Bắc Ninh: Chủ động tận dụng cơ hội từ EVFTA Thực hiện hiệp định EVFTA: Bắc Giang tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu |
Cơ hội đan xen cùng thách thức
Theo ông Nguyễn Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai: EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết mạnh mẽ nhất của cả phía EU và Việt Nam về mở cửa thị trường và các cải cách thủ tục, chính sách. Mặt khác, thị trường EU và Việt Nam bổ trợ lẫn nhau về lợi thế, nhu cầu nhập khẩu. Đây có thể coi là cơ hội lớn để doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tận dụng, phát triển thị trường xuất khẩu sang EU.
Lào Cai đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn để xuất khẩu bền vững. Ảnh: Xuân Hiền |
Dự kiến, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Nhóm hàng nông sản: Gạo (có thể tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%)…
Trong khi đó, nông sản là một trong những thế mạnh của tỉnh Lào Cai. Năm 2023, sản xuất lúa gạo của nông dân trong tỉnh mang về giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt gạo Séng Cù là loại gạo đặc sản của vùng đất Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Đây là giống gạo có hàm lượng chất tinh bột, protein, vitamin và một số khoáng chất cao hơn so với loại gạo thông thường nên được nhiều người ưa chuộng.
Ngoài ra, Lào Cai còn có hàng trăm sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Địa phương đang duy trì và phát triển hơn 100 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận, trong đó có nhiều chuỗi nông sản đang cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhiều dòng sản phẩm an toàn được gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử giúp doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh nhờ minh bạch thông tin tới người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm an toàn của tỉnh Lào Cai.
Hiện nay, một số doanh nghiệp của tỉnh đã đầu tư sản xuất và đổi mới công nghệ, trang - thiết bị, máy móc hiện đại vào sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm để tham gia xuất khẩu vào thị trường EU.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, EVFTA cũng sẽ tác động tới người làm nông nghiệp của tỉnh Lào Cai khi phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật như nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ, nguồn lao động chất lượng cao...
Bên cạnh đó, khi mở cửa thị trường, doanh nghiệp phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp EU, hàng hóa của họ có chất lượng cao, mẫu mã đẹp.
Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất hạn chế, thiếu liên kết giữa các khâu, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao… Như vậy sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh khi tham gia xuất khẩu vào thị trường EU.
Nỗ lực tận dụng cơ hội
Nhằm tận dụng hiệu quả các ưu đãi của EVFTA, với vai trò của mình, Sở Công Thương Lào Cai đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA trên địa bàn giai đoạn 2020 – 2025; tổ chức hội nghị phổ biến về hiệp định… Trên cơ sở nội dung kế hoạch của tỉnh, các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa bằng kế hoạch của ngành mình, phù hợp với tình hình địa phương và đáp ứng điều kiện hội nhập quốc tế.
Kế hoạch đưa ra những mục tiêu, định hướng và xác định các nhóm nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ cụ thể, như tuyên truyền, phổ biến Hiệp định EVFTA; rà soát công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, Lào Cai sẽ tổ chức xúc tiến thương mại tới thị trường các nước EU; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực…
Tuy nhiên, để đón đầu thị trường thuận lợi, ông Nguyễn Trường Giang đưa ra một số gợi ý cho doanh nghiệp trên địa bàn, đó là: Cần có cách tiếp cận bài bản, chủ động nghiên cứu hoặc thuê các tổ chức nghiên cứu để đánh giá tiêu chuẩn hàng hóa xuất sang thị trường EU nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất, lao động, xuất xứ, nguyên phụ liệu, an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung vào những mặt hàng mà tỉnh có thế mạnh hoặc có tiềm năng xuất khẩu.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật; tiếp tục đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp; minh bạch thông tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất, kinh doanh để các đối tác EU có thể tiếp cận, nghiên cứu về sản phẩm dễ dàng.
Chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của hiệp định để thu hút đầu tư trực tiếp vào dự án sản xuất, chế biến có hàm lượng giá trị công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.
Tận dụng lợi thế EVFTA mang lại, Sở Công Thương Lào Cai đã chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung, kế hoạch tuyên truyền, tập huấn như hội nghị trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA; tập huấn về cam kết thuế, cam kết dịch vụ đầu tư và tiếp cận thị trường EU cho các sở, ngành, đơn vị liên quan; hội nghị trực tuyến của Chính phủ về triển khai Hiệp định EVFTA cho các cơ quan, đơn vị có liên quan, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |