Hơn một tuần sau khi cơn bão số 3 gây mưa lũ, sạt lở đất, nhiều địa phương phía Bắc đã và đang chịu thiệt hại nặng nề, trong đó Lào Cai là tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất, với 118 người chết và 50 người mất tích. Riêng trận sạt lở, lũ quét tại Làng Nủ, huyện Bảo Yên vào sáng 10/9 đã san phẳng 33 nóc nhà, khiến nhiều người tử vong và mất tích.
Tuy nhiên, giữa nỗi đau và mất mát đang bao trùm Làng Nủ, vào ngày 16/9, trên mạng xã hội lại xuất hiện một video mang tính chất "câu view" đến từ một kênh Youtube có tên "Những bài học nhỏ", với hơn 324.000 người theo dõi. Đáng chú ý, dù là một kênh chuyên sản xuất nội dung giáo dục trẻ em, nhưng "Những bài học nhỏ" đã đăng tải một video với ảnh đại diện và tiêu đề gây tranh cãi: "Quả báo Làng Nủ Lào Cai".
Đoạn video gây tranh cãi của kênh Youtube "Những bài học nhỏ". (Ảnh chụp màn hình) |
Sau khi nhận được phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, chủ kênh Youtube "Những bài học nhỏ" đã thay đổi ảnh đại diện đóng tài khoản. Sau đó, phía công ty chủ quản của kênh "Những bài học nhỏ" đã được công an mời lên làm việc, và người phụ trách mảng Youtube của công ty này đã bị cho thôi việc.
Đáng chú ý, hành động của “Những bài học nhỏ” là một trong số hàng loạt những hành vi "câu view", làm tin giả trên mạng xã hội sau cơn bão số 3. Ngày 11/9 vừa qua, cộng đồng mạng đã truyền tay nhau một bức ảnh bức ảnh ghi lại cảnh một người đàn ông đẩy chiếc thau có người phụ nữ và đứa bé giữa vùng bão lũ. Nhiều fanpage trên Facebook đăng bức ảnh này kèm nội dung: "Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang…".
Bức ảnh lũ lụt được "dàn dựng" tại Hà Giang. (Ảnh chụp màn hình) |
Tuy nhiên, hình ảnh trên thực chất đã được chụp lại từ video của một Youtuber mang tên P.X.D tại xã Ngọc Linh. Đáng chú ý, anh P.X.D cùng gia đình không hề sống trong khu vực bị ngập lụt tại Hà Giang, mà đã cố tình dàn dựng video để “câu view” từ cộng đồng mạng. Sau đó, anh P.X.D đã được lực lượng chức năng mời lên làm việc.
Cũng vào ngày 11/9, trên Facebook xuất hiện một video ghi lại cảnh một bé trai khóc nức nở, kèm chú thích: "Xót xa đau lòng quá, nước trôi mất mẹ con rồi không tìm thấy đâu". Thế nhưng, đoạn video đầy xúc động này sau đó cũng được xác minh là tin giả.
Táo tợn hơn, một số thành phần trên mạng xã hội còn thậm chí sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những hình ảnh “thương tâm” về trẻ em ngập trong bùn đất tại các huyện vùng núi. Không chỉ để “câu view” dựa trên lòng cảm thương của người xem, những đối tượng này còn thậm chí dùng những hình ảnh giả mạo trên để lừa tiền từ thiện.
Hình ảnh "thương tâm" về trẻ em vùng bão lũ được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI). (Ảnh chụp màn hình) |
Từ những ví dụ trên, có thể thấy hành động "câu view" trái với chuẩn mực đạo đức là không hề mới, đặc biệt là trong tình cảnh nhiều người dân nước ta đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề do bão số 3. Ngoài ra, những ví dụ trên còn biểu hiện cho vấn nạn “câu view” đặc biệt gây nhức nhối trong cộng đồng người sử dụng mạng xã hội nói chung, và tại Youtube nói riêng, trong những năm vừa qua.
Trên thực tế, để đạt được thành công trên bất cứ mạng xã hội nào đòi hỏi người dùng phải thấu hiểu thuật toán của mạng xã hội ấy. Tuy vậy, thuật toán của Youtube dường như luôn có sự “thiên vị” cho những video có hình ảnh, tiêu đề bắt mắt, và thậm chí là gây tranh cãi để thu hút người xem.
Để cạnh tranh về những tiêu đề, hình ảnh, nhiều Youtuber nổi tiếng đã không từ thủ đoạn để “kiếm view”. Logan Paul là một ví dụ tiêu biểu cho hành vi này, khi vào năm 2018, Youtuber này đã đăng tải video có hình ảnh xác chết tại một khu rừng ở Nhật Bản. Kanghua Ren, một Youtuber khác, đã từng bị tòa án Tây Ban Nha xử phạt khi quay video lừa đảo phân phát đồ ăn cho nhiều người vô gia cư.
Bất chấp những hành vi trái với đạo đức trên, nhưng cả hai Youtuber đều đã được “thưởng” bởi thuật toán của Youtube. Sau khi đăng tải đoạn video tại Nhật Bản, số người đăng ký kênh của Logan Paul đã tăng từ 15 triệu lên 17 triệu người. Còn đối với Kanghua Ren, anh chàng này đã thu được số tiền là 2,180 euro (tương đương khoảng 60 triệu đồng) trước khi xóa video của mình.
Video của Youtuber nổi tiếng Logan Paul quay cảnh một xác chết đã bị cộng đồng quốc tế phản ứng quyết liệt. (Ảnh chụp màn hình) |
Thực tế, việc cơ quan chức năng làm việc với những Youtuber như "Những bài học nhỏ" và P.X.D là hành động đúng đắn, kịp thời, phù hợp với luật pháp và tiêu chuẩn đạo đức của Việt Nam. Tuy vậy, nếu những nền tảng mạng xã hội không trực tiếp giải quyết vấn đề gốc rễ đằng sau hiện tượng “câu view”, thì những hành động trên rất có khả năng tái diễn.
Chính vì vậy, những nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook cần tăng cường trách nhiệm, và có những chế tài đặc biệt để xử lý những hành vi “câu view”, thay vì tạo điều kiện để cho nhiều cá nhân “lợi dụng” thuật toán của mình. Ngược lại, thuật toán của những trang này nên phổ biến rộng rãi những video, hình ảnh có nội dung tích cực, phản ánh đúng sự thật đến người dùng. Điều này sẽ tạo nên một môi trường mạng xã hội trong sạch, lành mạnh, không chỉ tại Việt Nam, mà trên toàn thế giới.