Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Văn Dưng cho biết, Sài Gòn là nơi hội tụ tinh hoa của nghề kim hoàn Việt với khoản 30.000 lao động tham gia, trong đó 3.000 người là hội viên của Hội. Hiện tại Sài Gòn có hơn 100 nghệ nhân kim hoàn thì có đến 10 người vinh dự lần đầu tiên được Bộ Công Thương trao tặng danh hiệu nghệ nhân trong năm nay, trong đó có anh Huỳnh Kim Phúc.
Nhận xét về tay nghề của đồng nghiệp, ông Nguyễn Văn Dưng nói rằng, anh Huỳnh Kim Phúc là một nghệ nhân kim hoàn có kinh nghiệm chuyên sâu về thiết kế, tạo mẫu sản phẩm trang sức, mỹ nghệ với mẫu mã mới lạ, tạo phong cách khác biệt, kiểu dáng sinh động, độc đáo đáp ứng nhu cầu thị trường phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và luôn được anh em trong nghề nể phục.
Nghệ nhân Huỳnh Kim Phúc luôn say mê với công việc chế tác kim hoàn |
Ông Huỳnh Kim Phúc sinh năm 1962, ngụ tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh và từng học chuyên ngành kinh tế. Năm 1989, ông từ Đà Nẵng vào TP. Hồ Chí Minh và bắt đầu vừa học vừa làm trong nghề kim hoàn. Gia cảnh khó khăn, lạ lẫm với nghề mới nhưng bằng sự chăm chỉ ông đều vượt qua và từng bước trở thành người thợ giỏi, chuyên gia và người thầy trong nghề chế tác kim hoàn tại miền Nam.
Hiện tại, ông Phúc được biết đến là một chuyên gia có kỹ năng chế tác các sản phẩm trang sức như nhẫn, mặt, dây chuyền, lắc, vòng…có gắn đá theo phương pháp thủ công truyền thống kết hợp công nghệ tiên tiến. Ông tiếp cận và ứng dụng nhanh về các kỹ thuật chuyên môn, chuyên ngành mỹ nghệ tiên tiến của nước ngoài cho riêng mình. Mặt khác, ông Phúc còn phổ cập những kiến thức, kỹ năng này cho học viên các công nghệ mới hiện đại, những phương pháp chế tác, sản xuất hàng trang sức tiên tiến hiện nay.
Bằng kinh nghiệm và đôi tay tài hoa, nghệ nhân Huỳnh Kim Phúc đã có những tác phẩm tiêu biểu như bộ tác phẩm “Nắng xuân”, bộ tác phẩm “Cảm xúc”, tác phẩm ‘Vươn xa", bộ tác phẩm “Nắng hạ”, bộ tác phẩm “Rồng thiêng”, bộ tác phẩm “Hoa hồng”, tác phẩm “Vươn cao”, bộ tác phẩm “Nhịp sống”, bộ tác phẩm “Cảm xúc 2”, sản phẩm chế tác “Diệu Hiền”…
Đặc biệt, tác phẩm "Chiếc khăn của mẹ", thể loại thiết kế đơn được chọn để trưng bày tại Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia Hội quán Lệ Châu - Đền thờ Tổ nghề kim hoàn TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2004, nghệ nhân Huỳnh Kim Phúc là đồng tác giả biên soạn Bộ giáo trình với 10 bộ môn chuyên ngành nghề mỹ nghệ kim hoàn. Giáo trình này đã được áp dụng giảng dạy tại Trung tâm Dạy nghề Dân Lập Mỹ Nghệ Kim Hoàn. Năm 2013, ông tiếp tục tham gia biên soạn Bộ tiêu chuẩn kỹ năng bậc thợ kim hoàn và được cho áp dụng trong việc kiểm tra, chứng nhận trình độ tay nghề, bậc thợ kim hoàn, được Sở Lao động thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cấp phép sử dụng.
Nghệ nhân Huỳnh Kim Phúc vẫn miệt mài truyền tải kinh nghiệm với học trò của mình |
Từ những đóng góp cho ngành kim hoàn, ông Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, UBND TP. Hồ Chí Minh tặng 3 bằng khen. Năm 2006, tác phẩm thiết kế “Chiến khăn của mẹ” đoạt Giải nhất Hội thi thiết kế và chế tác trang sức Việt Nam; sản phẩm chế tác “Diệu Hiền”, đoạt giải Khuyến khích Hội thi thiết kế và chế tác trang sức Việt Nam 2006, tác phẩm "Nhịp cảm xúc" đạt giải cúp vàng 2007. Và trong năm 2007, ông Huỳnh Kim Phúc đã được Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh phong tặng Nghệ nhân Kim hoàn.
Ngoài kiêm nhiệm Chánh Văn phòng Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh, 17 năm qua nghệ nhân Huỳnh Kim Phúc còn tham gia giảng dạy cho học viên trong và ngoài nước tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Mỹ Nghệ Kim Hoàn, TP. Hồ Chí Minh.
Với nghề nghiệp, nghệ nhân Huỳnh Kim Phúc luôn đặt sự uy tín, cái tâm và cả tâm hồn vào công việc thiết kế, sáng tạo mẫu mã mới với chất lượng và độ tinh xảo cao. Ông yêu thích và tự nhận mình gắn bó với nghề kim hoàn như máu thịt. Mái đầu xanh chuyển màu bạc trắng cũng vì nhiều đêm ông thức trắng vật lộn với ý tưởng, phác thảo, thiết kế để tạo nên những tác phẩm nữ trang có hồn, đẹp tuyệt hảo cho đời.