Gỡ “nút thắt” để phát triển ngành công nghiệp tái chế Quý I/2023: 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng Tự động hóa - bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh |
Ngày 26/4, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo quốc tế "Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" với sự tham gia của 200 chuyên gia, doanh nghiệp.
Ngành công nghiệp của Thành phố đang lạc hậu…
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nền kinh tế bền vững dựa trên nền tảng công nghiệp sản xuất. Bởi nền tảng sản xuất mới đáp ứng yêu cầu phục vụ người tiêu dùng và tránh nguy cơ bị phụ thuộc.
Ông Võ Văn Hoan cho biết, định hướng của thành phố đã khẳng định, dù thành phố hướng đến phát triển hiện đại, công nghệ cao nhưng vẫn đặt trọng tâm cho phát triển sản xuất.
Hội thảo quốc tế "Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" |
Thực tế phải thừa nhận rằng, ngành công nghiệp sản xuất của thành phố đang bị lạc hậu, tỷ trọng thâm dụng lao động cao, giá trị gia tăng thấp. Cụ thể, theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2015 công nghiệp thành phố tăng trưởng bình quân 5,87%/năm trong khi đó công nghiệp cả nước tăng bình quân 7,39%.
Giai đoạn 2016-2021 công nghiệp Thành phố tăng trưởng 2,67%/năm, công nghiệp cả nước tăng trưởng 6,8%/năm, cả thời kỳ 2011-2021 công nghiệp thành phố chỉ tăng 4,11%, công nghiệp cả nước tăng bình quân 7,07%/năm. Đặc biệt, năm 2021 công nghiệp Thành phố giảm sâu trong khi cả nước tăng trưởng 4,47%/năm.
Về nguyên nhân, theo các chuyên gia, do môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh còn nhiều bất cập; tái cơ cấu ngành công nghiệp còn chậm; cơ cấu phân bố không gian công nghiệp dàn trải, chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của thành phố.
Các chuyên gia, đại biểu tham dự và đề xuất ý kiến tại hội thảo |
Chuyển đổi như thế nào?
Để duy trì đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp thành phố, các ý kiến cho rằng, cần thiết phải thay đổi trong tư duy, hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố trong việc chuyển đổi.
Nêu các giải pháp, TS. Nguyễn Mạnh Linh, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương)- cho rằng: Thành phố cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch. Đẩy mạnh số hóa các thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI).
“Về thu hút đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, cả về nhà đầu tư và lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án có giá trị gia tăng và tác động lan tỏa cao”- TS. Nguyễn Mạnh Linh nêu quan điểm.
Cũng theo TS. Nguyễn Mạnh Linh, thành phố cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế của thành phố; Nghiên cứu, đổi mới các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu quốc tế, chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu; Thúc đẩy liên kết trong sản xuất công nghiệp, cụ thể là tổ chức các hoạt động kết nối, tăng cường liên kết, giao lưu, trao đổi thông tin giữa Viện, Trường và doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI…
Đại diện của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang cho biết, việc thúc đẩy phát triển công nghệ hỗ trợ cũng là một trong những lực đẩy quan trọng góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp của thành phố; giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, là nền tảng, là cơ sở để sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn.
Tuy nhiên theo vị này, hiện nay các doanh nghiệp công nghiêp hỗ trợ của thành phố còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Để khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, vị này cho rằng, cần tiếp tục duy trì các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xây dựng, cập nhật, chia sẻ cơ sở dữ liệu tập trung và chuyên ngành với cộng đồng doanh nghiệp, hình thành hệ sinh thái chung về công nghiệp hỗ trợ với các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực.
“Hiện nay sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp Việt Nam thường có tư duy muốn làm tất cả: doanh nghiệp làm chi tiết A thì muốn làm luôn chi tiết B… gây lãng phí nguồn lực và chậm. vì vậy, rất cần vai trò của thành phố để kiến tạo, xây dựng chính sách để kết nối các nguồn lực rời rạc lại với nhau. Kết nối không chưa đủ mà cần xây dựng và giao các bài toán cụ thể cho các doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp cho từng ngành, lĩnh vực, qua đó tạo môi trường thực tế cho các doanh nghiệp liên kết, cùng tạo các sản phẩm và giải pháp có giá trị phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội”- đại diện của Điện Quang đề xuất.