Chuỗi cung ứng mát – lạnh sẽ giúp bảo quản thực phẩm, hạn chế thất thoát và gia tăng giá trị |
Theo đánh giá của các chuyên gia, đặc điểm của thực phẩm Việt Nam rất ngon, phong phú và rất tươi, ít qua chế biến. Tuy nhiên, chuỗi thực phẩm Việt Nam lại đang có nguy cơ bị thất thoát cao so với các quốc gia trong khu vực do hiện tượng "gãy, đứt đoạn" trong cung ứng lạnh - mát.
Chứng minh thực tế cho thấy khi thực hiện khảo sát với 150 nông dân ở những vùng địa lý khác nhau, tỉ lệ thất thoát của thực phẩm Việt Nam khá cao và có sự khác nhau giữa các nhóm hàng. Trong đó, mặt hàng rau quả có tỉ lệ thất thoát đến 32%, cao hơn mức trung bình của châu Á là 29%, ở nhóm thịt là 14%, thủy hải sản là 12%, chủ yếu thất thoát ở khâu sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Mức thất thoát thực phẩm khá cao này khiến một lượng thực phẩm lớn, ước tính gần 50% không bao giờ đến được người tiêu dùng, và lượng này lại gây ra sự ô nhiễm.
Ông David Appel, Chủ tịch Carrier Transicold & Refrigeration Systems cho biết cơ hội để cắt giảm lãng phí thực phẩm và cải thiện việc phân phối thực phẩm hiệu quả hơn sẽ được thực hiện thông qua ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh- mát trên chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng thành công và hiệu quả nhất, chúng ta rất cần phải hiểu nhu cầu thực tế tại từng địa phương, thị trường.
Theo nhận định của các DN phân phối lớn, thị trường logistics cung ứng lạnh-mát tại Việt Nam chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ vừa- nhỏ phục vụ rời rạc cho một số điểm hay khu vực và chưa thể cung cấp trọn gói cho toàn chuỗi thực phẩm. Hiện tượng “đứt đoạn” trong cung ứng lạnh- mát tại Việt Nam là khá phổ biến trong ngành bán lẻ, thực phẩm, đặc biệt là trên kênh thương mại truyền thống chiếm 86% giá trị đóng góp cho bán lẻ tại Việt Nam như chợ, cửa hàng tạp hóa, chuỗi quán ăn, nhà hàng, hệ thống phân phối.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng cho chuỗi nông sản thực phẩm còn yếu, vùng sản xuất thiếu kho lạnh, khâu vận chuyển cũng thiếu các thiết bị bảo quản lạnh. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu thường phải tự đầu tư kho lạnh rất tốn kém trong khi sản phẩm hàng hóa chỉ theo mùa vụ. Tình trạng này cho thấy, đang thiếu các nhà cung cấp kho lạnh chuyên nghiệp cho các DN sản xuất.
TS. Đào Thế Anh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết- trong chuỗi cung ứng lạnh của Việt Nam, mặt hàng thủy sản do chủ yếu được xuất khẩu, nên khâu lạnh được hiện đại hóa. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản khác chủ yếu là xuất khẩu thô, thì khâu bảo quản lạnh còn kém, dẫn đến thất thoát sau thu hoạch tương đối lớn. Vì thế đầu tư bảo quản lạnh là điều kiện bắt buộc trong quá trình hội nhập toàn cầu nhằm tăng giá trị cho sản phẩm, giúp sản phẩm giữ được độ tươi ngon lâu hơn, giữ được giá trị. Do đó, các bộ, ngành liên quan cần quy hoạch phân bố hậu cần kho lạnh nằm ở vùng nào cho phù hợp với từng sản phẩm ngành hàng.
Từ phía DN cũng nhìn nhận để bảo đảm chất lượng sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng cần có sự chung tay của cả chuỗi cung ứng lạnh, từ xử lý làm mát tạm thời sau thu hoạch, đến lưu trữ trong kho lạnh, rồi vận chuyển và trưng bày tại cửa hàng.
Ông Julien Brun, Quản lý đối tác của công tư vấn CEL cho biết- chống thất thoát, lãng phí thực phẩm có nhiều cách, trong đó có bảo quản hàng hóa. Các DN cần xem chuỗi cung ứng lạnh để giữ nguyên giá trị sản phẩm đặc biệt là sản phẩm tươi sống, nó không phải là chi phí tăng thêm để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.