Xúc tiến thương mại: Bàn đạp thúc đẩy xuất khẩu gỗ Doanh nghiệp ngành gỗ xoay xở để bước qua giai đoạn khó khăn Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Nhật Bản giảm nhẹ |
Tín hiệu khởi sắc
Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,1 tỷ USD, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo bà Lê Hải Liễu – Chủ tịch HĐQT Công ty CP ghế biến gỗ Đức Thành cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh do tác động từ tình hình khó khăn và sức mua sụt giảm của nhiều nền kinh tế lớn. Với Đức Thành, mặc dù xuất khẩu gỗ nửa đầu năm chưa có sự khởi sắc, song so với mục tiêu, kế hoạch công ty đặt ra cho năm 2023 vẫn được đảm bảo.
Đặc biệt, từ cuối tháng 6 đến nay, thị trường xuất khẩu gỗ bắt đầu có những tín hiệu tích cực trở lại khi lượng khách hỏi hàng, khách đi thăm viếng khách, dự hội chợ, khách hỏi giá.. nhiều hơn. “Trái với một vài tháng trước đây vào thời điểm cuối năm trước, thị trường yên ắng lắm, còn bây giờ là bắt đầu khởi sắc lại”, bà Liễu thông tin.
Cũng theo bà Liễu, hiện đơn vị đã có sự chuẩn về về nguồn lực, để sẵn sàng đón nhận những đơn hàng lớn. “Chúng tôi luôn ở trong tâm thế sẵn sàng. Chúng tôi dự trữ cả nguyên liệu, nhân sự và phương tiện sản xuất để khi mà hậu khủng hoảng thì tất cả sẽ ở tư thế sẵn sàng để đón nhận những đơn hàng lớn và đặc biệt là những đơn hàng gấp”, bà Liễu cho hay.
Ông Nguyễn Phương - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành cũng cho biết, đơn hàng xuất khẩu gỗ đang có trở lại, tuy nhiên số lượng đơn hàng không còn lớn như trước đây, và thời gian giao hàng bị rút ngắn từ 70-90 ngày xuống còn 45-60 ngày.
Nhiều doanh nghiệp gỗ bắt đầu có đơn hàng trở lại |
"Yêu cầu đối với các công ty thời điểm này là phải thay đổi theo hướng đầu tư máy móc có tính đa năng hơn để tinh gọn sản xuất. Do đó, doanh nghiệp tìm những máy móc thay thế nhiều công đoạn trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, giá thành tốt và giao hàng đúng hạn đến các khách hàng”, ông Nguyễn Phương nhận định.
Ông Trần Anh Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, cho biết song song với việc tìm các dòng sản phẩm phục vụ cho thị trường ngách, các doanh nghiệp cũng dần chủ động hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.
Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn tái cấu trúc lại nhà máy, cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết và nâng cao năng suất. Từ đó, các nhà xưởng có thể cho ra sản phẩm có mức giá cạnh tranh hơn để tăng khả năng thu hút, nhận thêm đơn hàng từ khách hàng cũ.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thông thường chu kỳ đáy của ngành gỗ kéo dài khoảng từ 6 tháng - 1 năm, do vậy dự báo sau thời gian ảm đạm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có thể sẽ phục hồi vào quý IV/2023 và năm 2024. Thực tế, hiện đã có một số tín hiệu lạc quan hơn với tình hình đơn hàng năm 2024 của các doanh nghiệp.
Hướng tới sản phẩm gỗ đặc thù
Theo bà Cao Thị Cẩm, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, mặc dù, xuất khẩu gỗ giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, trong các sản phẩm, vẫn có những nhóm hàng tăng trưởng. Điển hình như mặt hàng ván sợi có kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt gần 32 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Với sản phẩm dăm gỗ, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu dăm gỗ đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam; trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%.
Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam cũng cho hay dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lương tiêu thụ 100.000 tấn/tháng. Còn tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2-3 năm cung cấp viên nén. Có thể thấy, hai thị trường nhập khẩu lớn viên nén của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, (chiếm 98% tổng lượng) đang có tín hiệu tốt.
Với thị trường châu Âu, thị trường này dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối. Tuy nhiên, với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, xuất khẩu viên nén sẽ phục hồi cả về giá và khối lượng từ những tháng cuối năm 2023. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành gỗ Việt Nam. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp cũng tìm hướng đi riêng biệt để tìm kiếm khách hàng mới cho giai đoạn tiếp theo của ngành gỗ ứng phó khó khăn hiện nay.
Ông Patrick Mui, Giám đốc Tư vấn Điều hành Centdegrés Việt Nam, đánh giá đồ gỗ vào thị trường châu Âu có mảng đồ trang trí được xem là thị trường ngách dự kiến tăng trưởng 4,27%/năm cho giai đoạn 2023-2026, đến năm 2026 có thể đạt 7,05 tỷ USD. Với những mặt hàng trang trí nội thất càng có nét bản địa, bản sắc riêng thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng có nhiều thị trường ngách hơn, sẽ hướng tới đối tượng khách hàng nhất định tại thị trường châu Âu.
Thị trường xuất khẩu gỗ đều đang xuất hiện những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, theo bà Lê Hải Liễu, hiện tất cả các thị trường đều đòi hỏi mẫu mã phải đổi mới liên tục các vật liệu. Ví dụ như lúc thì gỗ cao su, lúa thì phải là gỗ tràm hoặc các loại gỗ khác, và phối hợp với các loại nguyên liệu khác. Phải làm sao cho sản phẩm lúc nào cũng phải đa dạng, phong phú, nó phải có một cái gì đó khác so với trước. “Ví dụ như, chỉ là một cái thớt hình tròn, hình chữ nhật gì miễn là cắt thái được. Nhưng tại Đức Thành, mẫu mã về thớt, đơn vị có tới mấy trăm loại, nếu tính cả độ dày, độ rộng, độ dài thì có khi cả ngàn loại khác nhau. Nếu anh không có gì mới, nếu anh không không có gì hay thì anh rất khó mà tồn tại”, bà Lê Hải Liễu nhấn mạnh.
Nhìn chung, nhu cầu thị trường gỗ toàn cầu gia tăng mỗi năm từ 7-8%, tức là ta còn nhiều dư địa, cơ hội phát triển trong tương lai. Do đó, các chuyên gia cho rằng, khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời, do khó khăn chung của thị trường. Thị trường có thể ấm lên khi lạm phát được kiểm soát, nhu cầu của các thị trường ấm trở lại.