Cuộc thi Dự án khởi nghiệp 2021: Nhiều dự án tiềm năng đã được thương mại hoá Thương mại hóa, nâng tầm cho bánh Pía |
Nhiều giải pháp thương mại hoá sản phẩm
Du khách đến với Sapa (Lào Cai) thường được người dân địa phương dẫn đến mua các sản phẩm thổ cẩm thủ công của HTX Lan Rừng với các sản phẩm đa dạng và phong phú như trang phục truyền thống của các dân tộc, túi, khăn, gối… được thêu dệt tỉ mỉ và vô cùng khéo léo. Hơn 15 năm xây dựng và giữ gìn, phát triển văn hóa thổ cẩm, các sản phẩm của Lan Rừng đã được các du khách nước ngoài rất ưa chuộng và mua làm quà mỗi khi đến tham quan và du lịch tại Sapa.
Các sản phẩm của thổ cẩm Lan Rừng |
Ông Võ Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng cho biết, Sapa là một mảnh đất du lịch gắn liền với hình ảnh của đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng cao. Văn hóa thổ cẩm dường như cũng gắn liền với văn hoá địa phương từ đó.
Ban đầu, Lan Rừng không có ý định xây dựng thương hiệu bởi Làng thổ cẩm Lan Rừng Sapa vốn là nơi trải nghiệm gắn kết của nghề se lanh, dệt vải, may vá, thêu thùa chứa đựng những giá trị văn hóa của nhiều sản phẩm thổ cẩm truyền thống bà con các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó... sinh sống dọc theo dãy núi Hoàng Liên. Tức là se lanh, dệt vải đã gắn bó với người dân nơi đây như một phần của cuộc sống.
Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm thổ cẩm của Lan Rừng là sợi cây đay (cây lanh) có sẵn tại địa phương. Để có sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều các công đoạn tỉ mỉ và vô cùng kì công như tuốt đay, se sợi, dệt, nhuộm vẽ sáp ong, thêu... Nếu như một số làng nghề thổ cẩm đã hiện đại hóa việc dệt nhuộm bằng các loại máy móc thì tại Làng Thổ cẩm Lan Rừng vẫn giữ được quy trình sản xuất truyền thống.
Cho đến khi Sapa bắt đầu mở cửa và phát triển du lịch, khi cơ sở hạ tầng của Sa Pa bắt đầu phát triển và nhu cầu trang trí nội thất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay, nhà hàng gắn liền với văn hóa bản địa ngày càng nâng cao, Lan Rừng mới có ý thức phát triển những sản phẩm thổ cẩm của mình nổi bật lên.
“Ví dụ như trước đây, những sản phẩm chỉ đặc thù là quà tặng nhưng bây giờ thì nâng lên trở thành sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn. Đó là sản phẩm decor trang trí nội thất, làm sofa hay trang trí trong phòng khách sạn…”, ông Võ Văn Tài chia sẻ. Đây là cách để thương mại hoá hiệu quả các sản phẩm của doanh nghiệp nói riêng và cả làng thổ cẩm Lan Rừng nói chung.
Không giống như nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác thường dễ tìm đường xuất khẩu, các sản phẩm của Lan Rừng khá khó khăn để xuất khẩu bởi có những đặc thù rất riêng.
Cụ thể, do làm hoàn toàn thủ công nên hàng sản xuất ra không thể giống nhau hoàn toàn. Dưới tay nghề của bà con, chất lượng hàng hoá cũng không để đồng đều 100%. Trong khi đó, để xuất khẩu được thì hàng hoá phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn rất cao của thị trường nước ngoài, đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Do đó, Lan Rừng đặt mục tiêu chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu tại chỗ cho du khách. Bởi vì hiện nay, tại thị trường trong nước có rất nhiều khách hàng thích dùng sản phẩm thổ cẩm để trang trí nội thất. Đây là cơ hội để vừa tiêu thụ vừa quảng bá sản phẩm.
Thổ cẩm được làm hoàn toàn thủ công |
Bên cạnh đó, 5 gian hàng ở phố Cầu Mây, thị xã Sapa và Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch Lào Cai đã được mở để phục vụ du khách. Ngoài phục vụ khách du lịch mua lẻ tại hệ thống các cửa hàng, gian trưng bày, sản phẩm của Lan Rừng còn xuất khẩu sang thị trường các nước Úc, Mỹ theo một số đơn đặt hàng của du khách với các sản phẩm là đồ trang trí nội thất gia đình, nhà hàng, khách sạn, quà tặng lưu niệm…
HTX hiện có hơn 100 thành viên tham gia; chủ yếu ở các bản Tả Van, Tả Phìn, Trung Chải, Lao Chải, Cát Cát. Thu nhập từ làm nghề và phát triển du lịch giúp bà con có cuộc sống ổn định.
Giữ gìn văn hoá truyền thống
Hiện nay, khi du khách đến với Sa Pa hay các địa phương khác của vùng Tây Bắc, có thể thấy thiết kế trong nhiều phòng ở đều có hơi hướng thổ cẩm. Khi Lan Rừng đi tới vùng nào, ở khu vực nào thì sẽ dựa theo văn hóa nơi đó để thiết kế sản phẩm.
Ví dụ như ở Sa Pa thì làm theo văn hóa của người Mông, người Dao; lên Điện Biên thì làm theo văn hoá của người Thái… Đấy là cách mà Lan Rừng truyền tải được văn hóa, sản phẩm để cho khách trong nước cũng như là khách quốc tế và đặc biệt là các bạn trẻ sẽ hiểu hơn được về ngành thủ công đặc thù ở miền núi như thế nào.
Hiện tại, Lan Rừng đang hướng tới xây dựng một khu đặc thù nghề của đơn vị, để cho các bạn học sinh, các bạn trẻ, du khách trong và ngoài nước đến đến đây được trải nghiệm cách làm nghề thổ cẩm như tập dệt, tập thêu hoặc tập vẽ sáp ong trên những tấm vải, tập nhuộm chàm… Khi làm ra những sản phẩm đó thì du khách cũng có thể là mang về để làm quà. Đây cũng là cách giúp vừa kinh doanh được sản phẩm, vừa phát triển du lịch, vừa truyền bá được văn hóa thổ cẩm địa phương ra thế giới.