Chuỗi cung ứng lạnh sẽ khuấy động ngành logistics năm 2021? Thị trường chuỗi cung ứng lạnh: Khoảng trống tỷ đô Hoàn chỉnh chuỗi cung ứng lạnh để nâng giá trị sản phẩm |
Nhu cầu lớn đối với hệ thống kho lạnh
Theo một thống kê gần đây của ngành nông nghiệp, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu). Với số lượng kho lạnh hiện nay, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.
Hiện cung ứng lạnh tại Việt Nam còn thiếu và chưa có nhiều nhà đầu tư |
Đáng chú ý, theo JLL Việt Nam, nguồn cung kho lạnh chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam do nhu cầu lớn, trong đó, khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Kho lạnh thương mại đầu tiên được xây dựng năm 1996 bởi Konoike Vinatrans, một liên doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tới năm 1998, Swire Cold Storge của Úc xây dựng một trong những kho lạnh hiện đại nhất thời bấy giờ. Năm 2007, Công ty Cổ phần Hùng Vương xây dựng hai kho lạnh với tổng sức chứa là 40.000 tấn hàng. Những doanh nghiệp khác có thể kể đến LOTTE Sea (2009) và Preferred Freezer Services (2010).
Ông Đặng Phúc Nguyên- Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam- chỉ ra: Gần đây khi đại dịch vẫn còn căng thẳng ở các quốc gia trên thế giới đã khiến việc luân chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng là giá cước thuê container chở hàng đã liên tục tăng phi mã gấp 7-8 lần so với hồi đầu giữa năm 2020. Việc xuất khẩu bị chậm lại đã khiến cho hàng nông sản, trái cây tươi bị hư hỏng bởi thiếu kho lạnh.
Không riêng rau quả, với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản- dù Việt Nam là nước lớn thứ ba trên thế giới, và cũng là ngành chiếm nhiều diện tích kho lạnh nhất. Song theo bà Trang Bùi - Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, 30% đến 50% đơn đặt hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy dẫn đến hàng tồn kho leo thang và các kho lạnh phải hoạt động công suất tối đa.
Theo các chuyên gia, nguồn cung bị hạn chế một phần là do các cơ sở kho lạnh cần nhiều thời gian xây dựng hơn các loại bất động sản hậu cần khác. Việc xây dựng các kho bảo quản lạnh sẽ phức tạp và tốn kém hơn so với các kho tiêu chuẩn. “Chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp hai đến ba lần so với nhà kho thông thường và quá trình xây dựng có thể lâu hơn đến sáu tháng. Bên cạnh đó là thời hạn thuê thường kéo dài từ 15 năm đến 20 năm khiến nguồn cung đã khan hiếm càng khan hiếm hơn,” bà Trang phân tích.
Ngoài vấn đề trên, gần đây tỷ lệ dân số và tầng lớp trung lưu tăng nhanh cũng làm tăng nhu cầu mua thực phẩm tươi ngon. Đó là chưa kể khi đại dịch bùng phát mạnh thì nhiều người tiêu dùng chuyển sang “đi chợ” trực tuyến và ghé các siêu thị với tần suất ít hơn cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy nhu cầu về kho lạnh.
Từ đó bà Trang cho rằng, với chuỗi cung ứng lạnh không tập trung và hầu hết được điều hành bởi các nhà cung cấp vừa và nhỏ, các trung tâm kho lạnh là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà khai thác tại đây. Với những tiềm năng nói trên, đầu tư vào kho lạnh đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư bất động sản, cả các quỹ đầu tư mạo hiểm và bên cho vay. Các nhà đầu tư cũng đang cân nhắc kho lạnh như một khoản đầu tư thay thế cho bất động sản công nghiệp truyền thống.
Cần thêm cú huých về chính sách để thúc đẩy đầu tư
Tuy vậy, để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, chuyên gia nhận định, ngành hậu cần của Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức. Lý giải cụ thể, chuyên gia của JLL Việt Nam chỉ ra rằng, việc đầu tư kho lạnh cho mỗi ngành đều có những đặc thù riêng để tối ưu chi phí và đạt hiệu quả tốt nhất. Chẳng hạn, kho lạnh chứa thủy sản sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi nằm trong khoảng cách 50 km đến các cảng; các mặt hàng như rau quả nên được bố trí nằm gần các khu đô thị. Lấy tình hình cấp bách của Úc làm ví dụ. Theo Liên minh Chuỗi lạnh toàn cầu ước tính cần có 0,15 mét khối kho lạnh trên mỗi người dân thành thị, thì tại Úc chỉ đạt được khoảng một nửa con số trên.
Do đó, để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics công nghiệp, trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí đi trước các nước khác, cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam, bao gồm cả thời gian và chi phí, vẫn cần cải tiến đáng kể. Chi phí giao dịch qua biên giới, như chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.