Nhân lực chất lượng cao đòi hỏi đổi mới toàn diện trong đào tạo
Tin hoạt động 26/02/2018 15:06
TS. Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị là sự kiện mở đầu cho chuỗi các sự kiện của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong năm 2018, hướng đến kỷ niệm 120 năm Ngày Truyền thống nhà trường (1898-2018). Đây cũng là buổi gặp mặt đầu xuân giữa các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành với hơn 300 cán bộ quản lý, tiến sĩ và các nhà khoa học của nhà trường.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Trần Tuấn Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương - đánh giá cao sự tích cực và quyết liệt của Ban lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và tin tưởng, hội nghị sẽ mở ra nhiều hướng đi, giải pháp mới cho công tác đào tạo và phát triển của nhà trường nói riêng; hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương nói chung trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). “Đây là một chủ đề lớn, Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg ký ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Thực hiện chủ trương chung, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tổ chức thực hiện. Kết quả triển khai thời gian qua đã đóng góp những thành tựu tích cực cho công cuộc phát triển chung của đất nước” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ CMCN 4.0 đều được quản lý, quản trị và thực hiện thông qua hệ thống thực - ảo, dựa trên nền tảng của các công nghệ số, ứng dụng của internet vạn vật. “Chúng ta sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Con người lúc này sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được. Rõ ràng, bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo” - Bộ trưởng khẳng định.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội - phát biểu tại hội nghị |
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội - chia sẻ: “Chúng ta đang đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0. Cơ hội là rất lớn nhưng thách thức cũng không hề nhỏ và một trong những vấn đề chính đó là yếu tố con người. Do vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực phải đổi mới và đáp ứng kịp thời theo nhu cầu của thị trường lao động”.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel phát biểu tại hội nghị |
Tham luận tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel - cho hay, CMCN 4.0 là "cái mới thay thế cái cũ" và quan trọng là chúng ta có dám làm, dám thay đổi hay không. Đó cũng chính là cách mà Viettel vận hành, biến đổi và đào tạo nhân lực. Nêu rõ về cách thức đào tạo nhân sự cho CMCN 4.0, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra một số triết lý "ngược" đã được tập đoàn ứng dụng: “Nếu trước đây người ta học trước rồi mới làm sau thì nay phải ngược lại, làm trước mới học sau. Bởi nếu đào tạo cho một người chưa biết gì thì không khác "nước đổ lá khoai". Cần phải tự học, tự biết từ 70%-90% thì mới có thể nhận thức ra khi được giảng dạy. Trước đây giáo viên là thầy thì nay giáo viên chỉ nên là huấn luyện viên, để học trò làm là chính. Việc giảng dạy nếu trước là dạy sâu chuyên ngành thì nay phải là đa ngành vì cơ hội nằm ở sự liên kết giữa các ngành. Nếu ngày xưa coi cách giải quyết vấn đề là câu chuyện chính thì nay phải tìm ra được vấn đề, đấy mới là điểm mấu chốt”.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại nhà trường |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và các đại biểu trồng cây lưu niệm tại nhà trường |
Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhận được tham luận của các cán bộ quản lý, tiến sĩ và các nhà khoa học của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội về những vấn đề cấp bách như: Vai trò của ngoại ngữ, mô hình đại học điện tử; vấn đề hợp tác doanh nghiệp; khoa học đào tạo… gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ CMCN 4.0.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS-TS Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội – cho biết: Thời gian qua, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nghiên cứu và thực hiện một số bước để đưa cuộc CMCN 4.0 vào công tác đào tạo. Theo đó, chúng tôi đưa giáo viên trẻ đi học tập ở nước ngoài, nghiên cứu sinh, giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, giao nhiệm vụ đi thực tiễn ở các cơ sở sản xuất… từ đó đưa vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo. Hiện nay nhà trường đang rà soát lại để xây dựng chương trình theo quy trình CDIO, đồng thời mời các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Ngoài việc đưa sinh viên đi thực tập, tổ chức hội thảo, chúng tôi còn mời các nhà quản trị doanh nghiệp tham gia vào hội đồng xây dựng chương trình, phản biện, giảng dạy trực tiếp cho sinh viên.
Hiện nay, nhà trường đã phối hợp với hơn 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước và nhiều doanh nghiệp ủng hộ nhà trường các hệ thống thiết bị để phục vụ đào tạo, cũng như đón nhận sinh viên vào thực tập. Đa số các doanh nghiệp đón nhận sinh viên thực tập đã tuyển dụng được nhân viên đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.