Xuất khẩu dệt may năm 2024 dự kiến tăng trưởng 8-10% Mở rộng thị phần hàng dệt may tại EU, chuyên gia khuyến cáo gì? Việt Nam và Italia còn nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dệt may |
Theo thông tin mới nhất từ Thương vụ Việt Nam tại Đức, quy định về thiết kế sinh thái châu Âu cho Sản phẩm bền vững (Ecodesign for Sustainable Products Regulation - ESPR) vừa có hiệu lực từ 18/7/2024. Quy định này thiết lập một khuôn khổ chung cho việc đưa ra các tiêu chuẩn bền vững về môi trường cho hầu hết các sản phẩm được đưa vào thị trường châu Âu.
Quy định trên là một phần trong gói các biện pháp trọng tâm để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn năm 2020.
ESPR khi đi vào hiệu lực sẽ góp phần giúp EU đạt được các mục tiêu về môi trường và khí hậu, tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng vật liệu tuần hoàn và đạt được các mục tiêu về hiệu quả năng lượng vào năm 2030.
Quy định về thiết kế sinh thái châu Âu cho Sản phẩm bền vững (ESPR) có hiệu lực từ 18/7/2024 |
Quy định này sẽ cho phép thiết lập các yêu cầu và thông tin về thiết kế sinh thái cho hầu hết các loại hàng hóa vật chất được đưa vào thị trường EU. Với việc thông qua quy định, một sản phẩm bền vững sẽ phải thể hiện một hoặc nhiều đặc điểm sau: Sử dụng ít năng lượng hơn; kéo dài lâu hơn; có thể dễ dàng sửa chữa; các bộ phận có thể dễ dàng tháo rời và đưa vào sử dụng tiếp; chứa ít chất đáng lo ngại hơn, dễ dàng tái chế; có lượng khí thải carbon và môi trường thấp hơn trong suốt vòng đời của nó.
Thương vụ cũng cho biết, quy định cũng đưa ra các biện pháp cấm tiêu hủy hàng dệt may và giày dép không bán được và mở ra một cách để mở rộng các lệnh cấm tương tự sang các lĩnh vực khác, nếu có bằng chứng cho thấy chúng là cần thiết.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Đức, quy định này sẽ có tác động lớn đến ngành dệt may Việt Nam do EU hiện là thị trường xuất khẩu mặt hàng lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
Trong những năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU luôn đạt trên 3 tỷ USD, đạt mức kỷ lục 4,4 tỷ USD vào năm 2022 và giảm xuống 3,76 tỷ USD vào năm 2023 do kinh tế khu vực đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu thụ quần áo tại thị trường giảm. 5 tháng đầu năm 2024, tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam Sang EU chiếm 11,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng, đạt 1,47 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.
ESPR được dự báo sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam tại thị trường EU. Ảnh minh họa |
Hàng may mặc được xác định là một trong những mặt hàng ưu tiên thực hiện Quy định ESPR do theo đánh giá, năm 2020, mức tiêu thụ hàng dệt may ở châu Âu có tác động tiêu cực đến môi trường và biến đổi khí hậu cao thứ tư; Gây áp lực đến việc sử dụng nước và đất lớn thứ 3; Và có mức sử dụng nguyên liệu thô và phát thải khí nhà kính cao thứ 5.
Ngoài ra, trung bình người tiêu dùng mua quần áo nhiều hơn 60% so với 15 năm trước. Và mỗi món đồ chỉ được lưu giữ trung bình 7 năm, tạo ra sự lãng phí đáng kể. Mặc dù chưa có đạo luật ủy quyền đối với ngành dệt may, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam nên chú ý việc Quy định mới đã đưa ra lệnh cấm trực tiếp tiêu hủy hàng dệt may không bán được; yêu cầu hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số đối với sản phẩm. Đây là 2 nội dung liên quan đến mặt hàng may mặc được đưa ra trong ESPR.
Với việc quy định đã có hiệu lực, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp may mặc, cần nhanh chóng có động thái bắt nhịp để không bị động và đánh mất thị trường đầy giá trị như EU.