Thị trường lao động: Tín hiệu tích cực đầu năm mới Thị trường lao động nhộn nhịp sau Tết |
Tín hiệu tích cực từ đầu năm
Nhiều năm trước, sau Tết là thời điểm không ít người lao động hối hả tìm việc mới thì năm nay để đáp ứng các đơn hàng sản xuất nhiều doanh nghiệp lại phải tìm người.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – chia sẻ: Vừa qua ông có xuống thăm một số cơ sở sản xuất kinh doanh, có đơn vị không tuyển được người lao động, thậm chí nơi cần tuyển tới 2.000 người lao động nhưng cũng chỉ tuyển được 800 người. Bên cạnh việc cắt giảm lao động trong năm 2023 thì nhiều doanh nghiệp phục hồi từ cuối năm 2023, đầu năm 2024 do có đơn hàng giúp thị trường lao động triển vọng tích cực hơn.
Thị trường lao động Việt Nam đang có những tiến triển nhất định |
Ghi nhận của phóng viên tại tỉnh Bắc Giang, trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, ngoài một số doanh nghiệp làm việc xuyên Tết thì ngay sau khi kỳ nghỉ Tết kết thúc hầu hết người lao động đã quay trở lại làm việc.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, những doanh nghiệp có lao động đi làm xuyên Tết Nguyên đán do có nhiều đơn hàng phải thực hiện gấp và duy trì máy móc hoạt động thường xuyên. Người lao động làm việc trong dịp Tết đều được doanh nghiệp chi trả tiền lương, chế độ bảo hiểm theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; ngoài ra, còn được nhận lì xì đầu năm và tiền thưởng lao động chuyên cần nên yên tâm sản xuất.
Tổng hợp của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho biết, có 22 doanh nghiệp làm việc trong những ngày nghỉ Tết, với trên 1.843 công nhân lao động; trong những ngày làm việc công nhân lao động được doanh nghiệp trả từ 300 - 400% lương.
Là đơn vị trong năm 2023 nhiều lao động gặp khó khăn do thiếu việc làm thì những tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Giang thép Thái Nguyên – TISCO có nhiều tín hiệu tích cực. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại diện công ty cho biết, năm nay, người lao động phải làm việc xuyên Tết để đảm bảo sản xuất. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đảm bảo việc làm cho 100% người lao động.
Còn tại Tổng công ty May 10, ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 – thông tin: “Năm 2024 tình hình kinh tế thế giới còn bất định, tuy nhiên quý I/2024 đã có tín hiệu tốt hơn năm trước. Thời điểm hiện tại, May 10 đã có đơn hàng hết tháng 4/2024, một số chủng loại sản phẩm như veston có đến hết quý II/2024”.
Thực tế hai tháng đầu năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế của đất nước. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính chung hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,3 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 2 tháng đầu năm nay có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 04 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%; hầu hết các mặt hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng; có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng ở mức hai con số, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng tới 43,8%; sắt thép tăng 45,4%; giầy dép tăng 18,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,9%; hàng dệt may tăng 15%...
Đơn hàng gia tăng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng đồng nghĩa với việc các nhà máy sản xuất luôn sáng đèn, người lao động đảm bảo đủ ngày công, thậm chí là làm tăng ca để kịp tiến độ giao hàng.
Kỳ vọng mới
Sự khởi đầu thuận lợi trong hai tháng đầu năm, với việc các đơn hàng gia tăng, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng như thị trường lao động trong năm 2024.
Với tinh thần vượt khó, May 10 quyết tâm đạt thành tích cao trong năm 2024, với mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng vượt 6,6% so với năm 2023; lợi nhuận 130 tỷ đồng vượt 5,7 % so với năm 2023; thu nhập bình quân 9.500.000 đồng/người/tháng tăng 2,7% so với năm 2023.
Trong năm 2024, đơn vị này dự kiến mở rộng xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN, Canada, Hàn Quốc bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản; đồng thời đưa ra nhiều biện pháp để không ai phải nghỉ làm, nhằm đảm bảo thu nhập cho người lao động cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Là một trong những địa phương tập trung đông công nhân lao động, qua công tác phân tích, dự báo thị trường, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - nhận định, dự kiến, tuyển dụng trong giai đoạn đầu năm 2024 của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 100.000-120.000 lao động, xu hướng tuyển dụng sẽ rất đa dạng phân bố trên nhiều ngành nghề.
Trong những tháng đầu năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã phối hợp với các cơ quan, địa phương trên địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, nắm bắt kịp thời tình hình lao động, việc làm sau kỳ nghỉ Tết tại doanh nghiệp, nhất là khu công nghiệp để có giải pháp thu hút lao động quay trở lại làm việc...
Nhận định bức tranh việc làm năm 2024, giới chuyên gia đánh giá, sẽ khởi sắc hơn do doanh nghiệp dần thích nghi với tình hình mới, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam. Tuy nhiên trong thời đại công nghệ, người lao động cần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm, ngoại ngữ nếu muốn có được công việc lâu dài. Thực tế hiện nay đã có doanh nghiệp FDI đặt ra cả yêu cầu về ngoại ngữ trong tuyển dụng, điển hình là doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, trong quý I/2024, khoảng 51,7 triệu người có việc làm, tăng 217.000 người so với quý IV/2023. Ba ngành nghề dự báo có nhu cầu tăng việc làm, là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%. Những ngành nghề giảm việc làm được dự báo: In, sao chép bản ghi các loại giảm 13%; hoạt động xây dựng chuyên dụng giảm 5,4%; sản xuất thiết bị điện giảm 3,2%. |
Bài 2: Hướng tới thị trường lao động ổn định, bền vững