Áo dài không chỉ là biểu tượng tự hào của văn hoá Việt Nam mà còn là nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế du lịch. ------ |
Mới đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã hoàn thành xây dựng hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO (Công ước 2003). Đây là việc làm hết sức quan trọng, có ý nghĩa không chỉ với văn hoá truyền thống Việt Nam mà còn tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế du lịch. |
Nhìn lại cả quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển, áo dài đã có một vị thế quan trọng trong đời sống văn hoá của người Việt. Nó không ngừng phát triển và ngày càng hoàn thiện với những giá trị riêng có. Điều đó thể hiện qua những hình khắc người Việt cổ mặc áo xẻ hai tà tung bay trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, cũng như các hiện vật khác thời Đông Sơn; bóng dáng áo dài trong các bộ “mớ ba mớ bảy” nền nã của sân khấu chèo, quan họ dân gian…đến những tà áo dài nữ sinh hiện đại và trên sân khấu thời trang quốc tế. Lịch sử áo dài có nhiều thăng trầm, dù xuất hiện khá sớm song nguồn sử liệu ghi chép về sự xuất hiện của áo dài Việt Nam chỉ còn được lưu lại trong “Đại Nam thực lục tiền biên”. |
Theo đó, áo dài xuất hiện vào thời Nguyễn khi có những cải cách về trang phục. Chiếc áo dài đầu tiên (2 vạt trước – sau) được thiết kế bởi nhà thiết kế thời trang tài năng Cát Tường và được gọi là áo “Le Mur” cải cách từ chiếc áo tứ thân. Và còn nhiều đợt cải cách nữa để có được chiếc áo dài như ngày hôm nay. Áo dài Việt Nam là một trang phục đặc biệt, có nét rất riêng để tôn lên vẻ đẹp mọi thân hình của phụ nữ. Và dù ở bất kỳ nơi nào, cứ nhìn thấy tà áo dài, mọi con dân có dòng máu Việt đều nhìn thấy quê hương ở đó. |
Lời bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Thanh Tùng - Từ Huy) “Dù ở đâu Paris, London hay những miền xa/Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, Em ơi…” đã khẳn định điều đó. Có thể nói, Áo dài trở thành biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam. Mỗi người Việt dù ở trong hay ngoài nước khi mang trên mình chiếc áo dài thì không đơn thuần là trang phục nữa mà mang ý nghĩa thiêng liêng tự hào về bản sắc văn hoá riêng có; về cội nguồn dân tộc. Nhiều Kiều bào đã cho biết, khi mặc áo dài của Việt Nam để tham gia hội nghị và trong các ngày lễ, hội họ rất tự hào, vinh dự và ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình, về những tà áo dài đại diện cho truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chiếc áo dài thể hiện trong cả truyền thống anh hùng, sáng tạo và tinh thần lao động cần cù, hòa hiếu, nhân văn. Khi được mặc áo dài đại diện cho đất nước mỗi người đều có mong muốn lan tỏa giá trị của Việt Nam, truyền thống của Việt Nam ra thế giới. |
Theo Giáo sư-Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nếu hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là chỉ dấu quan trọng để phân biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác, thì áo dài là một biểu tượng rõ ràng và cụ thể nhất về bản sắc văn hóa Việt. Bởi vì khi nhìn thấy kimono ta sẽ liên tưởng tới Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Hoa, sari của Ấn Độ và áo dài là hình tượng về người phụ nữ Việt Nam, văn hoá Việt Nam. Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì: Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý và quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức, tinh thần dân tộc của người Việt Nam. |
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Như đã đề cập ở trên, việc sớm trình UNESCO công nhận áo dài là cần thiết và cấp bách, tuy nhiên, theo Nhà thiết kế Lan Hương – thành viên của nhóm chuyên gia xây dựng hồ sơ Áo dài Việt Nam để trình UNESCO, để được UNESCO công nhận, Áo dài Việt Nam còn rất nhiều rào cản, trước hết Áo dài phải được công nhận là quốc phục, hiện nay chúng ta mới chỉ gọi là Áo dài truyền thống. Hơn nữa, chúng ta đang thiếu sự cân bằng giữa Áo dài nam và nữ. Trang phục cho Nữ đã rất tốt rồi, nhưng Áo dài cho Nam đang gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh đó trong quá trình xây dựng hồ sơ, Việt Nam phải chứng minh được Áo dài đi vào cuộc sống như thế nào? Người dân có nhu cầu sử dụng ra sao? Ngành nghề Áo dài phải là một ngành nghề phát triển tốt mang lại giá trị về kinh tế cho xã hội. |
Cho đến nay, đã có nhiều dự án, chương trình quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam ra thế giới. Đơn cử như năm 2021, chương trình “Thế giới trong áo dài Việt” đã giới thiệu 600 bộ trang phục áo dài từ 15 bộ sưu tập của 15 nhà thiết kế Việt Nam, lấy ý tưởng từ văn hóa các quốc gia. Hay hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia (1973 – 2023), bắt đầu từ năm 2022, chương trình “Di sản Áo dài- Giá trị văn hóa của tình thương” do Đại sứ quán Italia tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại Roma và Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM) phối hợp Golden Heritage tổ chức đã cho ra mắt bộ sưu tập áo dài do các nhà thiết kế thời trang của Italia và Việt Nam thực hiện. Ở trong nước, các lễ hội áo dài đã được tổ chức thường niên với nhiều hoạt động phong phú, sôi động ở nhiều tỉnh thành phố. Đơn cử vào tháng 3/2023 vừa qua, Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 9 với chủ đề “Tôi yêu Áo dài Việt Nam” đã được tổ chức. Hay ngày 13/10/2023, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 sẽ được tổ chức tại không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm với sự tham gia của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, các làng nghề truyền thống, doanh nghiệp du lịch Hà Nội và các địa phương. |
Đánh giá về Lễ hội Áo dài của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết: Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội là sự kiện hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và du khách, sẽ là một trong các dấu ấn của du lịch Hà Nội. Đây sẽ là sự kiến để lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam thông qua tà áo dài, sản phẩm du lịch đặc sắc và lắng đọng văn hóa Việt. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định: Hà Nội mong muốn tôn vinh và khai thác tà áo dài dân tộc là một sản phẩm của các loại hình du lịch độc đáo, là hoạt động gắn kết du lịch Hà Nội với du lịch ba miền Bắc - Trung – Nam; Hà Nội mong muốn cùng Huế và thành phố Hồ Chí Minh viết tiếp câu chuyện về tà áo dài như một “Đại sứ du lịch”. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội tiếp tục quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội “Điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, hứa hẹn là hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế, đồng thời quảng bá, khuyến khích phụ nữ thủ đô sử dụng trang phục Áo dài nhiều hơn nữa trong các hoạt động văn hóa, chính trị, kinh tế-xã hội. |
Không chỉ riêng Hà Nội, trước đó, để khuyến khích phụ nữ trong nước và quốc tế mặc áo dài khi đến các điểm du lịch của Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chính sách miễn vé tham quan đối với nữ du khách mặc trang phục Áo dài. Hành động này cho thấy sự phát hiện, chú trọng của Huế trong việc khai thác tiềm năng du lịch từ áo dài giống như Hanbok ở Hàn Quốc hay Kimono ở Nhật. Trên thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch, thời trang, địa phương và cả ngươi dân đã khai thác nguồn lực từ áo dài vừa để quảng bá, tôn vinh, lan toả niềm tự hào của áo dài Việt Nam, vừa để phát triển kinh tế - du lịch. Các doanh nghiệp đã nỗ lực quản bá áo dài qua các chương trình nghệ thuật, các sàn diễn thời trang. Các cơ sở sản xuất, may áo dài tại các điểm du lịch cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội đưa ra nhiều chương trình ưu đãi về giá cho du khách. Ngoài các mẫu áo có sẵn, thời gian cắt may mới cũng được rút ngắn để đảm bảo phù hợp với khách du lịch ngắn ngày muốn mua về mặc hoặc làm quà. Các cơ sở sản xuất đồ lưu niệm cũng tranh thủ sản xuất những tem phiếu, post card, tranh ảnh, đồ lưu niệm để quảng bá. Các địa phương khuyến khích du khách đến Việt Nam mặc áo dài để trải nghiệm, check-in tại các địa điểm mang tính đặc trưng cho văn hóa truyền thống dân tộc. |
Theo nhiều chuyên gia, việc phát triển văn hoá áo dài, còn có thể giúp quảng bá, giới thiệu những loại vải truyền thống của Việt Nam như lụa tơ tằm, thổ cẩm, the... trên thị trường thế giới. Qua đó, gián tiếp phát triển ngành nguyên liệu dệt may của Việt Nam. Điều này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Tin rằng với sự chung tay của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân Việt Nam cùng các cấp chính quyền. Sản phẩm Áo dài sẽ tiếp tục lan toả, phát huy các giá trị văn hoá mang tính biểu tượng tự hào, góp phần kết nối Việt Nam với thế giới và mang lại giá trị vật chất cho những người tham gia. |
Thực hiện: Đình Dũng – Thu Hường – Nhật Khôi |