Ông Phan Văn Tiên sinh năm 1954, quê ở An Nhơn, Châu Thành, Đồng Tháp, hiện cư ngụ tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Ông Tiên kể rằng, năm 1968 ông làm công trong một tiệm vàng của ông chú họ tại quê nhà. Vốn con nhà nông, việc làm quen với nghề kim hoàn ban đầu “lóng ngóng” quá đổi nhưng làm riết nghề nó bày cho những thao tác cơ bản rồi dần già trở nên thành thục. Khi miền Nam giải phóng, nhiều thứ thay đổi, trong đó có nghề kim hoàn, nhiều thợ kim hoàn đã đổi nghề khác kiếm sống, trong đó có ông.
Cho đến năm 1983, ông Tiên lên Sài Gòn làm thuê cho tư nhân, nghề kim hoàn thời đó èo uột và công việc thợ thầy cực kỳ vất vả. Đến năm 1988, nhờ có hộ khẩu và cửa hàng vàng bạc đá quý Phú Nhuận tuyển người, may mắn ông được làm công nhân của cửa hàng và làm việc cho đến nay. “Trong thời gian hơn nửa thế kỷ làm thợ kim hoàn, sự vất vả là có thừa, cái nghề này nó đã dạy cho mình nên nghiệp nên mình thủy chung gắn bó với nó đến suốt cả cuộc đời”, ông Tiên chia sẻ.
Nghệ nhân kim hoàn Phan Văn Tiên |
Sau khi được nhận vào làm việc, nhờ kéo tay đánh bóng vàng, cẩn đá quý, năm 1997 bà Cao Thị Ngọc Dung - chủ cửa hàng vàng bạc đá quý Phú Nhuận (nay là Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ) cử ông đi Thái Lan trau dồi nghề nghiệp. Khi trở về, ông Tiên đảm trách công việc chế tác, kiểm định vàng, nữ trang bằng phương pháp truyền thống và trực tiếp dạy nghề cho những người thợ trẻ.
Nhờ nhiều năm vất vả với nghề, ông Phan Văn Tiên trở thành nghệ nhân, có tay nghề cao, chuyên về kỹ thuật nguội, đánh bóng cao cấp, ông cũng là người thực hiện thành công mô hình đánh bóng để định ra mức hao của vàng trong quá trình chế tác; thực hiện mô hình dập cung ứng những phụ tùng cụ thể như khóa, đít bông. Ông cũng là người thợ “già kinh nghiệm” trong linh vực kiểm định chất lượng, “đánh” tuổi vàng bằng phương thức truyền thống trên đá và axit. Thường xuyên đánh tuổi vàng cho thợ kim hoàn mỗi khi thợ trả lại kho để tái sản xuất, đánh tuổi vàng cho các nhân viên cửa hàng khi cần thẩm định món hàng đúng sản phẩm của doanh nghiệp. Đặc biệt, ông là nghệ nhân có khả năng nắm rõ được cách nhận biết vàng, bạc, đồng, thau, inox… bằng phương pháp “gia truyền” từ kinh nghiệm của tổ nghiệp xưa.
Nhờ đôi tay tài hoa đã đúc kết mấy mươi năm, ông Phan Văn Tiên đã đạt không ít thành công trong nghề và được trao tặng nhiều giải thưởng có giá trị. Năm 1990, tác phẩm nữ trang “Hạnh phúc” đoạt giải thưởng lớn do Hội thi thiết kế chế tác SJC do Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tổ chức. Năm 2003, tác phẩm “Dây cổ rẻ quạt xương cá” hiện trưng bày tại chùa Tổ (ở quận 5) bằng bạc xì hai màu vàng trắng; 8 bộ trang sức đá quý; 2 dây chuyền gắn đá quý đều là những tác phẩm ông dành giải quán quân.
Năm 2005, ông Phan Văn Tiên được công nhận danh hiệu Nghệ nhân kim hoàn do Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh phong tặng. Năm 2017, Công ty PNJ cấp bằng “Công nhận cá nhân có nhiều sản phẩm tiêu biểu đã thiết kế, chế tác có giá trị kinh tế kỹ thuật, mỹ thuật cao”. Năm 2018, tác phẩm "Hạnh phúc" thể loại cài áo được chọn để trưng bày tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Hội quán Lệ Châu - đền thờ Tổ nghề kim hoàn TP. Hồ Chí Minh và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền, hội đoàn trao tặng.
Nghệ nhân Phan Văn Tiên ngày thường vẫn cặm cụi bày cho học trò của mình về những kinh nghiệm truyền thống chế tác nữ trang của cha ông |
Anh Phạm Thanh Phong, người thợ kim hoàn là học trò của ông Tiên cho biết, những người học trò như anh gọi thầy mình là “Sư phụ Tiên” bằng tất cả sự nể phục từ tác phong, đạo đức làm nghề, đến việc truyền tải kinh nghiệm cho học trò. Người thợ kim hoàn khi học thầy Tiên, ông có bốn yêu cầu bắt buộc, đó là đạo đức, chuyên cần, tận tâm và rèn dũa đôi tay đến tầm tài hoa.
Ông Tiên giải thích, sở dĩ người truyền nghề như chúng tôi yêu cầu người học việc những điều căn bản như trên nhằm mục đích là giữ lửa, bền nghề và nghề mới gắn bó với mình.
“Với người thợ kim hoàn, “Nhân bất tín bất lập”, tức không có sự chân thật, uy tín thì không thành nghề. Làm nghề mà không ham học hỏi thì khó mà giỏi giang được. Nhờ những bài học sơ đẳng này mà hàng nghìn học trò của tôi không ít người bây giờ đã là nghệ nhân kim hoàn có tiếng ở miền Nam, họ giỏi hơn cả tôi”, ông Tiên nói về sự gắn bó với nghề kim hoàn hơn nửa thế kỷ của mình như vậy.
Ông Tiên đã về hưu lâu nay nhưng Công ty PNJ mời ở lại hợp tác giúp nhân viên làm công việc kiểm định tuổi vàng, nữ trang và đảm trách khâu truyền nghề cho lớp sau. Công việc này giúp cho tuổi già của ông thêm vui, nhưng quan trọng hơn theo ông là những kinh nghiệm truyền thống quý báu của cha ông ta không bị bị mai một, thất truyền.