Bắc Giang nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP khu vực miền núi Quảng Nam: Xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP miền núi |
Xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu có tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm trên 50% dân số. Cây trồng đặc trưng được đồng bào Khmer nơi đây lựa chọn là hành tím vì thích ứng với thổ nhưỡng và thời gian thu hoạch nhanh.
Hiện diện tích trồng hành tím của Sóc Trăng là 6.500 ha, được định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Hành tím Vĩnh Châu có màu sắc đẹp, củ mượt, độ giòn cao, mùi cay nồng nhưng không hắc; có thể để trong một khoảng thời gian dài mà không cần chất bảo quản.
Tăng cường liên kết nhằm tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu |
Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và được trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Việc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và đạt OCOP 3 sao đã giúp quảng bá thương hiệu hành tím Vĩnh Châu cũng như nâng cao giá trị hành tím của tỉnh Sóc Trăng.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, người dân Vĩnh Châu đã áp dụng mô hình sản xuất hành tím an toàn theo hướng hữu cơ. Mô hình sử dụng phân hữu cơ trong canh tác hành tím và giảm lượng phân hóa học giúp cây hành phát triển và sinh trưởng tốt hơn, ống hành và cổ hành to hơn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Sản phẩm hành tím từ ruộng sử dụng phân hữu cơ thì củ to, tròn đều và có màu tím đẹp hơn so với ruộng trồng bằng cách truyền thống.
Đặc biệt, để tránh lặp lại điệp khúc “trúng mùa thất giá”, ùn ứ nông sản vào vụ thu hoạch rộ, Vĩnh Châu tăng cường liên kết với các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối nhằm tăng cường tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tìm đầu ra cho nông sản qua việc đẩy mạnh quảng bá, liên kết sản phẩm... Hiện nay, tại thị xã Vĩnh Châu đã có một vài doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư kho lạnh đủ điều kiện trữ nông sản hành tím trong thời điểm thu hoạch rộ, sau đó mới bắt đầu đưa ra tiêu thụ dần, tránh việc ùn ứ nông sản và giúp ổn định giá.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào biết, hiểu và thực hiện theo đúng vùng quy hoạch trồng hành; không mở rộng diện tích trồng ra các vùng khác để đảm bảo việc tiêu thụ, bán được giá cao và sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Người dân Vĩnh Châu áp dụng mô hình sản xuất hành tím an toàn |
Một tin vui đối với đồng bào Khmer trồng hành tím nơi đây là Tập đoàn TECHPAL Group đã đề xuất đầu tư dự án “Chế biến hành tím kết hợp chăn nuôi ứng dụng chuyển đổi số công nghệ cao tại Vĩnh Châu”. Theo đó, dự án có quy mô tổ hợp thu mua và chế biến nông sản 5.000m2, công suất thiết kế 5.000 tấn/năm và tổ hợp chăn nuôi tự động ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp 15.000m2, gồm: 5 trại gà thịt, 20.000 con gà/trại. Mục tiêu của dự án là thu mua, chế biến sản phẩm hành tím, sử dụng dây chuyền trang thiết bị hiện đại và được tự động hóa; tổ chức thực hiện tổ hợp trang trại chăn nuôi áp dụng tự động hóa theo mô hình chuẩn VietGAP, liên kết với các công ty chăn nuôi để thực hiện bao tiêu đầu ra.
Qua thông tin dự án TECHPAL Group đề xuất, UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ ưu đãi cho công ty về thuế cho doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất và hỗ trợ công ty xây dựng hệ thống mạng lưới điện, cầu, đường để phục vụ sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Tại Việt Nam, hành tím được trồng ở nhiều nơi nhưng trồng tập trung nhiều ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), huyện Gò Công (Tiền Giang),... Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng là tỉnh có diện tích gieo trồng hành tím lớn nhất và tập trung trồng tại thị xã Vĩnh Châu. |