Xuất khẩu gạo và câu chuyện đa dạng hóa thị trường Việt Nam: Điểm sáng kinh tế tại Đông Nam Á năm 2024 Vì sao giá cao su sẽ tăng mạnh trong tương lai? |
Mới đây, chuyên gia Genevieve Donnellon-May tại viện nghiên cứu Oxford Global Society (Vương quốc Anh) đã cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng lúa gạo xảy ra tại khu vực Đông Nam Á. Theo bà Genevieve Donnellon-May, biến đổi khí hậu, áp lực về kinh tế, tài nguyên nước và đất hạn chế, cùng các hoạt động nông nghiệp kém hiệu quả đang đe dọa đến sản lượng lúa gạo của khu vực này, ảnh hưởng đến tương lai của hàng trăm triệu người.
![]() |
Hàng loạt bao gạo được xếp chồng tại một nhà kho của Cơ quan Lương thực Phillipines. Ảnh: Xinhua |
Philippines, nước sản xuất gạo hàng đầu và cũng là nơi nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với khủng hoảng lúa gạo. Vào ngày 3/2 mới đây, Manila đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về an ninh lương thực để ứng phó với giá gạo trong nước tăng vọt. Để ứng phó, Cơ quan Lương thực Phillipines đã buộc phải giải phóng 300.000 tấn gạo để ổn định giá trên thị trường.
Mặc dù là quốc gia sản xuất gạo lớn, nhưng an ninh lương thực của Philippines lại phụ thuộc vào nhập khẩu gạo, với số gạo nhập khẩu đáp ứng hơn 20% nhu cầu trong nước. Nguyên nhân là do chi phí trồng gạo gia tăng và thời tiết khắc nghiệt, khiến nguồn cung nội địa của Philippines bị hạn chế.
Tính trong năm 2024, Phillipines đã nhập khẩu gạo kỷ lục, đạt mức 4,68 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khoảng 75% lượng gạo nhập khẩu đến từ Việt Nam.
Theo bà Genevieve Donnellon-May, cuộc khủng hoảng ở Philippines đang phản ánh những thách thức lớn về kinh tế và môi trường đối với ngành lúa gạo tại Đông Nam Á, nơi sản xuất gần 30% sản lượng gạo toàn cầu.
“Hậu quả của cuộc khủng hoảng này là rất thảm khốc. Gạo chiếm khoảng 50% lượng calo trong chế độ ăn uống của người Đông Nam Á và sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 10% trong cơ cấu nền kinh tế của khu vực. Giá lúa gạo tăng cao đã làm gia tăng nỗi lo về một cuộc khủng hoảng lương thực, và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và suy dinh dưỡng ở một số quốc gia”, bà Genevieve Donnellon-May nhận định.
Bản chất liên kết của các chuỗi cung ứng lương thực, đồng nghĩa với việc một cuộc khủng hoảng về lúa gạo tại một quốc gia có thể nhanh chóng lan rộng ra khắp khu vực, thậm chí là thế giới. Trên thực tế, tình trạng thiếu hụt kỷ lục vào năm 2023 đã đẩy giá lúa gạo lên cao và đè nặng lên ngân sách của nhiều hộ gia đình trên toàn cầu.
Đông Nam Á cần làm gì để ứng phó?
Theo bà Genevieve Donnellon-May, các quốc gia Đông Nam Á cần cấp thiết đưa ra các giải pháp bền vững và hợp tác mạnh mẽ để giải quyết những thách thức hiện có, và ngăn chặn cuộc khủng hoảng về lúa gạo sắp tới.
![]() |
Các quốc gia tại Đông Nam Á cần áp dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, qua đó ứng phó với cuộc khủng hoảng về lúa gạo sắp tới. Ảnh: media.chinhphu.vn |
Đầu tiên, các quốc gia phải hiện đại hóa các hoạt động nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất tại địa phương và tăng cường kho dự trữ gạo quốc gia. Việc áp dụng các công nghệ canh tác hiệu quả có thể giúp gia tăng năng suất, ngay cả khi biến đổi khí hậu khiến điều kiện canh tác trở nên khó lường hơn.
Nhiều nước có thể rút ra bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, nơi từ lâu đã ưu tiên an ninh lương thực và đã có những bước tiến đáng kể trong đổi mới nông nghiệp. Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển các giống lúa chịu hạn, giúp giảm lượng nước sử dụng hơn 40% và cắt giảm lượng khí thải mê-tan ít nhất 70%.
Những đột phá gần đây về giống lúa có khả năng phát triển mạnh trên đất mặn của Trung Quốc, cũng cho nhiều quốc gia Đông Nam Á cơ hội để tăng cường khả năng phục hồi của cây trồng, và đảm bảo nguồn cung và giá gạo ổn định hơn cho tiêu dùng.
Bà Genevieve Donnellon-May khuyến nghị các quốc gia Đông Nam Á cần phải ưu tiên hợp tác và phát triển thương mại trong khu vực. Bằng cách thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia, các nhà xuất khẩu gạo có thể củng cố nền kinh tế của nước mình, đồng thời đảm bảo nguồn cung ổn định cho các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng của nước bạn.
Philippines, nơi sở hữu Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế, đang ở vị thế thuận lợi để dẫn đầu các sáng kiến thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa gạo trên khắp Đông Nam Á. Các trung tâm này có thể phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới, chia sẻ các nghiên cứu, triển khai các chương trình thí điểm và cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách giải pháp phù hợp để đối đầu với cuộc khủng hoảng lúa gạo.
Nhiều quốc gia khác tại Đông Nam Á cũng đang tích cực hợp tác để giải quyết vấn đề này. Tại cuộc họp ASEAN vào năm 2023 tại Kuala Lumpur, các thành viên đã nhất trí ưu tiên giúp đỡ khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo. Malaysia, nước hiện là chủ tịch ASEAN và là nơi có khoảng 40% lượng gạo được nhập khẩu từ nước ngoài, có thể hỗ trợ những nỗ lực này.
Các nước Đông Nam Á nên đa dạng hóa nguồn cung cấp lúa gạo, để giảm thiểu rủi ro từ chuỗi cung ứng và biến động giá. Bằng cách tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có, nhiều nước Đông Nam Á có thể tìm đến các nước như Pakistan và Brazil để bổ sung nguồn cung gạo. Australia cũng là một đối tác cung cấp gạo tiềm năng cho Đông Nam Á, khi nước này dự báo sản lượng gạo năm nay đạt 518.000 tấn.
Những rào cản
Hiện vẫn còn nhiều rảo cản trong việc giải quyết và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lúa gạo sắp tới. Trong đó, nguyên nhân đến từ sự tiếp cận còn hạn chế hạn chế đối với các công nghệ tiên tiến, sự chênh lệch trong cơ sở hạ tầng, sự hạn chế về tài chính cùng sự phụ thuộc vào các phương pháp truyền thống của nhiều người nông dân.
Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu cũng đang là một trở ngại lớn trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng về lúa gạo. Trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn, nguy cơ bội nhiều vụ mùa thất bát trên khắp Đông Nam Á cũng đang ngày càng gia tăng. Những gián đoạn trong nguồn cung lúa gạo cũng có thể buộc các quốc gia phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu và giảm khả năng xuất khẩu.
Điều này cũng làm dấy lên mối lo ngại cho các nước nhập khẩu gạo lớn bên ngoài Đông Nam Á. Nếu nhiều nước Đông Nam Á hạn chế xuất khẩu gạo, các quốc gia ở khu vực Châu Phi và Trung Đông có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và biến động giá cả. Thậm chí, tình trạng thiếu hụt gạo cũng có thể làm gia tăng căng thẳng kinh tế - xã hội tại các khu vực trên, khiến tình trạng bất ổn chính trị ngày càng trầm trọng hơn.
Chuyên gia Genevieve Donnellon-May ví cuộc khủng hoảng lúa gạo ở Đông Nam Á như “một quả bom hẹn giờ”. Theo bà, các quốc gia trong khu vực cần phải hành động ngay lập tức, bằng cách hiện đại hóa nông nghiệp, đa dạng hóa nguồn cung và tăng cường hợp tác trong khu vực, để đảm bảo an ninh lương thực về lâu dài. |