Khi “hạt gạo làng ta” trở thành sản phẩm OCOP không chỉ tạo sức bật cho kinh tế nông thôn mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. |
Gạo là sản phẩm được tạo ra từ cây lúa, là nguồn lương thực chính, truyền thống của nhân dân ta. Cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, qua các giai đoạn phát triển, các giống lúa cũng được nghiên cứu chất lượng và năng suất cao, đưa vào sản xuất đại trà trên những cánh đồng trải dài trên khắp đất nước, tạo nên những thương hiệu gạo nổi tiếng. Hơn hết, khi những “hạt gạo làng ta” trở thành sản phẩm OCOP không chỉ tạo sức bật cho kinh tế nông thôn mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. |
Vùng đất Giáo Lạc, xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng điều kiện thổ nhưỡng phù hợp và khí hậu thuận lợi cho cây lúa. Nhờ đó, hơn 100 năm nay, người dân nơi đây đã trồng, cấy được giống gạo nếp thơm có màu trắng đục, hạt nào hạt nấy tròn đều. Dùng gạo nếp thơm Giáo Lạc nấu xôi thì tỏa ra hương thơm đặc trưng bay xa, để 2-3 ngày mà vẫn giữ nguyên được độ dẻo, chỉ ăn một lần là sẽ nhớ mãi. Được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, thương hiệu gạo nếp thơm Giáo Lạc được định hình. Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Tân đã liên kết với một doanh nghiệp chế biến nông sản tại địa phương có hệ thống máy sấy, dây chuyền đóng gói công suất 15 tấn/ngày tổ chức sản xuất gạo nếp thơm Giáo Lạc theo chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao. Hơn 50 hộ dân tham gia vào chuỗi sản xuất, gieo cấy trên vùng tập trung diện tích 30ha, được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch đến chế biến, cùng với quy trình đóng gói, bảo quản sau thu hoạch được “chuẩn hóa”. Các quy trình sản xuất từ bón phân, phòng trừ sâu bệnh đều được tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chung, sử dụng các loại vật tư trong danh mục Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Chưa dừng lại, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Tân đã đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm OCOP “Gạo nếp thơm Giáo Lạc”. Qua các lần thẩm định, đánh giá của Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh, sản phẩm “Gạo nếp thơm Giáo Lạc” đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh từ năm 2020. Ông Nguyễn Văn Thiết, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Tân cho biết: “Sau khi được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm gạo nếp thơm của địa phương được dán nhãn mác, có truy xuất nguồn gốc và được giới thiệu qua các hội chợ của tỉnh, huyện nên nhiều người tiêu dùng biết đến, thị trường tiêu thụ cũng thuận lợi hơn. Hiện sản phẩm OCOP “Gạo nếp thơm Giáo Lạc” có giá bán 28 - 30 nghìn đồng/kg, cao gấp 1,4 - 1,5 lần so với gạo cùng loại đại trà. Mỗi năm các hộ dân cung cấp trên 30 tấn gạo OCOP cho thị trường các tỉnh, thành phố Nam Định, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng…”. |
Đồng đất xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng vốn là vùng đất trũng, mặc dù khó canh tác song lại được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng với chất đất hơi chua phèn, phù sa màu mỡ từ lâu đã tạo nên thương hiệu gạo nếp Bắc Nghĩa Bình. Không kém cạnh với “anh bạn” hàng xóm “nếp thơm Giáo Lạc”, gạo nếp Bắc Nghĩa Bình nấu xôi mềm dẻo, béo ngậy với mùi thơm đặc trưng được nhiều người tiêu dùng yêu thích. Năm 2021, sản phẩm “Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” được UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình cho biết, để đạt được kết quả này, hợp tác xã đã xây dựng thành công vùng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm gạo nếp Bắc Nghĩa Bình đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 15ha với sự tham gia của hơn 50 hộ dân. “Tham gia vùng liên kết, các hộ nông dân được cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn cách quản lý đồng ruộng; thực hiện các phương thức “3 cùng” (cùng giống, cùng trà, cùng phương thức canh tác), “3 giảm - 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón hóa học, giảm thuốc trừ sâu - tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế) và quản lý dịch hại tổng hợp (I.P.M). Toàn bộ quy trình sản xuất được hợp tác xã kiểm soát chặt chẽ từ khâu gieo cấy lúa tập trung, chăm sóc, tăng cường sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ và bón cân đối giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế mật độ sâu, tỷ lệ bệnh hại, giảm thiểu số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất cho nông dân” - ông Chiến cho hay. Bên cạnh đó, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình còn đầu tư nhà xưởng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, máy hút chân không, máy đóng bao, đóng gói, làm tem nhãn và đăng ký nhãn hiệu “Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Hợp tác xã cũng được Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Hà Lan (Agriterra) hỗ trợ, hợp tác xã đã xây dựng website: http://htxnghiabinh.vn, giới thiệu và bán hàng online (trực tuyến) qua website, zalo, facebook. Nhờ đó chất lượng, thương hiệu gạo nếp Bắc Nghĩa Bình được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến. Ngoài ra, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình còn xây dựng thành công sản phẩm OCOP “Gạo lứt huyết rồng Nghĩa Bình” hạng 3 sao. “Việc xây dựng thành công các sản phẩm gạo OCOP đã nâng cao giá trị hạt gạo Nghĩa Bình lên 10 - 15% so với gạo sản xuất đại trà, tăng thu nhập cho nông dân” - ông Chiến nói. |
Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình chia sẻ thêm, mỗi năm, hợp tác xã cung ứng hơn 20 tấn sản phẩm OCOP gạo nếp Bắc Nghĩa Bình và 3 tấn gạo lứt huyết đồng ra thị trường. Thời gian tới, định hướng của hợp tác xã là duy trì sản phẩm OCOP gạo lứt huyết rồng; từng bước chuyển sang sản xuất gạo nếp Bắc Nghĩa Bình theo quy trình hữu cơ phục vụ xuất khẩu, nâng sản phẩm “Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” lên hạng 5 sao… Mỗi năm, huyện Nghĩa Hưng gieo cấy trên 20 nghìn ha lúa, sản lượng bình quân đạt trên 127 tấn/năm. Hiện địa phương này đang có 13 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm là lúa gạo. Để có được kết quả này, ngay trong thời gian đầu triển khai Chương trình OCOP, huyện Nghĩa Hưng đã đặt ra định hướng phát triển nông nghiệp tập trung vào sản phẩm truyền thống, thế mạnh mang tính “chủ lực” là lúa gạo. Từ đó, Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định, đơn vị tư vấn, hướng dẫn các xã, thị trấn, các đơn vị thực hiện xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm OCOP nói chung, lúa gạo nói riêng, theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng bảo hộ thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường… Với sự quyết tâm chỉ đạo từ huyện đến các xã, thị trấn, sự vào cuộc của các chủ thể, “hạt gạo làng ta” của huyện Nghĩa Hưng đã là sản phẩm OCOP tạo “sức bật” cho kinh tế nông thôn của địa phương. |
Thoại Sơn là vùng đất vừa có rừng, có núi và đồng bằng rộng lớn bao la trồng lúa 3 vụ/năm “cò bay thẳng cánh” nơi đây được mệnh danh là vùng đất phù sa ngọt quanh năm, năng suất và diện tích lúa luôn đứng đầu trong tỉnh An Giang. Chính vì vậy nhiều năm qua ngành nông nghiệp tỉnh An Giang luôn tự hào đã mời nhiều doanh nghiệp “đại bàng” lớn đến Thoại Sơn đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là ngành lúa gạo. Giống lúa Lộc Trời 28 ra đời vào cuối năm 2014, xuất phát từ khát vọng đưa giá gạo Việt Nam xuất khẩu đạt ngang tầm 1.000 USD/tấn như gạo Basmati nổi tiếng của Ấn Độ của Ban lãnh đạo Lộc Trời. Sau hơn 3 năm (10 vụ) nỗ lực chọn tạo giống của đội ngũ chuyên gia Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời (LTI) đã cho ra đời Lộc Trời 28 là sự hoà quyện của của hai giống lúa Lộc Trời 1 và Basmati. Trong đó, Lộc Trời 1 là giống lúa đầu tiên của Việt Nam đạt Top 3 cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2015 do The Rice Trader tổ chức. |
Lộc trời 28 đã được “nâng cấp” để thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam cũng như thói quen canh tác của bà con nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên và dọc Nam sông Hậu. Với thời gian sinh trưởng ngắn có thể trồng được quanh năm, năng suất ổn định từ 5 - 7 tấn/ha, Lộc Trời 28 đang được trồng trên diện tích hàng ngàn hécta trong tỉnh An Giang và mở rộng vùng trồng sang các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để tạo vùng nguyên liệu lớn để phục vụ cho thị trường. Đến nay, Lộc Trời 28 đã trở thành niềm tự hào của đại gia đình Lộc Trời khi liên tục được vinh danh với các danh hiệu hàng đầu trong và ngoài nước, bao gồm giải Nhất phân khúc gạo thơm tại Hội nghị Thương mại Gạo Năm Châu lần thứ 5 (The 5th Continental Rice Traders Conference) năm 2018, vượt qua hàng loạt các đối thủ nặng ký đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và giải Nhất cuộc thi Gạo ngon thương hiệu Việt tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 5 tại Vĩnh Long vào tháng 1/2022. Tháng 3/2020, Tập đoàn Lộc Trời bắt đầu sản xuất gạo thơm đặc sản Hạt ngọc trời Thiên Vương và Hạt ngọc trời Tiên Nữ từ giống lúa Lộc Trời 28, chính thức đưa sản phẩm gạo ngon đặc sắc đến tay người tiêu dùng. Giải thích về gạo Hạt Ngọc Trời Thiên Vương và Hạt Ngọc trời Tiên Nữ, anh Tô Nguyên Minh, phụ trách thương hiệu - Phòng Marketing (Tập đoàn Lộc Trời), cho biết, tên gọi này dựa theo cổ tích ngày xưa, hạt gạo được ví như hạt ngọc trời ban, được nâng niu, trân quý. Ngày nay, con người đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mài giũa những hạt ngọc thô sơ thành những viên ngọc sáng, giúp nâng cao giá trị hạt gạo. |
Không dừng lại với các danh hiệu đã đạt được, năm 2020, gạo Hạt Ngọc Trời Thiên Vương và Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận và công bố sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Lộc Trời quảng bá, đưa các sản phẩm gạo mà doanh nghiệp đã dày công đầu tư tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trong nước. Hạt Ngọc Trời Thiên Vương và Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ được tạo ra bởi vùng đất phù sa ngọt cùng với quy trình khép kín từ đồng ruộng đến bàn ăn: giống được gieo trên vùng nguyên liệu đạt chuẩn SRP với các kỹ sư “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) theo sát toàn bộ quy trình canh tác; nguyên liệu lúa sạch được tiến hành chế biến trong hệ thống nhà máy hiện đại đạt chuẩn BRC - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội Bán lẻ Anh (British Retailer Consortium) thiết lập vào năm 1998. Hạt gạo có hình dạng thon dài mảnh mai, thoảng mùi thơm dứa (lá nếp) khi nấu. Hạt cơm khi ăn có vị đậm, ngọt hậu cùng độ mềm, dẻo, không dính, đặc biệt cơm vẫn mềm khi để nguội. Đây được xem là sự hòa quyện tinh tế giữa hương lài và hương lá dứa của hai giống lúa bố mẹ lừng danh là Lộc Trời 1 và Basmati. Trong đó, Lộc Trời 1 là giống lúa đầu tiên của Việt Nam đạt Top 3 cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2015 do The Rice Trader tổ chức. Không những vậy, cả hai sản phẩm gạo Hạt Ngọc Trời Thiên Vương và Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ đều cam kết 3 KHÔNG: Không phát hiện thuốc bảo vệ thực vật - Không chất tạo mùi - Không chất tẩy trắng./. |
Ngân Thương Đồ họa: Hồng Hạnh |