Thứ hai 18/11/2024 10:19

Cuộc thi Dự án khởi nghiệp 2021: Nhiều dự án tiềm năng đã được thương mại hoá

Sau 4 ngày tranh tài đầy kịch tính, vòng bán kết 2 bảng A và B cuộc thi Dự án khởi nghiệp với chủ đề “Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 - 2021” đã khép lại, Ban tổ chức cuộc thi đã chọn ra 22 dự án xuất sắc nhất vào chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp 2021, sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 12 tới đây.

Trong 4 ngày 22 - 25/11/2021, Cuộc thi Dự án khởi nghiệp với chủ đề “Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7”, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) và Công ty Cổ phần Vinamit đồng tổ chức diễn ra vòng bán kết 2 bảng A và B. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên chương trình được tổ chức bằng 2 hình thức online và số ít dự án tại TP. Hồ Chí Minh thi trực tiếp tại Trung tâm BSA.

Thí sinh trình bày dự án tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp với chủ đề “Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 – 2021"

Tại vòng thi này, 28 dự án ở bảng A gồm các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp lần đầu tham gia cuộc thi. Các dự án đến từ 19 tỉnh thành trên cả nước. Một số dự án đáng chú ý tại vòng thi này gồm: “Nâng cao giá trị mắm chao cá Mè Vinh, tái chế phế phẩm cá trong sản xuất” (An Giang); COBOTÉ - ứng dụng giá trị dừa vào sản phẩm chăm sóc cá nhân (Bến Tre); Chả rươi từ thiên nhiên Vĩnh Bảo (Hải Phòng); Xây dựng quy trình khép kín sản xuất Sapoche treo gió (Lâm Đồng); Sợi lá dứa ECOSOI - nguyên liệu bền vững - thời trang cao cấp (Nghệ An); hay Mật chuối Tabai - nâng cao giá trị trái chuối Việt và hỗ trợ đồng bào dân tộc Raglai; và Thịt thay thế - meat substitute (đều của TP. Hồ Chí Minh).

Kết thúc phần trình bày của 28 dự án thuộc bảng A, Hội đồng giám khảo cuộc thi Dự án khởi nghiệp đã tổng hợp, phân tích, đánh giá tổng thể để lựa chọn những dự án xuất sắc nhất. Kết quả, có 9 dự án đến từ 6 tỉnh thành đi tiếp vào chung kết.

Dự án Thịt thay thế - meat substitute của TP. Hồ Chí Minh lọt vào vòng chung kết

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các dự án tham dự tại bảng A đều có những điểm khá thú vị, đều có tiềm năng lớn. Một số dự án đã thương mại hóa trên thị trường, mang lại doanh thu hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi tháng. Ông Ngô Đình Dũng - Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp quản trị tổng thể ISM, thành viên giám khảo lần thi này - cho rằng, một số dự án có tiềm năng tốt. Tuy nhiên, phần lớn các dự án vẫn còn ở giai đoạn đầu, tập trung chủ yếu vào việc phát triển sản phẩm. Việc thương mại hóa để cho sản phẩm đi xa chưa được đầu tư nhiều. Phần trình bày cần nhiều hơn những thông tin về thương mại hóa sản phẩm, thị trường, phân khúc khách hàng hay cả về doanh thu… để thuyết phục được các giám khảo.

“Thực sự thì các dự án ở vòng bán kết tại bảng A năm nay rất thú vị, có nhiều ý tưởng tốt, có khả năng thực thi. Mới bắt đầu khởi nghiệp, nên các chủ dự án sẽ có nhiều cơ hội phát triển trên thị trường và thành công nhờ vào sự hỗ trợ của các DN đối tác, các nhà khoa học và kết hợp với đội ngũ các chuyên gia của Trung tâm BSA. Lần đầu ngồi ở vị trí giám khảo cuộc thi, tôi cảm thấy rất vui khi được tiếp xúc với các bạn dự thi và hi vọng có thể đồng hành, hỗ trợ dự án của các bạn trong thời gian tới” - Giám khảo Nguyễn Thị Mai Hương - Trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, đồng sáng lập Saigon Sourdough chia sẻ.

Nhiều dự án khởi nghiệp được thương mại hoá rộng rãi trên thị trường

Trong khi đó tại bảng B, có 37 dự án tham gia từng đoạt giải thưởng cao tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp ở 6 mùa thi trước. Trong đó, có những dự án đáng chú ý như Du lịch C2T (Bến Tre), quán quân mùa thi 2018; Bột rau sấy lạnh (TP. Hồ Chí Minh) vô địch mùa thi 2019; Mật hoa dừa Sokfarm, giải nhất năm 2020… và nhiều DN khởi nghiệp đang tham gia tại phiên chợ Xanh - Tử tế. Với bảng thi này, các dự án tham gia phần thi kể những câu chuyện về quá trình kinh doanh trong những năm qua, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Kết quả, Hội đồng giám khảo cuộc thi chọn 13 dự án đi tiếp vào chung kết.

Trong số 13 dự án đi tiếp, TP. Hồ Chí Minh có 3 dự án thuộc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam của Phan Minh Tiến, Công ty TNHH XNK Thiên nhiên Việt của Nguyễn Ngọc Hương và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare của Nguyễn Thanh Hiền. Trong đó, Ngọc Hương và Minh Tiến là 2 nhân vật lần lượt đoạt giải nhất và nhì mùa thi 2019. Dự án Du lịch C2T, do Võ Văn Phong (Bến Tre) sáng lập và vận hành đoạt giải nhất mùa thi 2018 cũng giành vé vào chung kết. Quán quân mùa thi 2020 là Phạm Đình Ngãi, CEO Công ty TNHH Trà Vinh Farm (mật hoa dừa Sokfarm) cũng nằm trong top 13 dự án xuất sắc tại bảng thi này. Đồng Tháp và Ninh Thuận cùng có 2 dự án vào chung kết. Số còn lại thuộc các tỉnh, thành như Bến Tre, Cà Mau, Đắk Lắk, Hà Giang và Hải Phòng.

Khác với bảng A, các dự án bảng B đã chia sẻ những câu chuyện vượt khó trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 và các hoạt động trong năm 2021. Không ít DN từng phát khóc, bế tắc tưởng chừng không lối thoát, nhưng họ đã nỗ lực, tìm cách xoay trở để duy trì dự án, chờ đợi cơ hội để vươn lên. Đáng chú ý, nhiều DN tìm cách để tái định hình các hoạt động, chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách truyền thông, nâng cấp sản phẩm thông qua các tiêu chuẩn để tăng tính cạnh tranh, cắt giảm chi phí… để thích ứng. Những câu chuyện, những kinh nghiệm do các dự án chia sẻ tại vòng thi này giúp ích rất nhiều cho các dự án tham gia tại cuộc thi năm nay.

Nhiều dự án khởi nghiệp tiềm năng lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp năm 2021

Giám khảo Nguyễn Lâm Viên - CEO Công ty CP Vinamit - nhìn nhận rằng, các chủ dự án tại vòng bán kết ở bảng B rất bản lĩnh, thích nghi và kịp thời ứng biến trước khó khăn của đại dịch. Việc họ phải thay đổi cả phương thức kinh doanh để thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời ủ mưu chờ cơ hội phục hồi trở lại. Điều này ở các thế hệ khởi nghiệp trước đây không có nhiều.

Trong khi đó, theo giám khảo Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN HVNCLC, dịch Covid-19 đã làm cho cuộc sống của chúng ta thay đổi quá nhiều. Cuộc thi năm nay cũng thay đổi luôn cả hình thức trình bày bài thi. Những năm trước, khi tổ chức offline, các dự án còn trưng bày, triển lãm sản phẩm, được gặp gỡ, giao lưu với nhau thì năm nay, hình thức thi được chuyển thành online, chỉ số ít tham gia offline. Điều này dẫn đến một số bất cập đối với các bạn chưa quen về kỹ thuật, nhưng đây lại là cơ hội để các chủ dự án làm quen với nhiều giải pháp, thực hiện nhiều hình thức trình bày bài thi bằng powerpoint, video clip…

“Qua những câu chuyện, tôi thấy rằng các bạn ngày càng trưởng thành. Nói chung, cuộc thi năm nay, trình độ của các bạn có tiến bộ hơn. Điều này do một phần cả xã hội đang tập trung hỗ trợ cho lực lượng các bạn trẻ khởi nghiệp, thêm một lý do khác nữa là chúng ta đã kiên trì tổ chức hàng loạt những buổi tập huấn trong suốt thời gian qua thông qua các lớp online. Xét về trình độ và kiến thức quản trị của các bạn cũng được nâng cao, nguyên vật liệu, quy trình sản xuất và đặc biệt là hiểu biết về hành vi của người tiêu dùng được các bạn hiểu sâu hơn và thực hành tốt hơn những năm trước”, bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.

Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo bắt đầu từ năm 2015, đến nay, cuộc thi bước vào năm thứ 7. Cuộc thi nhằm mục đích cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên nông thôn nói riêng trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển tài nguyên bản địa, hình thành các sản phẩm đặc trưng, tham gia hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Minh Khuê
Bài viết cùng chủ đề: Khởi nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Thừa Thiên Huế: Trao giải Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024

Vòng chung kết Khởi nghiệp Xanh 2024 tại TP. Hồ Chí Minh có gì mới và đặc biệt?

Tìm ra quán quân Cuộc thi Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp năm 2024

Cơ hội nhận 10.000 USD từ chương trình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng

Đà Nẵng xúc tiến đầu tư đổi mới sáng tạo với Hàn Quốc và Singapore

Sắp diễn ra Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – SURF 2024

Khát khao đưa sản phẩm ớt rừng mang thương hiệu ''quê'' tới cộng đồng

Chi 35.000 USD tiền thưởng cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo về hiệu quả năng lượng

Giai đoạn 2024-2027, tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội thu được lợi ích lớn nhờ chuyển đổi số

Cuộc thi Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp 2024: Nhiều ý tưởng được đầu tư thiên thần

Khởi nghiệp với sản phẩm chả ống tre độc đáo, chàng trai thu về tiền tỷ mỗi năm

MEGA US EXPO 2024 - kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc

Bình Phước: Khởi nghiệp với cốm gạo, cô gái 9x đoạt nhiều giải thưởng quốc tế

Kawai Startup Fair 2024: Ấn tượng với các màn gọi vốn

Startup Việt - Breezing.in tạo dấu ấn tại SaiGon Summit 2024

Điểm danh 3 Startup Việt Nam toả sáng tại sân chơi công nghệ InnovFest

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và câu chuyện khởi nghiệp của nhà khoa học trẻ

Phát động Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh phát triển bền vững lần thứ 10

Thừa Thiên Huế: 5 lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nào được ưu tiên đầu tư?