Tỉnh Cao Bằng: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lạc vùng cao Sơn La: Hiệu quả từ trồng dứa theo chuỗi liên kết |
Nhằm giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo nhanh và bền vững, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trọng tâm của đề án không chỉ hướng đến huy động nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng mà còn khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì và mở rộng liên kết sản xuất để nâng cao thu nhập, tạo động lực phát triển toàn diện khu vực đồng bào DTTS.
Các mô hình liên kết giúp đồng bào yên tâm sản xuất, trồng trọt |
Việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng là hoạt động mà Ban Dân tộc tỉnh thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Đơn cử tại huyện Thuận Bắc - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, vài năm trở lại đây, mối liên kết giữa doanh nghiệp và bà con đã được quan tâm, thực hiện chặt chẽ. Tại các xã như Bắc Sơn, Công Hải, Phước Kháng là những khu vực thường xuyên chịu tác động của nắng hạn, hằng năm, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, huyện đều tổ chức liên kết doanh nghiệp với nông dân để bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.
Đến nay, huyện Thuận Bắc đã thu hút được một số doanh nghiệp liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như: Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang cho cung ứng vật tư, phân bón và thu mua mía của nông dân xã Phước Chiến; Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát thu mua đậu xanh ở các xã Công Hải, Bắc Phong; Công ty Cổ phần Cánh Đồng Việt liên kết trồng cây nha đam tại xã Bắc Sơn... Thông qua hình thức liên kết, người dân vùng đồng bào DTTS được tiếp thu kiến thức sản xuất mới, giảm đáng kể chi phí đầu tư sản xuất.
Hoạt động liên kết sản xuất cũng phát triển mạnh ở huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái... Đặc biệt, các HTX nằm ở khu vực có đồng bào DTTS sinh sống đã làm tốt vai trò trong việc kết nối doanh nghiệp, lựa chọn các sản phẩm mang tính đặc thù của đồng bào DTTS để tổ chức sản xuất. Tiêu biểu như: HTX Phước An liên kết với đồng bào Raglai xã Phước Vinh trồng 300 ha bắp giống, năng suất bình quân 70 tạ/ha, cao hơn 7 tạ/ha so với bắp thương phẩm; HTX Phước Hậu liên kết nông dân ở các thôn trên địa bàn thực hiện mô hình san phẳng đồng ruộng bằng tia laser trên diện tích 29,4 ha, mang lại lợi nhuận 30,4 triệu đồng/ha; HTX Tầm Ngân liên kết với bà con xã Lâm Sơn chuyên trồng ớt sạch, hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế đến tiêu thụ; HTX Tuấn Tú liên kết với Trang trại hữu cơ Tiên Tiến trồng 40 ha măng tây xanh, áp dụng đồng bộ tưới nước tiết kiệm, năng suất đạt 73 tạ/ha, sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, mô hình liên kết hướng tới là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con |
Trong lĩnh vực chăn nuôi, mô hình liên kết hướng tới là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Trên cơ sở phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, Ninh Thuận đã ban hành chính sách phát triển chăn nuôi phù hợp, nhất là các chương trình, dự án, nguồn tín dụng để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái liên kết với nông dân xây dựng nhiều chuỗi giá trị, làm tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế tối đa thiệt hại cho hộ nuôi. Điển hình như Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín liên kết với hàng trăm hộ chăn nuôi dê, cừu tại các địa phương cung cấp hàng ngàn giống nuôi và tổ chức thu mua sản phẩm; Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty TNHH CJ ViNa Agri liên kết với nông dân ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái nuôi trên 40.000 con heo... Hiện nay, quy mô trang trại chăn nuôi heo có nhiều chuyển biến tích cực, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ đang chuyển dần ra ngoài khu dân cư chăn nuôi theo phương thức công nghiệp.
Việc hình thành hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho vùng đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận.