Tại cuộc họp báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 24/3; thông tin về cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam, bà Phan Linh Chi, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, khi còn đương chức, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có kết luận đề nghị Bộ phải thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai một loạt nội dung, đặc biệt có các buổi gặp gỡ, văn bản gửi cho nhà đầu tư chiến lược.
Tuy nhiên, theo bà Phan Linh Chi, đến thời điểm hiện tại các vấn đề chưa có sự chuyển biến tích cực, do Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso - nhà đầu tư chiến lược) chưa đưa ra được văn bản liên quan tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ, tiến hành các thủ tục có liên quan. Đồng thời, chưa đề xuất cụ thể về số tiền nhận lại để thực hiện hoàn trả cổ phần cho Nhà nước đã mua tại Hãng phim truyện Việt Nam.
"Dù nhà đầu tư chiến lược không có những hợp tác tích cực nhưng Bộ đã có các văn bản, dự thảo quyết định để lấy ý kiến của các Bộ Tư pháp, Tài chính về kiến nghị, phương thức xử lý. Trả lời văn bản này, các Bộ cho rằng về cơ sở pháp lý để ban hành quyết định thu hồi, nhận lại số cổ phần, hoàn trả tiền cho tổng công ty mà không có sự thống nhất, thỏa thuận là không phù hợp. Do đó, Bộ không được đơn phương thực hiện" - bà Chi nêu.
Theo bà Phan Linh Chi, trước thời điểm 31/12/2021, có quy định về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và có thể sử dụng để chi trả. Còn hiện nay nếu như có được con số nhà đầu tư chiến lược đưa ra thì Bộ sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và phải báo cáo Quốc hội để đưa vào dự toán hằng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có lộ trình thực hiện, tuy nhiên mấu chốt là đề xuất của nhà đầu tư chiến lược đến thời điểm này chưa có.
Trước đó, ngày 22/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo chi tiết với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái rất cụ thể, chi tiết về lộ trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Không những Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải báo cáo mà cả Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về việc này. Hai báo cáo đều trùng khớp.
Về hiện trạng kho phim tại Hãng phim truyện Việt Nam có dấu hiệu ẩm mốc, bà Phan Linh Chi thông tin, Cục Điện ảnh, Viện phim Việt Nam đã xuống kiểm tra, làm việc với Hãng và có báo cáo. Theo đó, trong 291 bộ phim đang lưu tại hãng thì 278 bộ phim đã được lưu trữ bản gốc tại Viện phim Việt Nam. Còn 13 phim còn lại, không lưu tại Viện Phim Việt Nam vì đây là những phim Hãng này làm theo đơn đặt hàng của các đơn vị bên ngoài như "Điện ảnh chiều thứ Bảy" của Đài Truyền hình Việt Nam và các phim hợp tác sản xuất bên ngoài. "Vì thế chúng ta có quyền yên tâm là các bản phim gốc đang được bảo quản tốt và không lo sợ sẽ bị mất mát"- bà Chi nói.
Bà Phan Linh Chi nói thêm, dù Vivaso chưa thoái vốn nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng nhiều lần tìm kiếm đối tác chiến lược khác. Tuy nhiên, việc này chưa thành công do đặc thù của ngành điện ảnh vốn nhiều thách thức, giờ càng khó khăn hơn sau đại dịch.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - bà Trịnh Thị Thủy cũng nêu rõ quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là nhìn thẳng vào khó khăn vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, bởi các vấn đề của Hãng phim truyện Việt Nam đã có từ trước, không thể giải quyết một việc mà phải giải quyết nhiều việc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang rất tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất Thủ tướng các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ dứt điểm các khó khăn vướng mắc này.