Khơi thông tiềm năng xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu cho khu vực Tây Bắc 2 dự án truyền tải điện khu vực Tây Bắc gặp khó khăn về mặt bằng |
Khẳng định giá trị bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam
Nghệ thuật Xoè Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2021. Sự ghi danh này đã khẳng định, thế giới đánh giá cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, của loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc nói riêng.
Nghệ thuật Xoè Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại |
Người Thái ở Việt Nam sinh sống trải dài từ vùng Tây Bắc từ: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, đến miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An. Với người Thái ở Tây Bắc, hiện Xòe là một loại hình múa dân gian phổ biến trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của tộc người này. Xòe gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Thái.
Người Thái Xòe trong các lễ hội mùa xuân, trong lễ xên bản, xên mường, Xòe trong lễ mừng mùa của cộng đồng, trong lễ lên nhà mới, trong đám cưới và Xòe trong các cuộc liên hoan văn nghệ, trong các sự kiện chính trị của các địa phương để giao lưu, kết bạn và kết nối cộng đồng trong những vòng Xòe.
Mỗi người khi tham gia vào vòng Xòe đều cảm thấy mình là một phần của cộng đồng. Sức sống của Xòe Thái đã trở thành một nét đẹp văn hóa, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.
Xòe là sân chơi giải trí của người dân sau những ngày lao động vất vả, đồng thời là phương tiện giao tiếp kết nối mọi người xích lại gần nhau, dần trở thành nét văn hóa đặc trưng, là “tài sản” của các dân tộc sinh sống trên rẻo cao Tây Bắc. Là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, Xòe Thái mang trong mình những giá trị văn hóa-nhân văn đặc sắc, trở thành phương tiện giao tiếp, kết nối cộng đồng; một tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cần được tôn vinh và gìn giữ.
Những điệu múa Xòe mang đậm chất núi rừng Tây Bắc của những cô gái dân tộc Thái |
Phát huy điệu múa Xoè Thái trong phát triển du lịch
Khi du lịch đang được đẩy mạnh ở để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tại nhiều địa phương vùng Tây Bắc, Xòe Thái trở thành chất xúc tác không thể thiếu để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với địa phương, nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo, đặc trưng, có sức hút cho du lịch ở các địa phương có Xòe Thái.
Những điệu múa Xòe mang đậm chất núi rừng Tây Bắc của những cô gái dân tộc Thái trong trang phục truyền thống đã mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên khi đến Tây Bắc. Ngày nay, nghệ thuật Xòe đã trở thành một sản phẩm du lịch khi du khách đến với bản làng của người Thái ở Tây Bắc; góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương thông qua các dịch vụ du lịch cộng đồng phục vụ du khách tham quan.
Theo đó, nhiều địa phương vùng Tây Bắc đang nỗ lực gìn giữ, phát huy những nét văn hoá trong nghệ thuật Xoè Thái trong phát triển du lịch. Cụ thể như tỉnh Sơn La, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái, ngành tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng di sản; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu về “Nghệ thuật Xòe Thái”; phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian và thành viên cộng đồng am hiểu Xòe Thái để trao truyền, thực hành, xuất bản các tài liệu, trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật Xòe Thái.
Đặc biệt là việc đưa Xòe Thái trở thành điểm nhấn cho các điểm đến, phục vụ du lịch cộng đồng, tạo không khí sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.
Còn tại tỉnh Lai Châu, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết: Để di sản nghệ thuật Xòe Thái tiếp tục được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống xã hội, tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật Xòe Thái.
Tỉnh cũng thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; xây dựng, duy trì hoạt động các đội văn nghệ truyền thống, các câu lạc bộ sinh hoạt nghệ thuật Xòe Thái trong cộng đồng gắn với phát triển du lịch của địa phương. Để nghệ thuật Xòe Thái tiếp tục được bảo tồn, lan tỏa, phát huy giá trị, tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chỉ đạo, định hướng cụ thể trong công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật Xòe Thái để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện đảm bảo các yêu cầu, cam kết.