Lễ hội là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Việt Nam nói chung và khu vực Tây Nam bộ nói riêng. Nhưng làm thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát huy các giá trị, tiềm năng và lợi thế để lễ hội trở thành một trong những sản phẩm góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương? Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng khoa Văn hóa học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) về vấn đề này.
Xin ông cho biết những nét đặc sắc trong văn hóa, tín ngưỡng tại khu vực Tây Nam bộ?
Có thể nói văn hóa Nam bộ là sự kéo dài và sự thay đổi theo hướng địa phương hóa của văn hóa Việt Nam. Về cơ bản thì văn hóa ở Nam bộ vẫn được xây dựng trên nền tảng của văn hóa người Việt, nhóm nhân vật chủ thể. Tuy nhiên, với điều kiện tự nhiên và sự đa dạng trong tộc người khiến văn hóa Nam bộ có sự địa phương hóa, điều này tạo nên tính đa dạng.
Sự đa dạng trong văn hóa tộc người giúp khu vực này cũng đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán và lễ hội. Điều đặc biệt ở văn hóa Nam bộ là trên trục văn hóa người Việt thì các dòng văn hóa khác vận động, giao lưu, tích hợp vào nhau, tạo nên phong thái văn hóa Nam Bộ rất đa dạng nhưng vẫn thống nhất với văn hóa toàn quốc. Đồng thời cũng thể hiện được sự dung hòa, tính cởi mở và đặc biệt gắn kết các thành viên, các cộng đồng từ nhiều vùng đất khác để cùng hòa chung vào niềm vui chung của các cộng đồng dân tộc và tổng thể văn hóa Nam Bộ.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ |
Sự đa dạng trong văn hóa, tín ngưỡng, các lễ hội đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển kinh tế của vùng, thưa ông?
Hiện nay chính quyền các địa phương cũng rất quan tâm đến việc là bảo tồn nguồn di sản văn hóa này. Tuy nhiên, để có thể duy duy trì được và phát huy tính hiệu quả của nó thì phải gắn liền với trục phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch. Có thể thấy, một số lễ hội hiện nay đang được gắn sâu với kế hoạch phát triển kinh tế du lịch của các địa phương như Lễ hội bà chúa Xứ núi Sam, lễ hội Nghinh Ông ở Phan Thiết, lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ, lễ hội bà Thiên Hậu ở Bình Dương… và rải rác khắp miền Tây Nam bộ cũng có những lễ hội như vậy. Những lễ hội này đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của kinh tế địa phương. Bởi khi đến các lễ hội, du khách sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động mua sắm, từ đó góp phần giúp các sản phẩm làng nghề, sản phẩm công nghiệp địa phương cũng phát triển theo.
Trong tương lại, tôi tin rằng, những giá trị này sẽ tiếp tục đồng hành cùng các kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là kinh tế du lịch.
Một số địa phương như Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng… là nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Theo ông, thời gian qua việc gìn giữ, phát huy những nét văn hóa này trong sự phát triển kinh tế địa phương như thế nào?
Ở một số địa phương Tây Nam Bộ có đặc trưng của văn hóa tộc người, đặc biệt là dải đất ven biển từ Sóc Trăng xuống đến Bạc Liêu, Cà Mau. Các dân tộc, cộng đồng dân tộc Khmer ở An Giang kéo dài xuống Rạch Giá, Hà Tiên… chính là nét đặc sắc của văn hóa Nam bộ.
Lễ hội Bà chúa Xứ núi Sam tại An Giang |
Chính sách về phát triển văn hóa truyền thống và ngôn ngữ mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số đã rất phát huy tác dụng tại các cái địa phương này. Thực tế thời gian qua, các chính sách quản lý văn hóa tại địa phương, chính sách thúc đẩy con em đồng bào dân tộc có thể học tập ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ và cộng đồng địa phương có thể gìn giữ và phát huy cái truyền thống của mình thông qua các hoạt động lễ, tết và lễ hội những năm gần đây rất hiệu quả.
Chính vì thế, các cái hoạt động lễ, tết, lễ hội gắn liền với văn hóa dân tộc Khmer đó càng ngày càng đi vào quy củ và phát huy tác dụng, đặc biệt là người dân được nhịp để thể hiện năng lực sáng tạo văn hóa của mình và thu hút rất nhiều khách du lịch.
Hiện nay, nhiều du khách đã tìm đến đến đồng bằng sông Cửu Long tìm đến với cộng đồng người Khmer để thể hiện cái sự mến mộ, sự ngưỡng mộ hoặc là sự yêu thích và tận hưởng những hoạt động văn hóa, lễ hội.
Trong tương lai thì trong tương lai nếu chúng ta làm tốt hơn lĩnh vực truyền thông và đẩy mạnh cái việc là trao quyền văn hóa cho cộng đồng người Khmer, họ được sáng tạo nhiều hơn thì tôi tin rằng các hoạt động này sẽ sống mãi với truyền thống văn hóa người Khmer nói riêng và truyền thống văn hóa Nam Bộ nói chung.
Trong thời gian tới, các địa phương cần làm gì để tiếp tục gìn giữ, phát huy những nét văn hóa riêng đồng thời tăng cường vai trò của những lễ hội này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, thưa ông?
Để gìn giữ, phát huy những nét văn hóa riêng đồng thời tăng cường vai trò của những lễ hội trong phát triển kinh tế, các địa phương cần gắn kế hoạch phát triển văn hóa với phát triển kinh tế xã hội địa phương trong giai đoạn 2020 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, các địa phương thực sự phải quan tâm, phải đưa vào trong chính sách phát triển phát triển vốn con người vốn văn hóa. Đặc biệt là các đồng bào dân tộc thiểu số để cổ vũ tinh thần đồng bào dân tộc, để họ có động lực sáng tạo và gìn giữ truyền thống văn hóa. Từ đó tạo ra những sản phẩm, những lễ hội để tiếp tục phát huy trong phát triển kinh tế du lịch.
Đồng thời quan tâm hơn về cơ chế, chính sách và nguồn kinh phí để đồng bào dân tộc tiếp tục sáng tạo văn hóa. Tuy nhiên để lễ hội đạt được những giá trị không chỉ về kinh tế mà còn phải đảm bảo tính nguyên bản của lễ hội, tôn trọng những người dân địa phương… cần chú ý nhiều hơn đến sự tham dự của cộng đồng trong các lễ hội. Ngoài ra là những yếu tố đảm bảo về môi trường.
Xin cảm ơn ông!