Xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường EU: Doanh nghiệp cần lưu ý gì? Xuất khẩu thanh long, rau gia vị sang thị trường EU gặp khó |
Nông sản Việt liên tục đón nhận những tin vui
Thông tin từ Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, khoảng 500 tấn gạo mang thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” đã được công ty giao trong tháng 6 vừa qua sẽ tới Đức, Hà Lan và Pháp trong tháng 7 này. Toàn bộ lô hàng được đảm bảo về chất lượng, đóng gói trong bao bì riêng và đã đăng ký mẫu mã quốc tế của tập đoàn.
Đặc biệt, gạo “Cơm ViệtNam Rice” xuất khẩu sang Pháp sẽ được bán trong hệ thống siêu thị lớn tại thị trường EU là Carrefour. Mặc dù số lượng xuất khẩu lần này không quá lớn nhưng là bước khởi đầu trong hành trình đưa gạo thương hiệu của tập đoàn chinh phục thị trường thế giới.
Xuất khẩu xoài sang châu Âu cơ hội mới cho trái xoài Đồng Tháp |
Trước đó, thời điểm giữa tháng 2/2022, Công ty CP Cánh Cổng Vàng phối hợp cùng Công ty TNHH Western Farm xuất khẩu lô xoài đầu tiên vào thị trường EU. Lô xoài do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (tỉnh Đồng Tháp) cung cấp bán vào EU với giá 11-13 euro/kg, còn mức giá bán tại các siêu thị ở EU là 18 euro/kg.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm EU chi khoảng 1.000 tỉ USD cho thực phẩm và đồ uống. Trong đó, nhập khẩu khoảng 300 tỉ USD.
Đến nay, thị trường EU là một trong 4 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam; EU cũng là một trong 3 thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong 4 nước khu vực châu Á ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA). Vì vậy, cơ hội để khai thác thị trường EU rất lớn.
Nâng chất, tăng giá trị
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Trung Kiên, tỷ trọng một số ngành hàng của Việt Nam trong việc khai thác thị trường này vẫn thấp. Đáng chú ý, Việt Nam xuất khẩu nông sản vào thị trường này phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.
Cụ thể, đối với mặt hàng rau quả, các đối thủ cạnh tranh lớn là Nam Mỹ, Tây Phi, Nam Phi, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc…; với sản phẩm cà phê, tiêu và điều, Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh rất lớn bởi Indonesia, Ấn Độ, Brazil, Bờ Biển Ngà, Mozambique; hàng thuỷ sản thì phải cạnh tranh với Na Uy, Trung Quốc, Ecuador, Maroc.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Kiên, EU hiện cũng đã định hình được các đối tác làm ăn lâu dài nên xuất khẩu của Việt Nam sang đây chững lại. Do đó, để khai thác tối đa được xuất khẩu vào thị trường EU, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cần đẩy mạnh liên kết để xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện cho xuất khẩu nhằm giảm chi phí vận chuyển, xây dựng hình ảnh, thương hiệu và phát triển thị trường.
Ở góc độ doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản trái cây, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T - cho rằng, khó khăn đối với việc xuất khẩu nông sản, trái cây hiện nay đó là việc bảo quản. Như với trái cây, hiện thời gian bảo quản được cỡ 2 tuần, mua về có thời gian sử dụng ít nhất 3 ngày nhưng hàng hoá xuất khẩu đưa lên quầy kệ chỉ sau 2-3 ngày là đã hư hỏng. Trong khi đó, hàng hoá phải đủ tươi, đẹp khi tới người tiêu dùng, thì họ mới mua.
Do đó, việc tập trung nghiên cứu công nghệ bảo quản để sản phẩm nông nghiệp được lưu giữ lâu hơn là vấn đề sống còn. Bên cạnh đó là vấn đề quảng bá, tiếp thị, doanh nghiệp không thể tự làm mà cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng.
TS. Đào Văn Cường - Chuyên viên Văn phòng thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) - nhận định, một số mặt hàng của Việt Nam đặc biệt hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Ví dụ, EU cam kết thuế 0% dành cho hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với gạo xay xát và gạo thơm. Riêng mặt hàng gạo tấm không còn hạn ngạch và sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm. Một số sản phẩm khác được EU cấp hạn ngạch mỗi năm, gồm 500 tấn trứng gia cầm, 400 tấn tỏi, 5.000 tấn ngô, 30.000 tấn bột sắn, 11.500 tấn cá ngừ, 20.000 tấn đường...
Hưởng lợi từ thuế trong các FTA thế hệ mới, nhưng nông sản Việt cũng gặp thách thức với các hàng rào kỹ thuật. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng cảnh báo từ các thành viên WTO với Việt Nam tăng 12%. Với thị trường EU, cảnh báo nhiều nhất là về dư lượng hóa chất (47,5%).
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, TS. Nguyễn Đắc Bình Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho hay, việc này được nhắc đến như một yêu cầu bắt buộc của nhiều FTA đa phương. Riêng thị trường EU, từ 1/1/2005, khối này đã đưa truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bắt buộc đối với các nước thành viên của EU.
Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, trong giai đoạn hiện nay, để tận dụng được lợi thế mang lại từ Hiệp định EVFTA nhằm đưa hàng vào EU thì doanh nghiệp và nông dân phải thật sự hiểu nhau và cùng ‘bắt tay’ xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên bổ sung phần kết nối, tham gia giữa các bộ ngành và địa phương. Trong đó, trọng tâm là cần thay đổi nhận thức, thói quen canh tác của bà con nông dân. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hạ tầng về sản xuất nông nghiệp, nuôi, chế biến thuỷ sản vì đây là một trong những tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm vào EU.
Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030 do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng đặt mục tiêu của đề án năm 2025 giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt từ 5 - 5,5 tỷ USD; tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 30%, mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 20%. Mục tiêu đến năm 2030 giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt từ 7,5 - 8 tỷ USD, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 50% và tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 30%. |