Phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Sở Công Thương Bắc Ninh xây dựng, trong đó đề xuất nhiều giải pháp giúp khắc phục hạn chế, thúc đẩy CCN này phát triển nhanh và hiệu quả hơn nữa.
Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, CCN đã và đang có đóng góp quan trọng trong sản xuất công nghiệp nói riêng và kinh tế Bắc Ninh nói chung. Hiện, 23/37 CCN trong quy hoạch của Bắc Ninh đã được đầu tư đi vào hoạt động, thu hút nhiều doanh nghiệp thứ cấp, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động. Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp của các CCN đạt 2 con số mỗi năm, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Việc phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Bắc Ninh vẫn còn nhiều bất cập |
Bên cạnh mặt tích cực, việc phát triển CCN cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, cơ sở hạ tầng của phần lớn CCN, như: Đường giao thông nội bộ, cây xanh, các công trình xử lý rác thải, nước thải... chưa đồng bộ, hoàn chỉnh. Vẫn tồn tại CCN gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại làng nghề. Công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cũng còn điểm chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao, thậm chí buông lỏng ở một số cụm.
Nguyên nhân của hiện trạng trên được xác định là do các CCN trên địa bàn hình thành sớm, trước khi có các văn bản, quy định, hướng dẫn cụ thể của Chính phủ nên trong quá trình phát triển đã tồn tại một số vướng mắc khó giải quyết. Việc tồn tại các mô hình quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng CCN chưa phù hợp với quá trình vận hành, ảnh hưởng đến hoạt động của CCN. Trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều mô hình chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN, nhất là các cụm do UBND cấp xã làm chủ đầu tư không phù hợp quy định. Cùng đó là thiếu cơ chế hấp dẫn cho nhà đầu tư khi tham gia đầu tư hạ tầng.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Sở Công Thương Bắc Ninh đang chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Phương án phát triển CCN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề xuất một số giải pháp.
Về chính sách, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN để xử lý vấn đề môi trường. Hạn chế tiến đến dừng việc cấp giấy phép mới các dự án sản xuất nguyên vật liệu phát thải gây ô nhiễm môi trường cao. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng cho tiêu dùng.
UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi CCN để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tổ chức thực hiện phương án chuyển đổi và tháo gỡ khó khăn vướng mắc về quy hoạch, đất đai, xây dựng, doanh nghiệp ...
Về cơ chế quản lý chuyển tiếp, đối với CCN do UBND cấp xã đang làm chủ đầu tư sẽ thành lập tổ chức quản lý khai thác hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ công; ở nơi có điều kiện có thể thực hiện hình thức đấu thầu, giao doanh nghiệp tư nhân quản lý. Đối với CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành, doanh nghiệp đang làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chưa có quyết định thành lập hoàn thiện hồ sơ thành lập…
Phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn từ năm 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên quan điểm phát triển bền vững các CCN gắn với chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp địa phương theo chiều sâu; nâng cao giá trị gia tăng, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. |