cần chủ động rà soát, cập nhật và nếu cần thiết, đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung QH tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm phù hợp, liên thông với QH tổng thể quốc gia, QH vùng và các QH ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung QH, KH sử dụng đất của địa phương, phù hợp với QH cấp tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới.
Làm tốt công tác quán triệt và triển khai sớm, hiệu quả các chủ trương, chính sách mới, có tính đột phá của Đảng, Nhà nước về phát triển KTXH (có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025), nhất là các cơ chế đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh và các Luật, cơ chế, chính sách mới được ban hành, như: (i) Các luật về đầu tư, tài chính ngân sách, đất đai, Luật điện lực; (ii) Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; (iii) Đặc biệt là các chính sách đột phá mới ban hành trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu... tạo dư địa phát triển kinh tế Vùng và mỗi địa phương.
Thứ hai là nhóm giải pháp về hạ tầng, sớm hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp và khu công nghiệp chuyên biệt, phát huy thế mạnh công nghiệp khai thác, lọc hóa dầu; phát triển năng lượng tái tạo để đảm bảo ANNL và hỗ trợ XK xanh; công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp bán dẫn, tự động hóa, công nghiệp môi trường, chế biến sâu nông-thủy sản; phát triển mạng lưới logistics, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, trung tâm trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM nhằm khai thác triệt để lợi thế về vận tải đa phương thức đồng bộ gồm cả đường biển - hàng không - đường sắt - đường thủy nội địa - đường bộ thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.
Thứ ba là nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm, có thế mạnh của Vùng; ưu tiên phát triển một số trường đại học lớn, đa ngành và trường cao đẳng nghề trọng điểm cấp Vùng và cả nước để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, phát triển KHCN (nhất là các công nghệ cơ bản) và xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế; gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động để hình thành đội ngũ người lao động tinh thông nghiệp vụ, có tay nghề, kỹ năng và tính chuyên nghiệp cao.
Thứ bốn là nhóm giải pháp về thu hút đầu tư, gắn với lợi thế nổi trội của vùng, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và QH vùng, QH các địa phương và các QH ngành quốc gia đã được TTCP phê duyệt. Trong đó, tập trung phát triển mạnh các ngành CN hiện đại, có lợi thế cạnh tranh (như: CN chế biến, chế tạo, điện tử, CN công nghệ số) và ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, có tính “dẫn đường” (như: Sản xuất chíp, bán dẫn, rô bốt, công nghiệp NLTT, vật liệu mới); phát triển thị trường nguyên phụ liệu, CN hỗ trợ. Chú trọng thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, đa quốc gia có năng lực công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần tạo lập cơ chế khuyến khích và ràng buộc để các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, hỗ trợ DN trong nước cùng phát triển một cách thực chất; đồng thời, tạo điều kiện cho các DN trong nước vươn lên, đủ khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ hiện đại và kỹ năng quản trị tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tự chủ, thích ứng, sức chống chịu cao trước biến động của thị trường.
Thứ năm là nhóm giải pháp về phát triển thương mại, thúc đẩy XK, gắn với xây dựng thương hiệu bền vững, tập trung hoàn thiện hạ tầng thương mại (gồm cả thương mại truyền thống và thương mại hiện đại); tận dụng tối đa cơ hội của các FTA mà nước ta là thành viên (điển hình như Hiệp định thương mại tự do VN-UAE, ngay sau khi TTgCP chứng kiến lễ ký Hiệp định ngày 28/10 vừa qua, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để Hiệp định có hiệu lực giúp các DN sớm khai thác ưu đãi, thâm nhập thị trường nhiều tiềm năng ở Trung Đông-Châu Phi và khối thị trường Halal. Nhiều sản phẩm chủ lực của Vùng đều được UAE ưu đãi lớn, cần tập trung khai thác như nông sản (hạt điều, hạt tiêu, mật ong), thủy sản, dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...). Các địa phương trong Vùng cần tập trung khai thác chú trọng thực hiện Đề án XK chính ngạch, gắn với quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết hợp với việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế, chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, kết hợp thương mại-du lịch để thúc đẩy XK tại chỗ.
Video lãnh đạo Bộ 03/12/2024 09:26