Người mà chúng tôi nhắc đến ở đây là ông Thao Văn Sinh (sinh năm 1954), trú tại bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông là người tiên phong, góp phần xóa bỏ đi những hủ tục lạc hậu của bản làng, tuyên truyền vận động người dân sinh sống lành mạnh, tích cực phát triển kinh tế.
Hủ tục bủa vây bản làng
Từ trung tâm xã Na Mèo, vượt qua những cung đường ngoằn nghèo, mỏng dính như dải lụa, nằm chênh vênh trên những mỏm đá cao, chúng tôi đã có mặt tại bản Ché Lầu, một trong những bản khó của người H’mông ở vùng biên cương xứ Thanh. Cách đây chưa lâu, Ché Lầu còn đang chìm đắm trong nghèo đói, hủ tục bủa vây.
Để tuyên truyền, vận động người dân hiểu, ông Thao Văn Sinh thường dành thời gian đọc thêm sách, báo |
Ông Thao Văn Sinh sinh ra và lớn lên trong một gia đình người H’Mông nghèo nằm trên đỉnh núi cao của xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa. Từ khi lọt lòng, ông đã phải sống trong cảnh ràng buộc bởi những hủ tục lạc hậu của bản. Những hủ tục hà khắc đã nhiều lần đưa đẩy nhiều số phận hẩm hiu vào ngõ cụt, để rồi thậm chí phải tự kết thúc cuộc đời của bản thân mình bằng nắm lá ngón.
Ông Sinh cho biết: “Người H’Mông rất chịu khó, nhưng chỉ động vào lòng tự ái của họ là họ có thể tìm đến nắm lá ngón để kết thúc cuộc đời mình. Không chỉ có vậy, trước đây, những tục lệ của bản làng còn hà khắc như tục ma chay, cưới xin còn nặng nề nên bản đã nghèo lại càng nghèo hơn”.
Theo ông Sinh, người H’Mông tin rằng, họ có được cuộc sống này là do thần rừng ban cho, nên mọi việc không được làm trái ý thần rừng. Cũng chính vì lẽ đó mà nếu cô gái nào trong bản chưa có chồng mà chửa thì họ cho rằng đã đụng vào thần rừng. Để cho thần rừng không giận, họ nhẫn tâm xua đuổi những người con gái đấy ra khỏi bản không một chút thương xót.
Mỗi khi bản có việc, ông Sinh lại khăn gói lên đường. |
Trong đó, có lẽ những hủ tục rùng rợn nhất phải kể đến ma chay trong bản. Khi có người chết, gia đình không bỏ vào quan tài ngay mà để người chết nằm ở bên ngoài từ 5 đến 7 ngày. Cả gia đình vẫn giữ lối sinh hoạt thường ngày, đút cơm, cho nước vào miệng người đã khuất. Sau nhiều ngày, thức ăn lên men, thậm chí ruồi nhặng bâu đen quanh mặt người chết, họ vẫn tiếp tục đút cơm như thế.
Để tổ chức một đám ma cho người thân, họ đã vay mượn trâu, bò mổ ăn uống linh đình, say sưa trong men rượu. Nhiều nhà, sau khi xong đám còng lưng cả kiếp người cũng chưa trả hết nợ. Cũng chính vì lẽ đó mà cái nghèo cái đói cứ đeo bám mãi lấy cuộc sống của bà con nơi đây.
Những làn gió mới
Năm 1989, ông Thao Văn Sinh cùng với bản làng di cư từ xã Nhi Sơn lên vùng biên giới Na Mèo của huyện Quan Sơn thành lập bản Ché Lầu. Vốn đã hoài nghi về những hủ tục của bản, cùng với sự vận động tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng và chính quyền các cấp đã làm khơi lên luồng gió mới trong con người ông.
Ông Sinh cho biết: “Từ khi bản Ché Lầu được thành lập, được cán bộ Biên phòng và chính quyền tuyên truyền về nếp sống văn minh, tôi nghe mà sướng cái bụng. Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn qua báo đài để làm theo cán bộ, từng bước bỏ đi những hủ tục của làng”.
Ông Thao Văn Sinh (giữa) đang trao đổi với phóng viên |
Đặc biệt, từ năm 2018, khi có Công văn số 269/ UBND –DT ngày 27/4/2018 của huyện Quan Sơn về thực hiện Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc người Mông. Với sự tuyên truyền vận động sát sao của chính quyền, nhận thức của người dân ở bản đã dần thay đổi.
Cũng trong năm này, người cháu ruột của ông Sinh không may mắc bệnh qua đời. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để xóa bỏ hủ tục ma chay tốn kém của bản làng, ông Sinh đã thông báo với chính quyền xã đến tổ chức ma chay cho cháu theo hướng hiện đại. Thi thể được bỏ trong quan tài, tổ chức ngọn nhẹ trong vòng 2 ngày để làm điểm cho bà con.
“Muốn cho dân hiểu, dân làm theo thì mình phải tiên phong làm trước. Đặc biệt việc thay đổi tập tục ma chay cưới xin… Khi dân làng thấy mình đưa xác vào quan tài mà gia đình không bị thn thì họ mới yên tâm làm theo” - ông Sinh chia sẻ.
Không chỉ vận động bà con xóa bỏ hủ tục, ông Thao Văn Sinh còn tích cực vận động bà con phát triển kinh tế, Từ bỏ thói quen phát rừng làm nương làm rẫy theo kiểu du canh du cư sang trồng lúa nước hai vụ, từ đó bản đã có cái ăn cái mặc. Những cánh rừng ở đây cũng bắt đầu xanh ngắt trở lại.
Chia sẻ về những đóng góp của ông Sinh trong việc tiên phong bước qua “rào cản” của hủ tục, Bí thư kiêm Trưởng Bản Thao Văn Lâu cho biết: “Bác Sinh là người uy tín của bản. Bác là người đi đầu trong trong bản thực hiện nghi lễ ma chay theo hướng hiện đại, bỏ thi thể vào trong quan tài. Ngoài ra bác cũng rất tích cực vận động bà con làm theo cán bộ để phát triển kinh tế, để có cái ăn, cái mặc”.
Với những đóng góp của mình trong công cuộc xóa bỏ hủ tục của bản, ông Thao Văn Sinh được xem ngọn đuốc khai sáng cho bà con. Từng bước xóa bỏ những hủ tục đã đeo bám bao lâu nay để xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại.
Bản Ché Lầu với 66 hộ dân và 307 nhân khẩu, trong đó có hơn 49 hộ thuộc hộ nghèo. |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những đóng góp của ông Sinh trong công tác xóa bỏ hủ tục của bản Ché Lầu, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo Phạm Đức Lương cho biết: “Ché Lầu là một bản nghèo với 100% dân số là người H’Mông với nhiều hủ tục lạc hậu bủa vây. Để người dân xóa bỏ hủ tục ngoài việc vận động tuyên truyền của chính quyền các cấp ra, cần phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của người uy tín trong bản. Ông Thao Văn Sinh là người rất tâm huyết, sau khi được tập huấn, hướng dẫn, ông thường đi từng nhà để vận động bà con thực hiện theo nếp sống mới”.
Theo báo cáo của Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có 1.281 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó dân tộc Mường 627 người, dân tộc Thái 484 người, dân tộc Kinh 83 người, dân tộc H’Mông 43 người, dân tộc Thổ 29 người, dân tộc Dao 13 người và dân tộc Khơ Mú 2 người. |