Tăng hàm lượng công nghệ thông tin trong triển khai công tác khuyến công
Tin hoạt động 10/12/2021 14:36
Kinh phí khuyến công giảm lượng nhưng tăng chất
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), cho hay: Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ đến nền kinh tế. Cả nước đang nỗ lực cao nhất, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) và địa phương năm 2021 tiếp tục khắc phục những khó khăn, thách thức, huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư, ổn định phát triển, khôi phục sản xuất sau đại dịch.
Hội nghị toàn quốc về công tác khuyến công và trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV- năm 2021 diễn ra với sự tham gia của nhiều điểm cầu |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao vai trò của công tác khuyến công trong phát triển chung của toàn ngành |
Theo số liệu từ Cục Công Thương địa phương, tổng kinh phí khuyến công năm 2021 của cả nước là 338 tỷ đồng, trong đó kế hoạch kinh phí KCQG là 150 tỷ đồng, kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) là 188 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về ngân sách, chương trình KCQG chỉ được giao 75,641 tỷ đồng, đạt 50% tổng dự toán năm 2021, giảm hơn 50% so với kinh phí được giao năm 2020.
Dù nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng với sự nỗ lực của các đơn vị triển khai công tác khuyến công cấp Trung ương và các địa phương, công tác khuyến công vẫn đạt được những con số đáng ghi nhận. Trong đó, đã có 739 cơ sở được hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 3000 đối tượng được đào tạo nghề, đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp (DN). Năm 2021, Cục Công Thương địa phương cũng đã tổ chức thành công kỳ Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biếu cấp quốc gia với 200 sản phẩm/bộ sản phẩm đạt và được trao giấy chứng nhận.
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do phải thực hiện giãn cách trong thời gian dài, tuy nhiên bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định: Hà Nội cơ bản không bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, DN CNNT vẫn duy trì được đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Dù không thu được lợi nhuận nhưng duy trì được sản xuất, giữ chân khách hàng là thành công đáng kể của DN CNNT trên địa bàn thành phố.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, đạt được thành tích trên, DN CNNT của thành phố được sự hỗ trợ khá toàn diện từ sản xuất, tìm thị trường đến xây dựng thương hiệu… từ công tác khuyến công.
Tương tự, Nghệ An cũng là một điểm sáng của ngành Công Thương trong năm 2021, bất chấp tác động của dịch bệnh, năm 2021 chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh dự kiến tăng 16% so với năm 2020, đạt 103,12% kế hoạch. Trong thành tích này có sự góp sức của khuyến công. 47 đề án được triển khai và hoàn thành trong năm vừa qua đã giúp các DN CNNT trên địa bàn tỉnh đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và ổn định được vị trí trên thị trường.
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương khai mạc Hội nghị toàn quốc về công tác khuyến công và trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV- năm 2021 |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao vai trò của khuyến công trong sự phát triển chung của ngành Công Thương. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, ghi nhận: Tuy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài nhưng sản xuất CNNT vẫn có đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng các đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công ngày càng tăng, quy mô sản xuất công nghiệp tại các địa phương liên tục được mở rộng. Hoạt động khuyến công góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp nói chung và CNNT nói riêng với xu hướng chuyển dịch khá rõ ràng và tích cực. Thúc đẩy mối liên kết vùng, liên kết địa phương và DN.
Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất cho khu vực nông thôn
Dù ghi nhận những đóng góp của công tác khuyến công thời gian qua, tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, cho rằng: Vẫn còn những điểm yếu cần tháo gỡ. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất chế biến tại khu vực nông thôn dù đã được quan tâm nhưng nhìn chung còn mức trung bình. Các nguồn lực về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và tiếp cận với thị trường nước ngoài... trong các cơ sở CNNT còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư đổi mới công nghệ và thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho rằng cần phân rõ đơn vị quản lý ngành nghề nông thôn để thuận lợi trong quản lý và hỗ trợ phát triển |
Hơn nữa, do tác động của dịch bệnh hàng chục triệu người bị mất việc làm, giảm thu nhập. Những cuộc di chuyển lớn của người dân về quê thời gian gần đây được nhìn nhận như một bài toán trong chương trình phục hồi kinh tế. Một yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc này là cần có giải pháp tích cực tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hợp tác xã, DN, hộ kinh doanh ngay tại khu vực nông thôn. Cần nghiên cứu tăng tỉ trọng hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở CNNT sử dụng nhiều lao động ở vùng nông thôn giúp người lao động ly nông bất ly hương, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình.
Nhiệm vụ đề ra cho các đơn vị quản lý thực hiện công tác khuyến công trong năm 2022 là chú trọng công tác chuyển đổi số và tăng cường hỗ trợ DN, cơ sở CNNT ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu đáp ứng yêu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế; xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh, có vai trò dẫn dắt các DN, cơ sở CNNT. Tăng dần số lượng các cơ sở sản xuất nhận thức được lợi ích và áp dụng sản xuất sạch hơn, giải pháp kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp.
Tăng mạnh số lượng các địa phương xây dựng và thực hiện được đề án khuyến công quốc gia điểm. Nâng cấp cơ sở dữ liệu, phần mềm phục vụ công tác thống kê số liệu và theo dõi quản lý chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công. Đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công.
“Cho dù nguồn kinh phí hỗ trợ có eo hẹp nhưng với cách làm phù hợp và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động, chúng ta vẫn có thể phát huy hơn nữa hiệu quả công tác khuyến công”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trao Bằng trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong trong công tác khuyến công giai đoạn 2014-2020 |
Đứng ở góc độ địa phương, để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác khuyến công, bà Trần Thị Phương Lan, đề xuất: Cần phân định rõ chức năng quản lý ngành nghề nông thôn giữa ngành Công Thương và Nông nghiệp nông thôn để tránh chồng chéo, thuận lợi triển khai hoạt động hỗ trợ và tăng tính trách nhiệm cho các cơ quan quản lý. Bộ Công Thương làm đầu mối số hoá cho tiểu thủ công nghiệp- làng nghề để có sự kết nối quản lý và triển khai hoạt động hỗ trợ hiệu quả. Xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực chuyên môn mạnh để triển khai công tác khuyến công.
Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương cùng chung kiến nghị: Bộ Công Thương quan tâm bố trí thêm kinh phí cho KCQG; hướng dẫn tổ chức bộ máy trung tâm khuyến công thống nhất trên cả nước; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương đại phương trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia cho một số DN tại điểm cầu Hà Nội |
Trong khuôn khổ hội nghị, Ban Tổ chức cũng đã tổ chức trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 75 tập thể, 112 cá nhân có thành tích xuất sắc trong trong công tác khuyến công giai đoạn 2014-2020. Đồng thời, trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia cho một số DN tại điểm cầu Hà Nội.