Bộ chỉ số FTA Index thúc đẩy địa phương tiệm cận với các FTA Trợ lực cho các địa phương gia tăng hiệu quả thực thi FTA |
Sự vào cuộc còn hạn chế
Thời gian qua, sự vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của các địa phương được ghi nhận là đáng khích lệ.
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đánh giá, đến nay, việc ban hành kế hoạch thực hiện của các địa phương ngày càng tích cực hơn, nhiều tỉnh thành đã đưa ra rất chi tiết đối với từng mặt hàng, từng lĩnh vực. Nhờ vậy, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành sang các thị trường có FTA thế hệ mới gia tăng đáng kể.
FTA index được Bộ Công Thương xây dựng nhằm phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA mang tới cho các địa phương. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện số địa phương ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với các nước có FTA còn khiêm tốn. Như vậy, dư địa để thúc đẩy xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Đơn cử trong số 63 tỉnh và thành phố, hiện mới chỉ có 38 địa phương có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP. Nếu chỉ tính các nước mới có quan hệ FTA như Canada, Mexico và Peru thì số lượng còn thấp hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện nay còn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang các thị trường mới có FTA trong Hiệp định CPTPP hay ngay cả EVFTA. Thậm chí, có những địa phương kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng tỷ trọng các thị trường quan trọng trong CPTPP như Canada hay các nước EU còn tương đối khiêm tốn.
Mặt khác, theo Bộ Công Thương, thời gian vừa qua, dù nhận thức về công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực thi FTA nói riêng của một số cơ quan, địa phương đã được cải thiện nhưng công tác dự báo, sự quan tâm và đánh giá đúng mức phạm vi tác động của hội nhập và thực thi FTA còn nhiều hạn chế, chưa có tính hệ thống và kịp thời.
Đáng chú ý, nhiều địa phương chưa thực sự chủ động vào cuộc trong việc xây dựng định hướng, chiến lược tận dụng FTA cho các doanh nghiệp tại địa phương mình. Điều này cũng một phần là do đội ngũ cán bộ ở các cơ quan, địa phương tham mưu về công tác hội nhập kinh tế quốc tế còn mỏng, chưa được đào tạo bài bản và cập nhật thường xuyên về các thông tin hay kiến thức cần thiết phục vụ cho công việc của mình.
Năm 2021, kết quả điều tra của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hỗ trợ hội nhập đối với doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành cũng cho thấy, nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các FTA sâu rộng. Tuy nhiên, các hỗ trợ của địa phương mới chỉ dừng ở mức độ “áp dụng chung” cho tất cả các ngành, các doanh nghiệp, tức là chưa đi sâu vào cụ thể những ngành nghề cần tận dụng từ FTA, những ngành nghề thực sự là mặt hàng chiến lược, lĩnh vực chiến lược mà các địa phương có thể dựa vào đó để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, đến nay với việc tham gia 19 FTA, độ mở thị trường cũng như cơ hội để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư là rất lớn. Nếu như chính quyền địa phương vào cuộc sớm, quyết liệt cùng các Bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng tận dụng FTA thì cơ hội để doanh nghiệp, các ngành hàng phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn.
Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp và vừa Việt Nam cũng cho rằng, sự vào cuộc của các địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA thời gian qua là còn hạn chế, khiến cho doanh nghiệp bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển thị trường. “Năng lực, nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu, dẫn tới hàng hoá trong nước vẫn khó tiếp cận cũng như chưa thể xây dựng được thương hiệu và chiếm thị phần tại nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng”- ông Nam chỉ rõ.
FTA Index thay đổi cách hỗ trợ
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, nếu tất cả 63 tỉnh, thành đều quan tâm đến việc thực hiện các FTA, đều quan tâm và trăn trở làm thế nào để giúp cho các doanh nghiệp tận dụng FTA hơn nữa chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, giống như những kết quả chúng ta đã đạt được từ khi có chỉ số PCI. “Đây cũng chính lá lý do, Bộ Công Thương đã có đề xuất và Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương (FTA Index)” - ông Khanh cho hay.
Mục tiêu xây dựng FTA index được Bộ Công Thương cho biết là nhằm phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA mang tới cho các địa phương, là thông tin bổ sung tin cậy cho các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư; đối với Quốc hội là cơ sở thông tin quan trọng để tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác thực thi FTA tại địa phương. Đối với các cơ quan trung ương, theo Bộ Công Thương, FTA Index giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, vai trò của các cơ quan trung ương.
Còn với các địa phương, FTA Index giúp đánh giá kết quả thực hiện các FTA tại địa phương mình, tạo động lực tăng cường sự quan tâm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, kể cả người dân đối với các FTA đã ký kết. Đặc biệt, Bộ Công Thương kỳ vọng, FTA Index sẽ giúp cho các tỉnh, thành thay đổi tư duy, thay đổi cách làm trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tận dụng FTA.
Nếu như chỉ số PCI giúp nhận diện được những vấn đề của môi trường kinh doanh của địa phương, qua đó để thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam. Trong thời gian mười mấy năm qua, việc triển khai PCI đã tạo nên những bước chuyển rất mạnh mẽ về cải thiện môi trương đầu tư của các địa phương. Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp và vừa Việt Nam đánh giá, việc Bộ Công Thương triển khai xây dựng bộ chỉ số FTA Index kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện mạnh mẽ công tác hỗ trợ tận dụng FTA của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn.
Ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh thêm, FTA Index sẽ là một công cụ giúp cho địa phương có được bước chuyển tốt hơn về mặt tư duy trong việc quan tâm thúc đẩy câu chuyện về hội nhập trong thời gian tới. “Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao khi việc tham gia trực tiếp vào khảo sát liên quan đến FTA, tiếng nói của các doanh nhiệp nhỏ và vừa mới đến được chính quyền; họ có thể đưa ra được những kiến nghị chính sách để có những điều chỉnh giúp cho họ thực hiện được tận dụng được những cơ hội từ các FTA một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới”- ông Nam cho hay.