Thị trường tài chính Việt Nam trong khoảng một tuần qua liên tục có nhiều biến động. Bắt đầu từ ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có động thái và phát hành thành công 9.995 tỷ đồng tín phiếu, lãi suất trúng thầu với lãi suất 0,69% trong kỳ hạn là 28 ngày.
Tới ngày 22 và ngày 25/9, nhà điều hành tiếp tục phát hành 10.000 tỷ đồng tín phiếu mỗi phiên với lãi suất trúng thầu lần lượt là 0,5% và 0,49% cũng trong kỳ hạn 28 ngày.
Hôm qua (26/9), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng ra thị trường bằng kênh tín phiếu nhưng khối lượng tăng lên gấp đôi là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,59%, kỳ hạn 28 ngày.
Mức lãi suất trúng thầu tín phiếu hiện đang cao hơn mức lãi suất bình quân liên ngân hàng. Giới phân tích cho rằng động thái hút VND của Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ đồng thời giảm áp lực tỷ giá trong thời gian tới.
Vào ngày 11/9, tỷ giá chính thức tại các ngân hàng đã vượt qua 24.000 và đạt mức cao nhất từ đầu năm cho tới nay |
Sau nhiều phiên Ngân hàng Nhà nước kích hoạt kênh tín phiếu, lãi suất VND liên ngân hàng đã có sự thay đổi. Chốt ngày 25/9, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: Qua đêm là 0,17%; 1 tuần là 0,37%; 2 tuần là 0,58%; 1 tháng là 1,15%.
Vào ngày 11/9, tỷ giá chính thức tại các ngân hàng đã vượt qua 24.000 và đạt mức cao nhất từ đầu năm cho tới nay, tăng 2,6% so với đầu năm và tăng 3,8% so với đáy thời điểm giữa tháng 4 năm nay. Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại đã ghi nhận vượt qua mức 24.500 VND/USD ở chiều bán.
Hiện tại, tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt và tiếp tục tìm đỉnh mới. Sáng 27/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.088 VND/USD, tăng nhẹ 4 đồng mỗi USD so với phiên trước.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.242 đồng.
Tại một số ngân hàng thương mại như Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 24.215-24.555 VND/USD (mua vào - bán ra), BIDV mua vào 24.240 VND/USD, bán ra 24.540 VND/USD.
Techcombank cũng đưa giá USD lên 24.250-24.585 VND. ACB niêm yết 24.290-24.590 VND/USD mua vào, bán ra.
Trên thị trường tự do, giá USD cũng tăng mạnh lên khoảng 24.300 VND/USD chiều mua vào và 24.400 VND/USD chiều bán ra. Như vậy, giá USD tự do đang thấp hơn khá nhiều so với giá USD các ngân hàng thương mại.
Nhận định về diễn biến khá bất thường trên, SSI Research cho rằng, việc chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường ngân hàng và chợ đen và mức độ biến động phản ánh chênh lệch cung - cầu đang nghiêng nhiều trên thị trường liên ngân hàng.
“Nhiều khả năng là do hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá từ các ngân hàng thương mại” - SSI Research nhận định
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này nhận định biến động của VND nghiêng nhiều về yếu tố mùa vụ và việc duy trì chính sách tiền tệ không cùng pha với nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới trước áp lực kiểm soát lạm phát. Đây là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý III. Dù vậy, vị thế của Ngân hàng Nhà nước tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm. Cùng đó, nguồn cung ngoại tệ tích cực như FDI giải ngân 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ; cán cân thương mại cũng ước tính đạt thặng dư kỷ lục ở mức 19,9 tỷ USD.
Động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước có thể được xem như là cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương.
Theo SSI Research, động thái trên trên không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP vẫn đang kỳ vọng chưa có sự bứt phá và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát (thấp hơn lạm phát mục tiêu của Chính phủ), SSI Research không đánh giá cao khả năng Ngân hàn Nhà nước sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ mà nghiêng nhiều về việc thận trọng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát.
Đồng USD mạnh lên là nguyên nhân chủ yếu lý giải cho đà tăng của tỷ giá trong thời gian vừa qua. Giới phân tích cho rằng, thị trường lo ngại sự phân cực ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và ngân hàng trung ương các nước khu vực Châu Á, mà đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản… nên chuyển sự chú ý sang đồng USD, khiến chỉ số USD Index tăng liên tục trong 3 tháng gần đây.
USD Index đã chạm mốc 106,24 |
Chiều 27/9 (giờ Việt Nam), USD Index đã chạm mốc 106,24. Sau cuộc họp vào ngày 20/9, Fed tiếp tục giữ lãi suất ổn định nhưng củng cố lập trường "diều hâu" với việc tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 11/2023.
Song, các chuyên gia đánh giá “bóng ma” tỷ giá cuối năm 2022 không quay trở lại do USD Index thời điểm đó lên tới gần 115 điểm bởi bối cảnh hiện nay Fed đã đi đến chặng cuối của chu kỳ tăng lãi suất.
Ở trong nước, một vài yếu tố vĩ mô tích cực như: dòng vốn FDI giải ngân quay trở lại mạnh mẽ trong tháng 8 (tăng 24% so với cùng kỳ), lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 13 tỷ USD (tăng 1,3% so với cùng kỳ); thặng dư thương mại 8 tháng năm 2023 ước đạt 20.1 tỷ USD… sẽ góp phần “trung hòa” áp lực tăng giá tỷ giá vào cuối năm.