Lấy ý kiến hồ sơ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018⁄NĐ-CP về phòng vệ thương mại
Văn bản chỉ đạo - điều hành 06/06/2024 12:52
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại Bộ Công Thương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện phòng vệ thương mại |
Cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương vừa thông báo lấy ý kiến Hồ sơ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 10 ⁄2018 ⁄NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, thực hiện Chương trình xây dựng văn bản Quy phạm pháp luật 2024 của Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại được giao chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định).
Thực hiện quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về việc đăng tải xin ý kiến, Cục Phòng vệ thương mại gửi hồ sơ Dự thảo 02 Nghị định (tại đây).
Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đã chấm dứt hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm gồm 3 Pháp lệnh về và 3 Nghị định hướng dẫn thực thi các quy định về phòng vệ thương mại.
Ngày 15 tháng 01 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định số 10/2018/NĐ-CP).
Nghị định số 10/2018/NĐ-CP được đánh giá là văn bản pháp lý xương sống cho hoạt động điều tra và ứng phó đối với lĩnh vực phòng vệ thương mại của Việt Nam, đánh dấu bước chuyển biến về nhận thức và mối quan tâm về chính sách thương mại của Chính phủ trong tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, sau gần 07 năm thực thi Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã rà soát và nhận thấy còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.
Cụ thể: Một số quy định tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP chưa hoàn toàn tương thích với các quy định của Luật Luật Quản lý ngoại thương và quy định của WTO; Kết cấu của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đối với cả 3 biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) chưa hoàn toàn phù hợp; phòng vệ thương mại là lĩnh vực còn tương đối mới ở Việt Nam nên quy định tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP chưa bao quát được toàn bộ các tình huống phát sinh trên thực tế, đặc biệt là vấn đề chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Những hạn chế, bất cập của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đã gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của việc điều tra, áp dụng hoặc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian qua. Do đó, cần ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP nhằm thống nhất các quy định trong các văn bản pháp luật phòng vệ thương mại, sửa đổi các quy định chưa hợp lý, bổ sung các quy định còn thiếu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại và tạo thuận lợi cho quá trình thực thi.
Mục đích của việc xây dựng Nghị định được nêu rõ là nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia hội nhập quốc tế về kinh tế. Bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng vệ thương mại, tạo thuận lợi trong áp dụng pháp luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.