"Làn sóng" khả quan
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư mới cho 20 dự án với tổng số vốn trên 10.000 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án với số vốn trên 989 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 890 dự án, với tổng số vốn đăng ký 86.557 tỷ đồng.
Triển khai các dự án đầu tư thu hút FDI chất lượng cao tại Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên |
Trong đó, đáng chú ý là các dự án quan trọng với mức đầu tư lớn, góp phần tạo điều kiện, cơ hội để tiếp tục thu hút các dự án mới, như Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công Sông Công II, giai đoạn 2, với diện tích trên 296 ha, tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số dự án được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ tạo “cú hích” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Nhà máy may Thagaco Smart Green Định Hóa với tổng mức đầu tư gần 789 tỷ đồng; Trạm biến áp 220kV Phú Bình và đường dây 220kV Phú Bình nhánh rẽ Thái Nguyên - Bắc Giang có tổng mức đầu tư 620 tỷ đồng...
Về mặt thu hút vốn FDI, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 16 dự án mới, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI đăng ký vào các khu công nghiệp đạt 509,5 triệu USD, vượt kế hoạch năm và tăng 180,6% so với cùng kỳ.
Tính đến nay, tỉnh có 220 dự án FDI hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 11,26 tỷ USD, trong đó có những dự án đáng chú ý như sản xuất tấm silic đơn tinh thể và pin năng lượng mặt trời của Trina Solar Cell Việt Nam với mức đầu tư trên 450 triệu USD, PVC Huali Việt Nam tại khu công nghiệp Điềm Thụy với tổng vốn 40 triệu USD, và Nhà máy KHVATEC Thái Nguyên tại khu công nghiệp Yên Bình với tổng vốn 25 triệu USD.
Dư địa lớn, triển vọng cao
Theo ông Lê Kim Phúc - Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế, Thái Nguyên đang triển khai mạnh mẽ những chính sách thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đã tạo được những ấn tượng và sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên luôn cam kết mạnh mẽ và quyết liệt về chính sách thu hút đầu tư với quan điểm nhất quán, luôn tạo điều kiện và ứng xử công bằng với tất cả các nhà đầu tư, sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư bất kể mới hay cũ, đầu tư trong hay ngoài khu công nghiệp đều sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành trong quá trình thực hiện, triển khai các dự án.
Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên - Doanh nghiệp FDI điển hình tại Thái Nguyên. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên |
Với định hướng đúng đắn trong đồng hành với doanh nghiệp, Thái Nguyên đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, giao thông, dịch vụ, ưu tiên lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao để thu hút đầu tư FDI.
Trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh có 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245 ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha.
Để sớm hiện thực hóa quy hoạch, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đang tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan triển khai công tác quy hoạch những khu công nghiệp mới như: Yên Bình 2, Yên Bình 3, Tổ hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên, Tổ hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình, khu công nghiệp Thượng Đình...
Một yếu tố quan trọng trong việc thu hút vốn mới là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Thái Nguyên đã tăng cường việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho lao động trong các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển. Điều này giúp thu hút các nhà đầu tư có nguồn nhân lực chất lượng và đáp ứng được yêu cầu công việc của họ.
Đánh giá về kết quả thu hút đầu tư FDI thời gian vừa qua, ông Hà Văn Dương - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Để đạt những kết quả như trên là do các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Tỉnh đã tập trung huy động và ưu tiên các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông, đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu, cụm công nghiệp, nơi tập trung các doanh nghiệp FDI.