Khai thác giá trị văn hoá trong phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào hệ thống phân phối hiện đại |
Động lực thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Những năm gần đây, việc thực hiện các Chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực cho kinh tế và thương mại hàng hóa trên các địa bàn này, thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại, bền vững.
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế ở khu vực này, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 4293/BCT-TTTN ngày 25 tháng 7 năm 2022 về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia này.
Từ đó, nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc, miền núi đã tạo lập được thương hiệu, xây dựng được bản sắc để cạnh tranh và đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Tọa đàm “Định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” |
Tại Tọa đàm có chủ đề “Định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 9/10, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, thương hiệu chính là cái “giá” mà đối tác, khách hàng, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm.
Riêng với các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chứa đựng hai giá trị rất lớn, là sự khác biệt bên cạnh cái chung. Thứ nhất, nói đến miền núi là những quang cảnh rất hùng vĩ, rất đẹp, rất ấn tượng. Nhưng đằng sau đó là khi nghĩ về sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người tiêu dùng thường nghĩ đến một điều rất gần gũi, thân thiện với thiên nhiên, với trời đất và những điều này rất hoà hợp với xu hướng hiện nay. Đó là xu hướng sống xanh, sản xuất xanh, an toàn.
Bên cạnh đó, khi nghĩ về những sản phẩm này, người tiêu dùng sẽ thấy được truyền thống, một nền tảng văn hóa mà bất kỳ nghề nào cũng muốn khám phá, muốn trải nghiệm.
Chính hai giá trị này tạo nên tính lan toả không chỉ cho sản phẩm, doanh nghiệp làm ra sản phẩm mà là cả vùng miền. Không phải ngẫu nhiên mà sản phẩm ở khu vực này mang tính vùng miền rất rõ rệt. Đây cũng là chất liệu quan trọng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam chia sẻ thêm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một sản phẩm chứa đựng giá trị văn hóa và gắn kết chặt chẽ với người dân Việt Nam nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Trải dài từ Bắc vào Nam, có những thương hiệu được hình thành một cách ngẫu nhiên, qua thời gian như: Nghề dệt đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái; nghề rèn của dân tộc Nùng…
Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nông thôn nói riêng, đặc biệt khu vực miền núi và với ngành nghề nông thôn và nghề thủ công mỹ nghệ hết sức được quan tâm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chương trình khôi phục và bảo tồn các sản phẩm thủ công truyền thống, các làng nghề, có Nghị định về phát triển ngành nghề nông thôn và nhiều chương trình kết nối đồng bào dân tộc, miền núi, kết nối ngành thủ công với thị trường… Nhìn chung, về mặt chính sách, ta đã có một khung pháp lý để phát triển nghề thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những đặc trưng riêng, là chất liệu quan trọng để xây dựng thương hiệu |
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, bà Lê Thị Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cà phê Detech cho hay, Sơn La là một tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam, nơi có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng vô cùng thuận lợi cho trồng cà phê Arabica. Tuy nhiên, cà phê Sơn La chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, vì vậy kể cả người Việt Nam thì cũng chưa biết rằng khu vực Tây Bắc lại có cà phê, đặc biệt là cà phê Arabica. Người tiêu dùng chỉ biết đến một sản phẩm cà phê Robusta uống có vị chocolate, caramel, vị đậm và thường uống với đường hoặc sữa.
Thế nhưng sự khác biệt của sản phẩm cà phê Arabica là có vị chua thanh, vị hương hoa, vị đặc trưng của vùng Tây Bắc là vị thảo mộc, thì rất nhiều khách hàng chưa biết đến. Do đó, Công ty CP Cà phê Detech mong muốn đưa giá trị của cà phê Arabica đến người tiêu dùng. Giúp người tiêu dùng biết đến vùng trồng cà phê với 80% là phụ nữ dân tộc thiểu số - những người trực tiếp tham gia vào thu hái, chế biến sản phẩm cà phê Arabica.
“Chúng tôi mong muốn tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có cuộc sống ổn định và gắn kết với vùng đất Sơn La và cà phê Sơn La” – bà Lê Thị Hằng chia sẻ.
Với mục tiêu đó, cùng với quá trình hình thành chuỗi sản xuất cho ngành hàng cà phê, Cà phê Detech đã xây dựng được các sản phẩm chế biến chất lượng cao, sản phẩm đặc sản xuất khẩu gián tiếp và trực tiếp sang thị trường các nước châu Âu, New Zealand, thị trường Mỹ… Việc có được các chứng nhận đưa sản phẩm ra nước ngoài chính là yếu tố quan trọng để hình thành và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Định vị thương hiệu nông sản cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chia sẻ về giải pháp để định vị thương hiệu cho sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tương lai, TS. Võ Trí Thành cho rằng, điểm mạnh của các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là họ có truyền thống, có lịch sử, có nét văn hóa rất đáng trân trọng, đáng khám phá.
Do đó, giải pháp để đẩy mạnh định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì cần có “tích truyện”, sản phẩm gắn với "tích truyện", gọi là câu chuyện văn hoá đằng sau. Bên cạnh đó, gắn với xu thế của thời đại, đó là câu chuyện xanh, lối sống, cách sống và đặc biệt là phân khúc tầng lớp trung lưu, tầng lớp trẻ hiện nay, sống xanh, an toàn, nhân văn…
“Sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chứa đựng cả 2 điều trên, vừa có dấu ấn văn hoá, có tích truyện rất hấp dẫn lại vừa bắt nhịp được với xu thế, đòi hỏi hiện nay là lối sống, cách sống xanh, phát triển bền vững. Đây là nền tảng rất tốt cho xây dựng thương hiệu” – TS Võ Trí Thành chia sẻ.
Thế nhưng để làm được điều này, bản thân doanh nghiệp, đồng bào vẫn chưa đủ nguồn lực, chưa đủ năng lực để làm, chưa nói đến việc truyền dẫn, quảng bá trên các kênh khác nhau.
Do đó, trong câu chuyện sản xuất các ngành tiểu thủ công mỹ nghệ, những nghệ nhân đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Có thể bản thân họ chưa kể được ra câu chuyện thật sự hấp dẫn, nhưng chính cuộc đời họ và những hiểu biết của họ, cùng với sự hỗ trợ của các bên như các nhà văn hoá, những người làm truyền thông chất lượng sẽ tạo nên những câu chuyện rất hay.
Vấn đề tiếp theo là khát vọng và nỗ lực xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp khu vực này là có nhưng họ thường là hộ sản xuất, hợp tác xã và những doanh nghiệp có năng lực và nguồn lực hạn chế. Việt Nam đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, từ vốn, công nghệ, lao động đến quản trị và rất nhiều hình thức hỗ trợ. Song cách làm còn chưa thấu đáo, và trong rất nhiều trường hợp thì khi có chương trình hỗ trợ thì tốt lên nhưng hết chương trình thì lại đâu vào đấy. Tức là còn thiếu tính bền vững. Đây là điều cần khắc phục trong các chính sách và chương trình hỗ trợ.
Điều cuối cùng là sản phẩm của đồng bào dân tộc không chỉ là kết nối của chính giá trị đem lại, cũng không hoàn toàn chỉ là kết nối với du lịch mà còn lớn hơn thế, nó là sức sống của nhiều dân tộc Việt, của đất nước này. Vì thế, nên nhìn nhận lại giá trị đó để hỗ trợ và làm cho giá trị đó nổi bật hơn, mang lại giá trị cao hơn cho bà con vùng dân tộc.