Hiệp định EVFTA và tác động kép với xuất khẩu cà phê sang EU Thêm 2 loại gạo được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào EU: Gia tăng cơ hội tận dụng EVFTA |
Cà phê Việt xuất khẩu lớn nhất sang thị trường EU
Sau hơn 3 năm có hiệu lực, Hiệp định EVFTA đã tạo sức bật cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thị trường Liên minh châu Âu (EU), trong đó có cà phê.
Hiện EU là thị trường lớn nhất của cà phê Việt |
Hiện, EU là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022 lượng cà phê xuất khẩu sang EU chiếm 39% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. 10 tháng đầu năm 2023, khối lượng cà phê xuất khẩu sang EU chiếm khoảng 40% tổng xuất khẩu cà phê của cả nước.
Là một trong những vùng trồng cà phê lớn của thế giới, Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về diện tích, sản lượng, chất lượng, cùng nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở chế biến, cải tiến công nghệ để sản xuất các sản phẩm từ cà phê, góp phần nâng cao giá trị và tăng thêm sự phong phú cho mặt hàng cà phê.
Nếu như trước kia, hầu như doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân thì từ khi EVFTA có hiệu lực, thuế của cà phê rang xay hòa tan nhiều nước áp dụng lộ trình xuống 0 - 5%. Điều này là động lực cho các doanh nghiệp đầu tư cho chế biến sâu để nâng giá trị gia tăng của hạt cà phê. Đây cũng là định hướng lâu dài đối với ngành cà phê Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê chủ yếu vẫn là cà phê nhân, các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột... vẫn chưa xuất khẩu được nhiều. Theo đó, tận dụng hiệu quả dư địa của các FTA, đặc biệt là Hiệp định EVFTA thông qua việc xây dựng hệ sinh thái cho ngành hàng cà phê là giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển và tháo gỡ những khó khăn trong kết nối chuỗi chế biến cà phê; quy trình kỹ thuật sản xuất, vốn và công nghệ; xây dựng thương hiệu... Mục tiêu là giúp tạo ra sự kết nối giữa những chủ thể có liên quan để phối hợp giải quyết, xử lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn về phát triển bền vững đang ngày càng phổ biến trên thế giới.
Đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái ngành cà phê
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương, xây dựng hệ sinh thái là xây dựng chuỗi liên kết từ các doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, ngân hàng, tổ chức tư vấn, doanh nghiệp logistics, các bộ ngành liên quan... Việc xây dựng chuỗi kết nối này hiện nay đã có nhưng chưa toàn diện, ví dụ hiệp hội kết nối doanh nghiệp nhưng lại chưa có sự kết nối với địa phương, bộ, ngành… Do đó phải xây dựng lại chuỗi kết nối.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các bộ, ngành để có nguồn tín dụng tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng tốt EVFTA để xây dựng thương hiệu.
Để bắt đầu quá trình xây dựng hệ sinh thái, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức hội thảo/tọa đàm chuyên sâu cho mặt hàng chủ lực đã được xác định. Mục tiêu của hội thảo này là tập trung các chủ thể có liên quan đến mặt hàng đó để cùng nhau thảo luận xác định vấn đề, giải pháp cho các vấn đề và đặc biệt là kết nối với nhau để tạo dựng hệ sinh thái. Sau khi hội thảo diễn ra, sẽ xây dựng kế hoạch hành động của hệ sinh thái nhằm tiếp tục triển khai các kết quả đã đạt được tại hội thảo để sớm đem lại hiệu quả rõ ràng cho các mục tiêu đề ra.
Trong bối cảnh EU cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng từ cuối năm sau, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam khuyến cáo các địa phương cần kiểm soát người dân sống vùng gần rừng và ngăn chặn hành vi phá rừng để trồng cà phê. Việc xây dựng hệ sinh thái sẽ giúp ích cho việc truy suất đến cùng nguồn gốc sản phẩm, minh bạch nguồn gốc, giúp doanh nghiệp dễ dàng đưa sản phẩm ra thị trường. Đáng chú ý, nếu việc tạo dựng hệ sinh thái cho ngành cà phê thành công sẽ giúp lan tỏa triển khai đến các ngành nông sản có thế mạnh khác.
Khuyến cáo doanh nghiệp về nhóm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) lưu ý, hiện nay, việc gia tăng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, không riêng tại thị trường EU.
Nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, doanh nghiệp Việt cần đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, hệ thống xử thải theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động.
“Các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, các quy chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, tăng cường chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi, xây dựng hệ sinh thái cho ngành hàng từ vùng nguyên liệu tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu” – bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.