Chiều 24/9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung |
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, mục đích ban hành Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, so với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn.
Cụ thể, sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm.
Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo các nguyên tắc về việc làm, thống nhất về các quy định liên quan cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không phân biệt nguồn ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương), tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.
Dự kiến Luật Việc làm sửa đổi quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành), đồng thời quy định linh hoạt đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội.
Bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động (từ Điều 28 đến Điều 39) đối với: người lao động có việc làm (người có việc làm thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và người có việc làm không tham gia BHXH bắt buộc) và người thất nghiệp (người lao động không có làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc).
Bên cạnh đó, cơ chế đăng ký, điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động được thực hiện theo hướng: Đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: người sử dụng lao động nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin cho người lao động cùng lúc khi nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và người thất nghiệp: Theo cơ chế khuyến khích tự nguyện, khi người lao động có nhu cầu thì nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin lao động qua Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ở hiện tại.
Đồng thời, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, kết nối của các cơ sở dữ liệu và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, dự kiến Luật Việc làm quy định trường hợp thông tin trong cơ sở dữ liệu về người lao động đã được cập nhật, điều chỉnh thông qua quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, nghiệp vụ và thu thập, cập nhật các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu khác có liên quan (ví dụ: cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội của 17,4 triệu lao động; 34,1 triệu dữ liệu của người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…) thì người lao động không phải thực hiện việc cập nhật, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về người lao động. Cơ quan quản lý các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác có trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh các thông tin liên quan vào cơ sở dữ liệu về người lao động.
Sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động (từ Điều 40 đến Điều 48) theo hướng: Bổ sung quy định khái niệm và chức năng của hệ thống thông tin thị trường lao động (Điều 40); sửa đổi, bổ sung các quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong xây dựng, phát triển hệ thống thông tin thị trường nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách (từ Điều 42 đến Điều 46); bổ sung quy định về hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động (Điều 48).
Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề theo hướng: Quy định về mục đích và nội dung phát triển kỹ năng nghề (Điều 49); khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia (Điều 50); hội đồng kỹ năng nghề (Điều 52); tôn vinh, khen thưởng và giải thưởng về phát triển kỹ năng nghề (Điều 62); bổ sung quy định về kỳ thi kỹ năng nghề (Điều 67) và Hỗ trợphát triển kỹ năng nghề (Điều 68).
Sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá kỹ năng, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tăng cường năng lực tổ chức đánh giá kỹ năng nghề và chuẩn hóa đội ngũ đánh giá viên.
Bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ việc làm, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công thiết yếu về việc làm, đảm bảo tuân thủ Công ước mà Việt Nam đã tham gia, Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định liên quan tư vấn viên dịch vụ việc làm theo hướng: Quy định về điều kiện tư vấn viên dịch vụ việc làm (Điều 72); quy định điều kiện về đội ngũ quản lý và tư vấn viên dịch vụ việc làm đáp ứng yêu cầu hoạt động dịch vụ việc làm (Điều 73, Điều 76).
Đặc biệt, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 81) theo hướng bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất, thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Cùng với đó, linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (Điều 83) theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Ngoài ra, sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp: Sửa đổi, bổ sung chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động...