Thêm nguồn vốn 100 triệu USD cho tín dụng xanh, phát triển bền vững Cơ chế “xanh hóa” của EU và sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh: Giải pháp nào để khơi thông? |
Chuyển đổi xanh là vấn đề sống còn
Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) của doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân rất quan trọng và đóng vai trò rất then chốt được đại diện Bộ Công Thương chỉ ra chính là việc tiếp cận các nguồn vốn và nguồn tài chính của doanh nghiệp còn khó khăn.
Dẫn kết quả khảo sát của VCCI, bà Nguyễn Thị Lan Phương cho biết, trong năm 2022, qua khảo sát có đến 55,6% doanh nghiệp đánh giá rằng khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng; trong khi con số này ở những năm 2019 chỉ là 34,8%, năm 2020 là 40,7% và đến năm 2021 là 46,9%. Tổ chức quốc tế IFC cũng đánh giá, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó và không thể tiếp cận được vấn đề tài chính.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, doanh nghiệp cần tiếp cận tài chính dễ dàng hơn nhất là tài chính xanh để có thể đầu tư một cách bài bản, chuyển đổi công nghệ sản xuất, đầu tư đáp ứng những tiêu chuẩn phát triển bền vững của thị trường FTA để tận dụng các FTA này tốt hơn.
Xanh hóa chuỗi sản xuất trong ngành dệt may là xu thế toàn cầu |
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco nhấn mạnh: “Nhìn thấy rõ tầm quan trọng của xanh hóa, việc xây dựng nhà máy xanh, nhà máy thông mình là việc sống còn của doanh nghiệp”.
Theo ông Quân, Việt Nam đang mong muốn là trung tâm sản xuất của khu vực, thúc đẩy xuất khẩu trong khi xuất khẩu phải tìm kiếm đến các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. Tại các thị trường này người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề môi trường, bền vững. “Ngay trong Hiệp định EVFTA cũng có nhiều nội dung tích hợp các vấn đề về môi trường trong quy định nhập khẩu hàng hóa”, ông Quân nhấn mạnh.
Chủ tịch Thagaco cho biết, tại các diễn đàn về dệt may, chủ đề chuyển đổi xanh cũng đề cập nhiều. Hiện nay, các nhãn hàng trên thế giới đang chạy đua trở thành nhãn hàng xanh, họ cũng mong muốn các nhà cung ứng trở nên xanh hóa. Theo ông Quân, việc xanh hóa năm 2023 chưa tác động nhiều nhưng nó sẽ trở thành điều kiện tiên quyết để các nhãn hàng đặt hàng tại một nước sản xuất.
“Hiện tại, chúng tôi rất quan tâm đến các chính sách của Nhà nước cũng như các gói tín dụng của các ngân hàng dành cho tín dụng xanh. Những năm vừa qua chúng tôi đã xây dựng nhà máy thông thông minh đạt chứng chỉ LEED của Hiệp hội công trình Hoa Kỳ. Xanh hóa không chỉ là đạt chứng chỉ xanh mà còn là nơi giữ chân khách hàng và tăng cường năng lực khả năng cạnh tranh”, ông Quân chia sẻ.
Thagaco đã xây dựng nhà máy xanh, nhà máy thông minh. Lãnh đạo công ty cho biết, đây là việc sống còn của doanh nghiệp bởi nếu không xây dựng nhà máy xanh, không đạt chứng chỉ xanh trong 2 - 3 năm tới công ty sẽ mất khách hàng lớn và không tiếp cận được các khách hàng lớn khác. “Việc xây dựng nhà máy xanh là bắt buộc”, ông Quân nhấn mạnh.
Chủ tịch Thagaco phân tích xây dựng nhà máy xanh chi phí tăng 20 - 30% so với nhà máy bình thường nên rất cần đến sự hỗ trợ của nguồn vốn ngân hàng.
Tín dụng xanh thúc đẩy thực thi EVFTA |
Room tín dụng xanh còn lớn
Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
“Trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%)”, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chia sẻ và cho biết: “Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế”.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn, Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam chia sẻ, HSBC đã là cầu nối dẫn vốn xanh vào thị trường Việt Nam với quy mô lên tới 2 tỷ USD.
Trong quá trình làm việc cùng các khách hàng, HSBC nhận thấy nhu cầu vốn tín dụng xanh rất lớn, vừa là xu hướng vừa là vấn đề sống còn, nhiều doanh nghiệp, nhất là nhóm xuất khẩu đang chuyển đổi để phù hợp với thị trường quốc tế.
“Tuy nhiên, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn xanh thì còn nhiều yếu tố cần cải thiện, nhất là việc đáp ứng các quy chuẩn của thị trường tín dụng quốc tế”, bà Nga chia sẻ.
Nhận định về cung - cầu nguồn vốn tín dụng xanh, ông Võ Quốc Khánh, Phó Tổng giám đốc Công ty EY Việt Nam cho rằng, trong phạm vi hệ thống tài chính Việt Nam, nhu cầu cầu tín dụng xanh rất lớn. Hiện tại con số, tỷ lệ tín dụng xanh/tổng dư nợ nền kinh tế chưa đến 5%. Các ngân hàng mới bắt đầu câu chuyện tín dụng xanh trong 5 năm gần đây. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng xanh trong nhiều năm gần đây tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân ngành tín dụng cho thấy tỷ lệ tín dụng xanh/tổng dư nợ sẽ còn lớn hơn nữa.
Nhìn sang quốc tế, ông Khánh cho hay, tỷ lệ tín dụng xanh/hệ thống ngân hàng của các ngân hàng liên minh châu Âu gần 8%, điều này cho thấy, Room tín dụng xanh của Việt Nam còn rất lớn trong thời gian tới.
Về cơ cấu tín dụng xanh, theo ông Khánh, chủ yếu ở năng lượng tái tạo, nông nghiệp. Còn nhiều lĩnh vực khác trong ngành kinh tế như: Công nghiệp, giao thông vận tải, vật liệu xây dựng, bất động sản… có nhu cầu chuyển đổi xanh lớn. Hay cả lĩnh vực xử lý chất thải cũng có nhu cầu chuyển đổi xanh.
“Hiện chúng ta mới tập trung đến tài chính xanh mà chưa đề cập đến các đơn vị có nhu cầu chuyển đổi để xanh, đạt mục tiêu net zero, làm thế nào để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn là nhu cầu thực tế của nhiều doanh nghiệp. Bản thân những doanh nghiệp xanh như năng lượng tái tạo tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng không hề dễ dàng, đó là nguồn vốn dài hạn, khả năng các ngân hàng cho vay cũng hạn chế. Giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng tín dụng xanh rất lớn. Room tín dụng xanh không chỉ là câu chuyện của ngân hàng mà đòi hỏi nỗ lực chung của các tổ chức, doanh nghiệp, sự chủ động của doanh nghiệp cũng như vai trò dẫn dắt, luật lệ của cơ quan quản lý”, ông Khánh nhấn mạnh.