FTA Index giúp tạo động lực mạnh mẽ đối với các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trong khai thác và tận dụng FTA cũng như công tác hội nhập kinh tế quốc tế. ----------- |
Việc nghiên cứu triển khai xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các FTA (FTA Index) của các địa phương đã được Bộ Công Thương đề xuất tại Báo cáo kết quả triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của các Bộ, ngành và địa phương năm 2019, tại công văn 696/BCT-ĐB ngày 5/2/2020. Ngày 30/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ- CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, trong đó giao Bộ Công Thương thực hiện Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương (FTA Index). Ngoài ra, việc xây dựng FTA Index phù hợp với chủ trương tiếp tục tận dụng hiệu quả các FTA của Đảng được nêu cụ thể tại Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Chỉ thị số 25/CT-TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở các chủ trương, định hướng lớn mà Đảng và Chính phủ đã đề ra về hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia sâu vào các thể chế toàn cầu, khu vực, đối ngoại đa phương và song phương, với các dấu mốc quan trọng như gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là thành viên sáng lập của Diễn đàn kinh tế Á – Âu (ASEM), trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong tiến trình hội nhập kinh tế, sự hình thành các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một xu thế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tính tới tháng 12/2021, có khoảng 352 FTA đang có hiệu lực, tăng đáng kể so với con số 214 FTA vào năm 2010 hoặc trước đó là 98 FTA vào năm 2000. Dưới hình thức song phương hoặc đa phương, các FTA xác lập lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan tiến tới việc thành lập một khu vực thương mại tự do, mở rộng cơ hội kinh tế cho mỗi nước thành viên, từ đó thúc đẩy thương mại quốc tế. |
Việc triển khai các FTA đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, từ các đối tác có FTA với Việt Nam. Những tác động tích cực khác cũng có thể quan sát được trong lĩnh vực công nghiệp, như tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế, tăng tỷ trọng hàng công nghệ chế biến... Việc thực hiện các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao cũng dần tạo ra những động lực đổi mới trong nước, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc tham gia các FTA thời gian qua vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý. Dư địa để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, đặc biệt các FTA mới đi vào thực thi gần đây như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA... còn rất lớn. Ngoài ra, kết quả tổng hợp báo cáo về thực thi của các địa phương cho thấy, đối với Hiệp định EVFTA, hiện có khoảng 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực thuộc trung ương có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước EU và khoảng trên dưới 50% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực thuộc trung ương có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP. Nếu chỉ tính các nước mới có quan hệ FTA như Canada, Mexico và Peru thì số lượng còn thấp hơn rất nhiều. Thêm vào đó, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện nay còn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang các thị trường mới có FTA trong CPTPP hay ngay cả EVFTA. Có những địa phương kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng tỷ trọng các thị trường quan trọng trong CPTPP như Canada hay các nước EU còn tương đối khiêm tốn. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, dù nhận thức về công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực thi FTA nói riêng của một số cơ quan, địa phương đã được cải thiện nhưng công tác dự báo, sự quan tâm và đánh giá đúng mức phạm vi tác động của hội nhập và thực thi FTA còn nhiều hạn chế, chưa có tính hệ thống và kịp thời. Nhiều địa phương chưa thực sự chủ động vào cuộc trong việc xây dựng định hướng, chiến lược tận dụng FTA cho các doanh nghiệp tại địa phương mình. Điều này cũng một phần là do đội ngũ cán bộ ở các cơ quan, địa phương tham mưu về công tác hội nhập kinh tế quốc tế còn mỏng, chưa được đào tạo bài bản và cập nhật thường xuyên về các thông tin hay kiến thức cần thiết phục vụ cho công việc của mình. Đặc biệt, việc Việt Nam chưa có cơ chế đánh giá chi tiết, khách quan và liên tục về kết quả thực hiện các FTA tại từng địa phương đang cản trở khả năng tận dụng các FTA, đồng thời gây khó khăn cho Chính phủ và Quốc hội trong công tác chỉ đạo, điều hành và giám sát thực thi các FTA. |
Với người dân và doanh nghiệp, FTA Index phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA đem lại tới các địa phương, đặc biệt đánh giá đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Với các nhà đầu tư, FTA Index là thông tin bổ sung tin cậy giúp các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư, từ đó giúp khuyến khích các dòng đầu tư chất lượng cao tận dụng cơ hội từ các FTA. Với Chính phủ và Quốc hội, FTA Index là cơ sở thông tin quan trọng để tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác thực thi FTA tại các địa phương. Với các cơ quan trung ương, FTA Index giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, vai trò của các cơ quan trung ương trong việc hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, thách thức từ các FTA. Với các cơ quan địa phương, FTA Index giúp đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành cũng như các chương trình hành động mà chính các địa phương xây dựng nhằm thực thi các FTA từ đó tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các FTA này. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển tại địa phương. |
Theo đó, Bộ Chỉ số FTA Index thường niên sẽ được xây dựng dựa trên nguồn thông tin dữ liệu thống kê và thông tin khảo sát doanh nghiệp hàng năm. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin từ 63 tỉnh, thành phố có khối lượng lớn cần nhiều thời gian và nguồn lực để triển khai. Năm 2021, Bộ Công Thương đã tiến hành việc khảo sát và thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Từ kết quả thu thập được, Bộ Công Thương đã thử nghiệm xây dựng mô hình tính toán FTA Index và kiểm định tính đúng đắn của mô hình. Từ dữ liệu khảo sát tại cấp tỉnh thu được qua khảo sát FTA 2021, nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ Chỉ số hội nhập FTA gồm 4 chỉ số thành phần: Tiếp cận thông tin về các FTA; Thực hiện quy định pháp luật; Một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các FTA; Thực hiện các cam kết về phát triển bền vững. |
Trong năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai việc nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số FTA Index thông qua việc tổ chức khảo sát thực tế đối với 1.650 doanh nghiệp từ 63 tỉnh, thành phố để có cơ sở dữ liệu nhằm đánh giá mức độ khả thi của việc xây dựng Bộ chỉ số. Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đánh giá, xây dựng bảng hỏi, thực hiện điều tra khảo sát trên lượng mẫu nhỏ để dễ dàng đánh giá hơn với lượng dữ liệu thu thập được. Bằng dữ liệu thu thập được, Bộ Công Thương đã đưa ra các mô hình để đánh giá dữ liệu, từ đó tìm cách tính toán đối với Bộ chỉ số FTA Index. Trong năm 2022, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Bộ Công Thương triển khai xây dựng dự thảo Đề án FTA Index lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ Công Thương tiến hành nghiên cứu và xây dựng kế hoạch cho năm 2023 trong đó tiếp thu các ý kiến đã nhận được từ các Bộ, ngành, các địa phương và các chuyên gia. Bộ Công Thương cũng sẽ mở rộng phạm vi điều tra và đưa ra các điều chỉnh phù hợp dựa vào các phản biện đã nhận được trong giai đoạn khởi tạo. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ tính toán Bộ chỉ số FTA Index cho việc thực thi của các địa phương trong năm 2023. |
Từ năm 2023 trở đi, việc điều tra để thu thập dữ liệu sơ cấp làm cơ sở để đánh giá và tính toán Bộ chỉ số FTA Index sẽ được tiến hành hàng năm, trong đó, mỗi năm, Bộ Công Thương sẽ đánh giá, điều chỉnh các kết quả đã đạt được trong năm trước đó cùng với các phản hồi của các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương, các chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực để đưa ra và thí điểm những điều chỉnh cần thiết nhằm hoàn thiện hơn Bộ chỉ số này. Hàng năm, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu mở rộng và kết hợp với các nguồn số liệu sơ cấp, thứ cấp có uy tín khác hoặc kết hợp tổ chức điều tra với các đơn vị có cùng chung tiêu chí chọn mẫu để lượng dữ liệu thu thập được ngày một đa dạng và chính xác hơn. |
Trong hơn 10 năm qua, việc triển khai thực hiện chỉ số PCI đã tạo nên những bước chuyển rất mạnh mẽ về cải thiện môi trương đầu tư của các địa phương. Vì thế, ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp và vừa Việt Nam nhấn mạnh, nếu như chỉ số PCI giúp nhận diện được những vấn đề của môi trường kinh doanh của địa phương, qua đó để thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam thì việc triển khai xây dựng bộ chỉ số FTA Index kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện mạnh mẽ công tác hỗ trợ tận dụng FTA của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn. Hiện, nhiều kỳ vọng đặt ra đó là FTA Index sẽ là một công cụ giúp cho địa phương có được bước chuyển tốt hơn về mặt tư duy trong việc quan tâm thúc đẩy câu chuyện về hội nhập trong thời gian tới. “Chúng tôi đánh giá cao khi việc tham gia trực tiếp vào khảo sát liên quan đến FTA, tiếng nói của các doanh nhiệp nhỏ và vừa mới đến được chính quyền; họ có thể đưa ra được những kiến nghị chính sách để có những điều chỉnh giúp cho họ thực hiện được tận dụng được những cơ hội từ các FTA một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới” - ông Nam cho hay. |
Đánh giá rất cao nỗ lực và sáng kiến của Bộ Công Thương trong việc triển khai FTA Index, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) - ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, nếu bộ chỉ số công bố được số liệu định kỳ sẽ giúp các địa phương tạo động lực thực hiện các hiệp định. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, việc xây dựng FTA Index rất quan trọng, qua đó, có thể đánh giá tác động, kết quả, cách thực hiện các cam kết FTA. “FTA Index sẽ có tác dụng lớn cho việc xâm nhập thị trường, xuất khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh. Quan trọng hơn, FTA Index không chỉ xếp hạng mà còn đo lường những việc đã làm được và chưa làm được, cũng như các hạn chế trong tận dụng FTA của doanh nghiệp, địa phương” - ông Thành nói. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, ông Võ Trí Thành cho rằng, bất kỳ một bộ chỉ số nào cũng có nhiều khía cạnh, nếu không chú tâm vào nội dung chính, rất dễ sa vào xếp hạng hình thức, làm mất đi ý nghĩa và cho dù hoàn thiện đến đâu, cũng chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo. Do đó, để FTA Index có tác động tích cực như công cụ đo lường mức độ tận dụng FTA, phải kết hợp nhiều cách nhìn, cách tiếp cận, vừa có khảo sát định lượng, định tính, lấy ý đa chiều cũng như so sánh trong và ngoài nước. Chỉ khi có cái nhìn tổng thể, mới thể hiện vai trò của FTA Index đối với doanh nghiệp, địa phương. |
Để FTA Index thực sự mang lại các tác động tích cực, ông Nguyễn Anh Dương kiến nghị thêm rằng, bộ chỉ số cần được công khai, minh bạch, tạo mức độ tin cậy cao và địa phương tham chiếu trong quá trình hoạch định chính sách. Mặt khác, cần tăng cường phối hợp với các chuyên gia, cán bộ ở địa phương để tạo cách hiểu thống nhất liên quan đến các chỉ số. Từ đó, theo ông Nguyễn Anh Dương, cần thúc đẩy nỗ lực cho cấp, bộ, ngành cũng như các địa phương triển khai nhiệm vụ liên quan đến FTA. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần thường xuyên trao đổi với các đối tác FTA để có những hỗ trợ kỹ thuật phù hợp, giúp các địa phương tận dụng FTA hiệu quả. |
Thực hiện: Hoa Quỳnh - Trang Anh
|